Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

8 nhóm nông sản xuất khẩu hơn 2 tỷ USD

03/01/2023

Năm 2022 có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.
 


Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NNPTNT), năm 2022 đã có nhiều chuyển biến bước đầu hết sức quan trọng trên thực tế từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp toàn ngành, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nổi bật như nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn; áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào; sử dụng giống lúa thơm, chất lượng cao và chủ lực xuất khẩu; tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt 85%. Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ được phát triển. Thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả; số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp gia tăng; nhiều trang trại, hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập doanh nghiệp.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục gây ấn tượng
Theo tính toán của Bộ NNPTNT, năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,33% (trồng trọt 2,88%; chăn nuôi 5,93%, thủy sản 4,43%, lâm nghiệp 6,13%); giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) năm 2022 ước tăng trên 3%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trên 53,22 tỷ USD. Năm 2022, thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm. Bộ NNPTNT tiếp tục chú trọng thị trường trong nước; tháo gỡ nhiều rào cản thương mại, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục mới. Cụ thể, với thị trường trong nước, Bộ đã bảo đảm nguồn cung nông sản thiết yếu đáp ứng nhu cầu thị trường; theo dõi sát sao diễn biến giá cả và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong nước; tháo gỡ vướng mắc trong lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản.
Năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,33%
Bộ cũng phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các địa phương theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung nông sản tại các địa phương, cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước ngay cả trong giai đoạn quý I năm 2022 khi tình hình dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng. Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác 970 tổ chức 12 diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản vùng miền trong năm 2022. Theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung nông sản vào vụ thu hoạch (vải, nhãn, thanh long, xoài, mít). Chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương trong công tác giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, nông nghiệp hữu cơ.
Năm 2022, Bộ NNPTNT đã tích cực đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản, trọng tâm là với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác (Anh, Nga, Brazil, Ả rập Xê út). Cập nhật tình hình sử dụng chứng nhận điện tử về sức khỏe động vật (eAH) cho Ban Thư ký ASEAN; Chuẩn bị cho cuộc họp Ủy ban SPS Hiệp định CPTPP, các vướng mắc kỹ thuật; đề xuất mở cửa thị trường sản phẩm nông sản đối với các nước tham gia Hiệp định CPTPP.
Về xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022, Bộ NNPTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; ứng phó với tác động của dịch bệnh COVID-19 và xung đột quân sự Nga Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do (FTAs) để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản; hướng dẫn thực hiện quy định Lệnh “248”, Lệnh “249” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Bên cạnh đó, phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản Hàn Quốc, ASEAN, Australia, New Zealand, Trung Đông). Chuẩn bị tổ chức Đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc. Đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang New Zealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa, sầu giêng, khoai lang, sang Trung Quốc; mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để quả bưởi tươi (citrus maxima) là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Đây là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu bưởi Việt Nam. Nhờ đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Trong đó nông sản chính đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8%; lâm sản chính đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; thủy sản đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9%; chăn nuôi đạt 400 triệu USD, giảm 7,1%. Năm 2022 tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ), bao gồm 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.

Phạm Hiếu, nguồn: https://nongnghiep.vn/8-nhom-nong-san-xuat-khau-hon-2-ty-usd-d341038.html, ngày 29/12/2022 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>