Tin tức >> Khoa học Công nghệ

Kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước về chế độ thu hoạch mủ nhịp độ thấp d5 của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam

18/01/2018

 Trong ngành sản xuất cao su thiên nhiên, nhu cầu về lao động cạo mủ là rất lớn. Tuy nhiên, công việc cạo và thu hoạch mủ lại không thu hút được lực lượng lao động trẻ làm việc ở các nông trường so với các công việc tại các khu công nghiệp (KCN) với cùng một mức lương. 


 Ở các giai đoạn trước, khi tình hình giá mủ ở mức cao thì lương và phúc lợi cao là điều đã giữ chân được người lao động làm việc tại các vườn cây cao su. Khi giá cao su giảm trong giai đoạn 2013 – 2016, suất đầu tư cho một tấn mủ thành phẩm bị cắt giảm, vì vậy thu nhập của người công nhân cạo mủ bị giảm nghiêm trọng. Hệ quả tất yếu là khủng hoảng thiếu lực lượng công nhân cạo mủ xảy ra tại các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), đặc biệt là các công ty ở khu vực miền Đông Nam Bộ.

Để giải quyết bài toán thiếu lao động tại các công ty sản xuất cao su thiên nhiên, chế độ cạo nhịp độ thấp d4 đã được giới thiệu bởi Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam và được Ban Quản lý Kỹ thuật của VRG đồng ý ứng dụng cho các đơn vị trực thuộc từ năm 2012. Đến năm 2016, việc chuyển đổi diện tích cạo từ d3 sang d4 của VRG tăng nhanh chóng (khoảng trên 84 ngàn ha so với 48 ngàn ha năm 2015 và 5,133 ngàn ha năm 2014) và dự kiến tiếp tục gia tăng trong năm 2017.
Vấn đề thiếu hụt lao động cạo mủ được dự báo sẽ diễn biến theo hướng ngày càng nghiêm trọng trước sự hình thành của các KCN, dẫn đến sự thiếu hụt công nhân cạo mủ, nhất là các nông trường có địa bàn gần KCN. Để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động, chế độ cạo nhịp độ thấp d5 cũng cần được xem xét. Trên cơ sở đó, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu cập nhật một số thông tin về chế độ cạo nhịp độ thấp d5 ở trong và ngoài nước và được trình bày tại Hội nghị Nông nghiệp Công ty CP Cao su Đồng Phú vào ngày 25/5/2017.
Các nghiên cứu về nhịp độ cạo thấp d5 được thực hiện từ rất sớm ở trong nước và quốc tế. Trong Báo cáo, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đã trình bày kết quả thí nghiệm về các chế độ cạo nhịp độ thấp được thực hiện trên dòng vô tính PB 260 tại Gagnoa, nằm ở phía Trung Tây của Cote d’Ivoire – Tây Phi. Trong khi đó, tại Việt Nam, một thí nghiệm về nhịp độ d5 trên dòng vô tính PB 260 trên miệng cạo úp được thực hiện tại nông trường Bến Củi thuộc Công ty CP Cao su Tây Ninh từ năm 2010 đến 2013.
Các kết quả cho thấy ưu điểm của nhịp độ thấp d5 cũng tương tự như kết quả của d4 như giảm 40% nhu cầu lao động so với d3 đại trà, hao vỏ cạo chỉ bằng 60 – 70%. Đặc biệt năng suất lao động của người công nhân tăng từ 32 đến 50% tùy theo tuổi cạo. Các kết quả cũng chủ yếu đề cập đến khả năng đáp ứng tần số kích thích mủ của PB 260, đây là dòng vô tính khá mẫn cảm với khô mặt cạo và chiếm tỷ lệ trồng cao tại các công ty miền Đông Nam Bộ. Nhịp độ cạo càng thấp (d5 và d6) giúp giảm tỷ lệ khô mặt cạo trên PB 260, đặc biệt là trên các vườn cây tuổi cạo nhóm I.
Ngoài ra, Báo cáo cũng đề ra các hướng nghiên cứu tiếp theo như nên có những nghiên cứu về nhịp độ cạo d5 trên vườn cây nhóm I và mở rộng nghiên cứu trên vườn cây nhóm II trên các dòng vô tính trồng phổ biến; thiết lập các mô hình nhịp độ d5 để xem xét tác động của khí hậu – thời tiết, đặc biệt là số ngày mưa, đến sự biến động năng suất và sản lượng hàng tháng của vườn cây, chú ý điều phối thời gian sử dụng kích thích hợp lý trong năm để phù hợp với sinh lý của cây và sử dụng có hiệu quả trong những tháng mưa nhiều.
Trích nguồn: Các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước về chế độ thu hoạch mủ nhịp độ thấp d5, Thông tin Khoa học – Công nghệ Cao su thiên nhiên tập 34, tháng 12/2017 của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>