Hôm nay, một USD tại ngân hàng Vietcombank giá 25.340 đồng. Con số này đã giảm gần 130 đồng so với mức trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Từ đầu tháng 8 đến nay, tỷ giá trung tâm VND/USD đã có 6 phiên giảm liên tiếp. Đã có lúc đồng Việt Nam mất giá gần 5% so với USD nhưng do USD đã yếu đi, một số đồng tiền khác mạnh lên, đồng Yen tăng gần 4%, bảng Anh tăng lên 0,5%, nên hiện tại đồng Việt Nam đã mạnh lên khiến tỷ lệ biến động chỉ còn là 3,85%. Ngoài ra, tỷ giá hạ nhiệt còn là kết quả của quá trình bơm hút tiền trên thị trường mở, phát hành tín phiếu và mua bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ giá ổn định có thể khiến doanh nghiệp xuất khẩu có thể thiệt thòi, nhưng lại giúp giảm gánh nặng nợ bằng USD, và đặc biệt là góp phần ổn định mặt bằng lãi suất và góp phần kiểm soát lạm phát.
Với các doanh nghiệp sản xuất, nhất là những doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu. Ngoài các loại thuế nhập khẩu, phí vận chuyển, phí kho bãi thì một khoản không nhỏ chính là chi phí do biến động tỷ giá hối đoái. Có những doanh nghiệp sản xuất, mỗi tháng mất thêm đến 300 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái vì tỷ giá biến động. Nhưng nay, việc tỷ giá hạ nhiệt đã giúp tăng khả năng cạnh tranh, từ đó tìm kiếm thêm được nhiều đơn hàng mới.
Doanh nghiệp chuyên sản xuất khuôn và linh kiện hiện đang cung ứng khoảng 600 sản phẩm cho các hãng sản xuất ô tô, xe máy trong và ngoài nước. Một trong những linh kiện để cấu thành nên chiếc ghế của xe ô tô được doanh nghiệp Việt sản xuất ra, tuy nguyên liệu thép để sản xuất thì doanh nghiệp phải nhập khẩu 100%. Nhập khẩu thì phải dùng ngoại tệ là USD, mỗi tháng tiền mua nguyên vật liệu khi đổi ra tiền Việt đã vào khoảng 8 tỷ đồng. Đây cũng là phần chi phí lớn nhất của sản phẩm. “Chiếm tới 60–70% giá trị của sản phẩm, nên tỷ giá mà thấp xuống được, chỉ một chút thôi doanh nghiệp chúng tôi cũng đã tiết kiệm được vài chục đến cả trăm triệu. Khi đó tăng tính cạnh tranh về giá với khách hàng’’, ông Trịnh Bá Ngọc – Giám đốc Công ty Đầu tư thương mại công nghiệp Hà Nội cho hay.
Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong 7 tháng đầu năm nay, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 12,55 tỉ USD, tăng 8,4% so cùng kỳ năm trước, cao nhất 5 năm qua. Tỷ giá hối đoái hạ nhiệt và ổn định được kỳ vọng sẽ giúp thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp. “Với sự sụt giảm mạnh trên thị trường toàn cầu, đặc biệt nhất đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản, cũng là một cơ sở để chúng ta thu hút lượng vốn FDI từ các thị trường khác’’, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết. Việt Nam vẫn đang duy trì cán cân thanh toán dương, dự trữ ngoại hối dự kiến đạt 110 tỷ USD trong năm 2024, đây là những cơ sở góp phần ổn định mặt bằng tỷ giá từ nay đến cuối năm.
Lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp khi tỷ giá ổn định
Tỷ giá ổn định giúp cho mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp, đặc biệt là lãi suất cho vay. Tín dụng cho sản xuất kinh doanh, tín dụng cho vay tiêu dùng và nhất là các gói vay ưu đãi lãi suất như gói 140.000 tỷ cho vay nhà ở xã hội, gói 30.000 tỷ đồng cho vay lâm thủy sản có thêm các dư địa để đưa vào nền kinh tế. Hơn 103.000 tỷ đồng là số tiền ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay trong 7 tháng đầu năm, những ngành nghề chủ yếu là sản xuất, nông nghiệp và lâm nghiệp. Có những gói vay ưu đãi lãi suất chỉ khoảng 6,5%/năm. Còn với các hộ gia đình lãi suất còn thấp hơn.
Bà Vũ Nam Hương – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng LPBank cho biết: “Thời điểm hiện tại có khoảng 35.000 khách hàng đã được sử dụng gói tín dụng ưu đãi này, tương đương 31.500 tỷ, tương ứng mức giảm lãi suất là 2,5% so với mức lãi suất trung bình từ đầu năm’’. Tỷ giá hạ nhiệt, giúp ngân hàng đã tính đến các phương án hỗ trợ lãi suất với những người có nhu cầu vay tiêu dùng như để mua đồ điện tử, cải tạo, sửa chữa nhà cửa. Thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng và khách hàng cũng có thể vay tín chấp mà không cần tài sản đảm bảo.
“Chúng tôi cũng biết là khách hàng kinh doanh không dễ dàng gì, giảm được lãi suất cho khách hàng, đưa ra lãi suất tốt cho khách hàng sẽ giúp khách hàng tự tin hơn trong mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như mua sắm vật dụng tiêu dùng, gói lãi suất thấp nhất chỉ hơn 5%’’, ông Nguyễn Văn Hương – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB cho hay.
Với chi phí vay vốn thấp hơn, doanh nghiệp có thể hạ giá thành sản phẩm, người tiêu dùng được mua hàng hóa với giá rẻ hơn. “Việc duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển, hỗ trợ cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh hồi phục trở lại là yếu tố chúng ta có thể tiếp tục làm trong dài hạn. Do đó, chúng ta có thể đạt mục tiêu kép là vừa hỗ trợ nền kinh tế thông qua mặt bằng lãi suất thấp nhưng lại không quá lo lắng với lạm phát tăng trở lại’’, ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết cho biết.
Ông Cấn Văn Lực – Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhận định: “Khi tỷ giá giảm như vậy, tạo ra tâm lý yên tâm hơn đối với nhà đầu tư, người dân, thì hiện tượng găm giữ ngoại tệ sẽ bớt đi, qua đó lại tiếp tục bớt đi áp lực với tỷ giá và gián tiếp bớt đi áp lực đối với lạm phát của Việt nam chúng ta’’. Tỷ giá hạ nhiệt, được kỳ vọng giúp kiểm soát lạm phát của Việt Nam ở mức mục tiêu từ 4 – 4,5% trong khi vẫn tạo ra các động lực giúp tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 – 6,5% trong cả năm nay. Tỷ giá VND/USD được kỳ vọng sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới bởi theo giới phân tích quốc tế, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ có thể cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới và FED có thể có 2 đến 3 đợt giảm lãi suất trong cả năm nay.
Ban Thời sự, nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/doanh-nghiep-huong-loi-khi-ty-gia-ha-nhiet-20240808203247367.htm, ngày 09/8/2024 (TN trích dẫn)