COP29, được coi là cầu nối giữa các nền kinh tế phát triển và các nước nghèo hơn, dự kiến kết thúc vào ngày 22/11/2024. EU hiện là nhà đóng góp lớn nhất cho các quỹ tài chính khí hậu toàn cầu, hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo Ủy ban châu Âu, 27 quốc gia thành viên khối này đã đóng góp 28,6 tỷ Euro (khoảng 30,3 tỷ USD) từ nguồn ngân sách công và 7,2 tỷ Euro (khoảng 7,5 tỷ USD) từ nguồn tài chính tư nhân, chiếm khoảng 1/3 tổng số tiền cam kết bởi các nước giàu.
Với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tỷ lệ phát thải khí nhà kính lịch sử tương tự tương đương Trung Quốc (12%), EU cam kết đạt mức trung hòa các-bon vào năm 2050. Ông Wopke Hoekstra, Ủy viên EU về khí hậu, khẳng định EU sẽ tiếp tục dẫn đầu và đóng góp công bằng, thậm chí “hơn cả mức công bằng”. Tuy nhiên, EU vẫn thận trọng trong việc công bố mức đóng góp từ năm tới. Dù vậy, tổ chức tư vấn ODI nhận thấy một số nước châu Âu như Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức và Hà Lan đã đóng góp vượt mức kỳ vọng dựa trên lượng phát thải lịch sử, GDP và dân số, trong khi Hoa Kỳ lại tụt hậu khá xa.
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị lần thứ 29
Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc
về biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku, Azerbaijan
ngày 12/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Các chuyên gia đang thúc giục EU đóng vai trò dẫn đầu trong quá trình hỗ trợ tài chính khí hậu, với vị thế là bên đóng góp lớn nhất. Ông Ignacio Arroniz Velasco của tổ chức tư vấn E3G gọi EU là “bên đàm phán chủ chốt”, trong khi bà Chiara Martinelli của Mạng lưới hành động khí hậu (CAN) nhấn mạnh EU cần phải khởi xướng các hành động vì môi trường. COP29 đặt mục tiêu tăng quy mô tài trợ cho các nước đang phát triển xây dựng nhà máy điện Mặt Trời, hệ thống tưới tiêu và thành phố chống lũ lụt. Các nhà đàm phán cho rằng mức tài trợ hàng năm trong khoảng 200 – 400 tỷ USD từ các nước phương Tây là khả thi, dù chúng gấp đôi mức 100 tỷ USD hiện tại. Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết 200 tỷ USD là con số lớn nhưng có thể đạt được.
EU đang đàm phán các chi tiết quan trọng, bao gồm khung thời gian cho mục tiêu mới và mở rộng định nghĩa về cam kết tài chính hiện tại để bao gồm khu vực tư nhân và các nhà tài trợ khác. Quan trọng hơn, EU đang thúc đẩy tính minh bạch và muốn cộng dồn các khoản đóng góp tự nguyện từ các nước như Trung Quốc vào tổng số cuối cùng. Các nước phương Tây đã phản ứng rất tích cực với thông tin Trung Quốc lần đầu tiên công khai đề cập đến “các khoản đầu tư vào hành động khí hậu ở các nước đang phát triển khác” – một tín hiệu thiện chí từ nước này. EU cũng kiên quyết không rút lại cam kết từ bỏ nhiên liệu hóa thạch đạt được tại COP28, bất chấp sự phản đối của Saudi Arabia. Ông Hoekstra nhấn mạnh cộng đồng quốc tế không thể thụt lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Hương Thủy, nguồn: https://bnews.vn/eu-dong-vai-tro-then-chot-tai-cop29/353993.html#google_vignette, ngày 20/11/2024 (TN trích dẫn)