Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu trước Quốc hội
ở London ngày 23/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, với thị trường gần 70 triệu dân, thuộc nhóm nước dẫn đầu toàn cầu về xuất khẩu dịch vụ tài chính – ngân hàng và đầu tư, việc Anh tham gia CPTPP được kỳ vọng mở ra tiềm năng hợp tác thương mại lớn cho các thành viên CPTPP nói chung và Việt Nam nói riêng.
Sau sự kiện Brexit, London đã đưa ra tầm nhìn “Nước Anh toàn cầu”, trong đó cam kết theo đuổi tự do hóa thương mại là ưu tiên hàng đầu, tập trung vào mở rộng các hiệp định thương mại và đa dạng hóa các mối liên kết kinh tế bên ngoài châu Âu. Khi CPTPP được hình thành năm 2018, Anh đã sớm bày tỏ ý định mạnh mẽ tham gia vào một trong những sân chơi thương mại lớn nhất toàn cầu này.
Trong thông báo sau khi đạt được thỏa thuận, Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định: “Anh là một quốc gia cởi mở và tự do thương mại, thỏa thuận này cho thấy các lợi ích kinh tế thực sự với Anh sau Brexit’’. Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch cũng nhấn mạnh: “Việc Anh gia nhập CPTPP gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Anh mở cửa cho doanh nghiệp và sử dụng các quyền tự do hậu Brexit để tiếp cận các thị trường mới trên thế giới và phát triển nền kinh tế”.
Là quốc gia châu Âu đầu tiên và cũng là thành viên mới đầu tiên kể từ khi CPTPP ra đời, đây được xem là chiến thắng quan trọng của chính quyền Thủ tướng Sunak với ý nghĩa lớn về cả kinh tế lẫn chính trị. Về kinh tế, hiệp định giúp Anh mở rộng cơ hội tăng trưởng khi nền kinh tế Anh đang trong tình trạng suy giảm mạnh kể từ đầu năm 2022 do tác động của Brexit, dịch COVID-19 cũng như xung đột Nga – Ukraine. Ngân hàng Trung ương Anh dự báo kinh tế Anh có khả năng rơi vào suy thoái nhẹ vào nửa cuối năm 2023.
Tư cách thành viên là “cửa ngõ’’ để Anh hội nhập Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khu vực chiếm 60% dân số thế giới và được dự đoán sẽ chiếm phần lớn tăng trưởng toàn cầu trong tương lai. Với CPTPP, Anh ước tính được hưởng lợi 1,8 tỷ bảng trong khoảng một thập niên.
Chính phủ Anh cho rằng hiệp định sẽ tạo ra lợi ích lâu dài cho cả Anh và các nước thành viên. Giá trị thương mại của CPTPP sẽ tăng lên mức 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, so với 13% hiện nay. Hơn 99% hàng hóa xuất khẩu của Anh sang các nước CPTPP đủ điều kiện hưởng thuế quan bằng 0, gồm các mặt hàng xuất khẩu chính như pho mát, xe hơi, socola, máy móc, rượu mạnh. Ngành dịch vụ của Anh cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm bớt thủ tục hành chính và khả năng tiếp cận nhiều hơn với các thị trường đang phát triển ở Thái Bình Dương có nhu cầu sử dụng các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao của Anh.
Về chính trị, sau thỏa thuận lịch sử “Khuôn khổ Windsor” nhằm giải quyết những tranh chấp liên quan tới các quy định thương mại áp dụng cho khu vực Bắc Ireland giai đoạn hậu Brexit, việc đạt được thỏa thuận CPTPP là dấu ấn quan trọng tiếp theo đối với chính quyền non trẻ của Thủ tướng Sunak sau nửa năm cầm quyền. Đây sẽ là những lực đẩy tích cực để ông giành lại niềm tin của cử tri trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 5 sắp tới cũng như cuộc tổng tuyển cử vào năm sau, trong bối cảnh uy tín của đảng Bảo thủ cầm quyền sụt giảm nghiêm trọng.
Ngoài ra, gia nhập CPTPP cũng khẳng định cam kết “ngả” sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã được Anh vạch ra trong Đánh giá tổng hợp quốc phòng – an ninh – phát triển –ngoại giao năm 2021 và vừa được cập nhập vào tháng 3. Ông James Rogers, Giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Địa chiến lược (Anh), nhận định với tư cách là thành viên CPTPP, Anh đã củng cố sự hiện diện tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khẳng định “độ nghiêng” của nước Anh đang dần trở thành một “thế đứng chân” lâu dài, cả về mặt chiến lược và kinh tế.
