Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu chặng đường hơn 8 năm khai sơn trồng cao su của tỉnh Lai Châu. Những công việc quan trọng chuẩn bị sẵn sàng đón dòng “vàng trắng” đầu tiên đã hoàn tất.
Những bóng áo xanh miệt mài
Tại Nông trường (NT) Lùng Thàng và Nậm Cuổi – nơi được lựa chọn để khai thác 70 ha đầu tiên trong năm nay, mặc dù thời tiết những ngày đầu tháng 6 mưa nhiều nhưng bóng dáng áo xanh công nhân (CN) của 2 NT vẫn miệt mài tiến hành đo chu vi của thân cây. Theo cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Cao su Lai Châu, đối với những cây đã đạt tiêu chuẩn là chu vi thân đạt 60 – 70 cm tính từ gốc cây trở lên và được đánh dấu để CN tránh khai thác nhầm lẫn.
Có thể nói, đây là thời điểm quan trọng nhất bởi sau nhiều năm dày công vun trồng, chăm sóc, cây cao su đã bắt đầu cho dòng mủ trắng đầu tiên. Được biết, cây cao su được VRG và tỉnh Lai Châu triển khai trồng từ năm 2008 tại các xã vùng thấp Sìn Hồ bởi nơi đây có điều kiện khí hậu nóng ẩm, tầng đất dày rất phù hợp với việc phát triển, sinh trưởng của cây cao su.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở và sự đồng thuận của người dân, hơn 8 năm ròng rã vượt nắng, thắng mưa, diện tích cây cao su được mở rộng phát triển trên 12.000 ha tại 5 huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè, Than Uyên. Trong đó, có 3 Công ty Cổ phần Cao su đứng ra quản lý thực hiện dự án với sự tham gia của hàng nghìn CN là lao động địa phương. Riêng Công ty CP Cao su Lai Châu có gần 7.000 ha cao su trồng tại huyện Sìn Hồ và Phong Thổ với 6 NT.
Chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện tốt nhất
Anh Lò Văn Thương – Phó TGĐ Công ty CP Cao su Lai Châu – cho biết: “Việc mở miệng cạo mủ cao su sẽ là bước đệm quan trọng cho dự án triển khai trồng và phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung. Sang năm 2017, Công ty dự kiến đưa vào khai thác khoảng 300 – 400 ha cao su tại vùng thấp huyện Sìn Hồ”.
Tuy nhiên, theo anh Thương diện tích khai thác ít, lượng mủ khai thác năm đầu tiên dự kiến sẽ ít, ước tính khoảng 5 tạ/ha, thời gian cạo trung bình 4 ngày sẽ cạo lại 1 cây liên tục trong 1 năm trừ mùa Đông. Do nhà máy sơ chế mủ cao su năm 2017 mới được xây ở xã Nậm Tăm (Sìn Hồ) nên số lượng mủ cạo trong năm nay sẽ được Công ty đánh đông để thuận tiện cho việc vận chuyển đến các nhà máy chế biến. Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương với mức lương bình quân từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/tháng, Công ty còn thực hiện việc chia lợi tức cho các hộ đã tham gia góp đất trồng cao su theo quy định đã ký kết.
Anh Hoàng Văn Cảnh – Giám đốc NT Lùng Thàng – chia sẻ: “Nhằm chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho mùa khai thác mủ cao su, đơn vị đã cùng cán bộ kỹ thuật của Công ty xuống vùng dự án triển khai công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực bảo vệ, phòng cháy chữa cháy vườn cây. Đồng thời, tiến hành chuẩn bị thiết kế đường cạo mủ, chia lô, phân lô cạo mủ; tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là địa hình đồi núi dốc ảnh hưởng đến khai thác, vận chuyển mủ.
Đơn vị cũng đưa ra nhiều phương án tối ưu kể cả thời tiết và địa hình để đảm bảo việc khai thác thuận lợi nhất”. Để đảm bảo cho CN ở các NT thu hoạch mủ cao su đúng quy trình kỹ thuật, công ty đã phối hợp các Trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh và Trường chuyên nghiệp của VRG tổ chức tập huấn phương pháp cạo và cách đánh đông, bảo quản mủ cao su.