Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Cần sớm tháo gỡ những điểm nghẽn cho doanh nghiệp

24/07/2023

Cải cách hành chính tại nhiều cơ quan quản lý Nhà nước đang tạo ra nhiều rào cản, vướng mắc cho doanh nghiệp.
 


Bên lề Diễn đàn phát triển kinh doanh “Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” vừa được Báo Diễn đàn doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bất động sản Đông Á để ghi nhận thực trạng sức khỏe của doanh nghiệp cùng những kiến nghị thiết thực, góp phần vào việc duy trì ổn định và tháo gỡ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp địa phương.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp
tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng thành viên
Tập đoàn Bất động sản Đông Á
Theo ông Cao Tiến Đoan, nền Kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đi được một nửa chặng đường, với những thăng trầm đậm nét. Doanh nghiệp là yếu tố quyết định tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay đang trong tình cảnh kinh doanh đầy khó khăn khắc nghiệt. Chưa khi nào, cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung; trong đó có cả doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nói riêng đang phải gồng mình đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%. Đây là mức tăng khá thấp so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm của giai đoạn 2016 – 2022.
Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới những khó khăn hiện hữu của các doanh nghiệp, ông Đoan cho rằng, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ những ảnh hưởng tiêu cực và tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Mặc dù đã được kiểm soát và nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi, song do vướng những quy định mới phát sinh như phòng cháy chữa cháy cùng nhiều bất cập khác khiến họ phải tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa. Đâu đó, cũng có một số doanh nghiệp cố gắng khắc phục để trở lại sản xuất kinh doanh bình thường, thì lại gặp phải những sự cố như mất điện đột ngột và liên tục.
Tiếp đó, do tình hình kinh tế – chính trị thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, nguyên nhiên vật liệu đầu vào khan hiếm, giá cả thị trường tăng vọt, không ổn định; đơn hàng sụt giảm do tổng cầu thế giới và trong nước suy yếu. Tín dụng bị thắt chặt, lãi suất tăng cao, dòng vốn cho sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như: Gói hỗ trợ 2% hạ lãi suất cho vay, giãn nợ, khoanh nợ, lùi thời gian trả lãi cho doanh nghiệp. Nhưng thực tế, số doanh nghiệp được thụ hưởng và tiếp cận còn ít, vì kèm theo là nhiều điều kiện mà doanh nghiệp không thể đáp ứng được.
Thêm vào đó, tình hình cải cách hành chính tại nhiều cơ quan quản lý Nhà nước đang tạo ra nhiều rào cản, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp trong tỉnh đang phải đối mặt với những bất cập nội tại của nền kinh tế, như vấn đề mâu thuẫn từ thể chế, chính sách, sự chững lại của xu thế cải cách hành chính vốn trước kia đang được thúc đẩy khiến môi trường kinh doanh đầu tư giảm sút. Thêm vào đó là nhiều điều kiện kinh doanh còn tồn tại đang kéo theo những rào cản khó vượt qua so với trước đây.
Gần đây, tại địa phương còn xuất hiện tình trạng, một bộ phận cán bộ công chức Nhà nước có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền… đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh đã khó ngày càng khó khăn hơn trước. Trước đây, các cấp, các ngành nỗ lực, cố gắng đấu tranh để được cấp trên giao nhiều công việc. Bây giờ thì ngược lại, khi được giao việc lại đùn đẩy, dẫn tới sự trì trệ trong khâu giải quyết thủ tục hành chính khiến nhiều dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí cho doanh nghiệp; thậm chí nhiều doanh nghiệp mất hết cơ hội đầu tư rất đáng tiếc.
Trước những khó khăn dồn dập, nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, hoặc cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm việc, thậm chí, có doanh nghiệp lựa chọn phương án “án binh bất động”, không hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều đó đã dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, người lao động mất công ăn việc làm, gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tệ nạn tăng cao trong thời gian qua. 
Cộng đồng doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong thời gian qua. Các doanh nghiệp cũng đã ý thức và xác định rất rõ, tình hình khó khăn vẫn còn tiếp diễn trong tương lai. Vì vậy, rất mong Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm, tăng cường và thúc đẩy cải cách hành chính, rà soát, loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt là tháo gỡ những điểm nghẽn để có được những giải pháp mang tính đột phá, khắc phục tình trạng chậm trễ trong triển khai như hiện nay. Theo ông Đoan, cần sớm có giải pháp xóa bỏ nỗi sợ trách nhiệm đang lan tràn trong bộ máy công quyền; sớm ban hành và thực thi văn bản bảo vệ, động viên, khích lệ người có tinh thần trách nhiệm, dám xả thân, đóng góp trí tuệ, sức lực cho công việc; từ đó tạo động lực khích lệ cho các doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến hết mình, tạo ra những giá trị mới cho xã hội. Cùng với đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; hạn chế kiểm tra, thanh tra gây tâm lý cho doanh nghiệp.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp mong đợi chính sách tín dụng ưu đãi cho những đơn vị đã khẳng định được uy tín, thương hiệu; đồng thời tăng cường chỉ đạo, giám sát hệ thống ngân hàng thương mại tại các địa phương. Thực hiện nghiêm việc khoanh nợ, giãn nợ, giãn thời gian trả lãi theo đúng Nghị quyết 50/NQ–CP của Chính phủ ban hành ngày 8/4/2023 về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 và Nghị quyết 59/NQ–CP của Chính phủ ban hành ngày 23/4/2023 về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng; tránh tình trạng một số chi nhánh ngân hàng địa phương khi doanh nghiệp đến thực hiện giao dịch đều được trả lời là chưa được Hội sở chỉ đạo, hướng dẫn. Việc này cho thấy các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các địa phương có thể buông lỏng quản lý, tạo kẽ hở cho các ngân hàng thương mại gây khó khăn cho doanh nghiệp để hưởng lợi, đẩy doanh nghiệp bị nhảy nhóm tín dụng về nhóm xấu nguy cơ phá sản cao. Nghị quyết ban hành từ tháng 4/2023 đến nay đã qua 4 tháng mà chưa được hướng dẫn thực thi là rất chậm trễ.
Các quy định mới về phòng cháy chữa cháy cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, đề nghị xem xét tạm dừng việc xử phạt về phòng cháy chữa cháy với các doanh nghiệp, tránh tình trạng “vừa sửa – vừa xử” như hiện nay. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, góp phần ổn định việc làm cho người lao động; vận dụng thực hiện song song việc nâng cấp, đầu tư mới hệ thống phòng cháy chữa cháy mà vẫn tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả và ổn định. Cuối cùng, hy vọng Chính phủ và các bộ, ngành sớm có giải pháp tổng thể đảm bảo đủ nguồn điện và xăng dầu, nhằm hạn chế những ảnh hưởng gây biến động thị trường kinh doanh.

Ngọc Quỳnh, nguồn: https://bnews.vn/can-som-thao-go-nhung-diem-nghen-cho-doanh-nghiep/300025.html, ngày 20/7/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>