Tin tức

Gấp rút hoàn thiện khung pháp lý về tín chỉ các-bon

09/12/2024

Giai đoạn 2021 – 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tín chỉ các-bon; là nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành triển khai thực hiện sau Hội nghị COP21 (năm 2015).
 


Liên quan vấn đề này, được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gấp rút hoàn thiện tiêu chuẩn về tín chỉ các-bon rừng; nhằm xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư và vận hành hiệu quả thị trường tín chỉ các-bon trong nước. Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải khí CO2 hoặc khí CO2 tương đương. Tín chỉ các-bon được coi như một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng nhất định khí CO2tđ, có thể là CO2 hoặc khí nhà kính khác (CH4, N2O).
Mỗi doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất đều có một định mức về lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường. Nếu cao hơn mức quy định, những đơn vị này sẽ phải mua thêm tín chỉ các-bon để không vi phạm quy định chung về bảo vệ môi trường. Ngược lại, nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì cơ sở đó có thể bán số tín chỉ các-bon chưa sử dụng cho các đơn vị khác. Hiện nay, thị trường tín chỉ các-bon toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những lĩnh vực giao dịch sôi động nhất. Giá tín chỉ các-bon rất đa dạng, từ 1 USD – gần 200 USD/tín chỉ.
Hiện tại, Việt Nam chưa có cơ chế vận hành chính thức cho thị trường tín chỉ các-bon. Để thực hiện cam kết với quốc tế về lộ trình đạt được phát thải ròng bằng 0 vào 2050 và lộ trình giảm 30% phát thải khí mê tan vào 2030 so với 2020, Chính phủ đã có Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn với lộ trình đưa thị trường các-bon đi vào hoạt động từ năm 2028. Nhiều nhóm ngành có thể tạo ra tín chỉ các-bon, trong đó lâm nghiệp và năng lượng tái tạo là những ngành có sản lượng lớn nhất. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên môi trường đánh giá thời gian triển khai dự án các-bon mất từ 12 – 18 tháng mới xong phần cơ sở, sau đó mất 3 năm để kiểm kê và mất 3 – 5 năm nữa mới có thể bán được tín chỉ các-bon. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần gấp rút hơn nữa để có được khung pháp lý về vấn đề này một cách nhanh nhất, sớm nhất.

Ngô Đức Hành, nguồn: https://baophapluat.vn/gap-rut-hoan-thien-khung-phap-ly-ve-tin-chi-carbon-post533960.html, ngày 06/12/2024 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>