Tin tức

Giảm thuế giá trị gia tăng 2%: Ai được hưởng lợi?

03/07/2023

Việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp trong khi doanh nghiệp được giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, từ đó giúp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
 


Kích cầu tiêu dùng
Người dân được hưởng lợi từ giá cả hàng hóa rẻ hơn
Việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước cũng như nền kinh tế. Với giải pháp giảm thuế GTGT cho các đối tượng như đã được thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước tương đương khoảng 24 nghìn tỷ đồng (đối với thu ngân sách nhà nước năm 2023 thì dự kiến giảm 20 nghìn tỷ đồng do số thu thuế GTGT phải nộp của tháng 12/2023 nộp trong tháng 01/2024). Theo đánh giá của Chính phủ, người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi
Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Theo các chuyên gia tài chính, nếu giảm thuế VAT chỉ 6 tháng cuối năm thì mức giảm cần sâu hơn, từ 10% xuống mức 5 – 6%. Mức thuế VAT 8% vẫn còn cao, chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế. Trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư, do đó việc giảm thuế VAT xuống dưới 8% cũng là cần thiết để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bởi yếu tố suy giảm kinh tế sẽ còn kéo dài, khó có thể lấy lại được đà tăng trưởng ngay. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn, việc khôi phục lại cần thời gian nhất định. Vì thế, việc giảm thuế VAT sẽ kích thích, tăng tiêu dùng trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ đó giúp hỗ trợ phần nào tăng trưởng. Thị trường trong nước chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được bằng các chính sách vĩ mô, do đó khi tăng được cầu lên sẽ đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tránh tăng trưởng chậm, trì trệ nền kinh tế…
Bài học từ giai đoạn COVID-19 cho thấy khi giảm thuế VAT, cả người dân, doanh nghiệp lẫn thu ngân sách quốc gia đều có lợi. Người được hưởng lợi đầu tiên đó là người tiêu dùng vì được mua các sản phẩm, hàng hóa với giá rẻ hơn. Thị trường sôi động hơn sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn, nhà phân phối nhập hàng nhiều thêm, doanh nghiệp gia công, đóng gói đều chuyển động nhanh hơn, kéo theo công ăn việc làm, thu nhập lẫn an sinh xã hội tốt hơn.

Q.K, nguồn: http://tapchicaosu.vn/2023/06/29/giam-thue-gia-tri-gia-tang-2-ai-duoc-huong-loi/, ngày 29/6/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>