Trong quan hệ với Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh nhiều năm qua, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã có những bước phát triển rất tích cực, trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại là một trụ cột quan trọng. Việc Anh kết thúc đàm phán gia nhập CPTPP không chỉ đánh dấu một mốc mới đối với sự phát triển của hiệp định mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ song phương Việt Nam – Anh. Cùng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam– Anh (UKVFTA), CPTPP sẽ bổ sung thêm khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển quan hệ thương mại, kinh tế giữa hai nước. Các doanh nghiệp hai nước sẽ có điều kiện để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau, giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bao gồm cả chuỗi cung ứng những mặt hàng chiến lược, từ đó, góp phần gia tăng tính tự chủ, tự cường của cả hai nền kinh tế.
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cũng cho rằng CPTPP sẽ mở ra cơ hội cho phép người dân hai nước tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của nhau nhiều hơn, thúc đẩy đầu tư giữa các doanh nghiệp đầu tư và cùng với đó là sự gia tăng giao lưu con người, hiểu biết về văn hóa, là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của quan hệ đối tác chiến lược song phương. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai nước đạt 6,83 tỷ USD, tăng 3,4% so năm trước. Kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh đạt hơn 6,06 tỷ USD, tăng 5,2%. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh có tốc độ tăng trưởng nhanh như cà phê (tăng 61,1%); đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận (58,9%); giày da (40,5%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (36,7%); hàng dệt may (35,5%).
Tham tán Thương mại Việt Nam Nguyễn Cảnh Cường cho biết Anh gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm cơ hội tiếp cận thị trường mới cho một số nông sản Việt Nam. Trong CPTPP, Anh đã cam kết sẽ tăng hạn ngạch thuế quan đối với gạo, nhiều hơn đáng kể so với UKVFTA. Hạn ngạch thuế quan đối với cá ngừ, mật ong, chả cá cũng đã được tăng thêm. Nếu so sánh với những sản phẩm cùng loại từ các nước khác, với CPTPP, sản phẩm của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều. Theo Tham tán Nguyễn Cảnh Cường, các doanh nghiệp Anh cũng kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ và đầu tư sang Việt Nam thông qua CPTPP, qua đó các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi nhờ dòng đầu tư mới và những sản phẩm dịch vụ mới mà Anh có thế mạnh. Trước đây, các doanh nghiệp Anh có thể chưa quan tâm đầy đủ tới thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, cùng cú hích của CPTPP, các doanh nghiệp Anh sẽ quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam.
Từ phía doanh nghiệp, ông Thái Trần, Giám đốc Công ty TT Meridian, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại Anh, đánh giá CPTPP sẽ mang lại thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, vốn là điều gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam do quá trình sản xuất phải nhập nhiều nguyên vật liệu từ nước thứ ba. Theo ông, đối với CPTPP, quy định về nguồn gốc xuất xứ được cho là rõ ràng và minh bạch hơn và đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tận dụng được ưu đãi về thuế đối với nhiều nhóm hàng hơn khi vào thị trường Anh.
Ngoài ra, là nước dẫn đầu thế giới về tài chính ngân hàng, kỹ thuật số, bảo hiểm, đầu tư, Anh luôn muốn xuất khẩu các nhóm dịch vụ này, nhưng gặp rào cản về pháp lý không rõ ràng từ nước tiếp nhận. Thông qua CPTPP, với khung pháp lý và quy định rõ ràng, minh bạch hơn, các công ty của Anh sẽ tăng cường thúc đẩy đầu tư. Việt Nam hiện nay đang rất cần vốn, thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc vốn gián tiếp thông qua thị trường vốn trái phiếu, cổ phiếu. Khi Anh gia nhập CPTPP, Việt Nam có thể tiếp cận được các nguồn vốn này, với chi phí rẻ hơn.
Nhìn chung, việc Anh gia nhập CPTPP được xem là dấu mốc quan trọng đối với cả Anh và thương mại toàn cầu. Đối với Anh, sau khi rời Liên minh châu Âu (EU), tham gia vào CPTPP giúp Anh theo đuổi tự do hóa thương mại và có thêm tiếng nói tại khu vực. Đối với thương mại toàn cầu, trong xu thế bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng cũng như phân tách các quy tắc và tiêu chuẩn thương mại liên quan đến Trung Quốc và phương Tây, sự kiện này sẽ góp phần thúc đẩy xu hướng tự do hóa thương mại, đa dạng hóa chuỗi cung ứng nội khối và liên kết kinh tế toàn cầu. Là quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu cao trong GDP, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu thế này
Vân Hải, nguồn: https://bnews.vn/nuoc-anh-toan-cau-va-co-hoi-tu-cptpp/286624.html, ngày 04/4/2023 (TN trích dẫn)