Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Hoàn thiện các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất

19/12/2022

 Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang hoàn thiện Dự thảo Đề án thành lập Hội đồng EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) quốc gia và Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR quốc gia.


 

Tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của nhà máy 

tại Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam–TTXVN
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Đề án thành lập Hội đồng EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) quốc gia và Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR quốc gia. Theo đó, Hội đồng EPR được thành lập theo quy định tại khoản 2 Điều 88, Nghị định 08/2022/NĐ–CP của Chính phủ. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì, thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu; tổ chức xây dựng tiêu chí ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho các hoạt động, sản phẩm tái chế và hoạt động xử lý chất thải và đề xuất Bộ trưởng xem xét để công bố công khai theo quy định. Hội đồng EPR quốc gia làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Cơ cấu Hội đồng EPR quốc gia gồm đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu; đại diện đơn vị tái chế, đơn vị xử lý chất thải và đại diện tổ chức xã hội, môi trường có liên quan. 
Tổng cục Môi trường đã gửi lấy ý kiến 13 cơ quan, tổ chức có đại diện dự kiến tham gia Hội đồng, nhận được ý kiến của 6/13 cơ quan, tổ chức. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, Tổng cục Môi trường đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Dự thảo Đề án.
Hội đồng cũng có nhiệm vụ thẩm định, biểu quyết thông qua các đề nghị hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì, phục vụ hoạt động xử lý chất thải của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt; thông qua và trình Bộ trưởng ban hành quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu; tổ chức xây dựng kế hoạch và báo cáo hoạt động hàng năm của Hội đồng.
Đối với Văn phòng EPR quốc gia, Văn phòng có nhiệm vụ giúp Hội đồng EPR quốc gia tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ–CP và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng EPR quy định. Văn phòng EPR có tư cách pháp nhân, tài khoản, con dấu riêng và hạch toán độc lập. Văn phòng Hội đồng EPR có nhiệm vụ tổ chức giám sát, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ tái chế, trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu; tổng hợp, thu thập thông tin, dữ liệu về trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải. Văn phòng Hội đồng cũng là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp và tổ chức thẩm tra hồ sơ đề nghị hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế, thu gom, xử lý chất thải để trình Hội đồng EPR quốc gia. Vận hành Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia, xây dựng các báo cáo quốc gia về thực thi EPR. Ngoài ra, thực hiện các chức năng khác như nghiên cứu khoa học công nghệ, thông tin, trao đổi, truyền thông, hợp tác, thực hiện các chương trình, dự án.
Theo Viện Chiến lược, Chính sách và tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), EPR là việc các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm quản lý bao bì sản phẩm của mình khi chúng bị thải bỏ ra môi trường. Những chai, hộp, lọ, túi, bao bì đóng gói sản phẩm phải được thu hồi, phân loại, tái chế sau khi sản phẩm bên trong đã được sử dụng hết. EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. EPR khuyến khích người sản xuất cân nhắc đến vấn đề môi trường ngay từ khâu thiết kế sản phẩm. Việc thực hiện EPR được nhìn nhận như một hình thức để doanh nghiệp thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội tích cực của mình.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>