Theo đó, Hiệp hội đã ban hành Quy chế (sửa đổi lần 2) quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận và Quy trình sửa đổi với các nội dung sau: Điều chỉnh quy định về Đối tượng là “Đơn vị hoạt động hợp pháp tại Việt Nam”; Mở rộng quy định về kiểm soát chất lượng đối với các đơn vị chưa có phòng kiểm nghiệm chất lượng theo VILAS thông qua ký hợp đồng với phòng VILAS của đơn vị khác; Bổ sung nội dung uy tín của sản phẩm mang Nhãn hiệu, gồm các tiêu chí đáp ứng xu hướng phát triển bền vững, tăng cường trách nhiệm về xã hội và môi trường của doanh nghiệp, có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, và tiệm cận với tiêu chí phát triển bền vững của các tổ chức cấp chứng nhận trên thế giới, giúp các doanh nghiệp làm quen dần với các yêu cầu khắt khe của các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế, Quy trình thẩm định Nhãn hiệu được quy định chặt chẽ hơn từ hồ sơ đăng ký như bổ sung quy định cụ thể về hồ sơ bắt buộc để làm điều kiện loại trừ: Nhãn hiệu riêng của Đơn vị được bảo hộ, đảm bảo tự kiểm soát chất lượng theo TCVN và ISO; Nâng hệ số của tiêu chí Phòng kiểm nghiệm tự kiểm soát chất lượng sản phẩm; Thêm tiêu chí đánh giá hiệu quả, trách nhiệm trong việc thu mua, gia công mủ tiểu điền; Số điểm đạt phải từ 70% trở lên trên số điểm tối đa...
Trong năm 2018, Tổ Chuyên gia đã thực hiện giám sát định kỳ đối với 51 sản phẩm thuộc 24 nhà máy của 13 đơn vị đã được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận từ năm 2016 và 2017, đồng thời thẩm định bổ sung một số sản phẩm theo đăng ký của đơn vị. Phần lớn các sản phẩm trong đợt giám sát định kỳ được áp dụng quy trình giảm mẫu theo tiêu chuẩn của ISO do Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đề xuất nên chi phí giảm so với năm trước. Kết quả giám sát định kỳ được Tổ Chuyên gia nhận định là đạt yêu cầu, hầu hết các đơn vị đã khắc phục những khuyến cáo của năm trước và cải tiến thành những giải pháp tốt hơn, đồng thời tiếp thu, ghi nhận những tồn tại mới phát sinh để có kế hoạch khắc phục trong thời gian tới. Đánh giá về kết quả, Hội đồng thẩm định Nhãn hiệu chứng nhận cho rằng, với số điểm giám sát định kỳ đạt và vượt hơn so với mức điều chỉnh, đồng thời cao hơn so với năm trước đã chứng minh sản phẩm của các đơn vị đạt Nhãn hiệu chứng nhận đang ngày càng chuẩn hóa trong quy trình quản lý chất lượng.
Giám sát định kỳ năm 2018 cũng ghi nhận tất cả các đơn vị đều đã sử dụng Logo Cao su Việt Nam gắn trên tem nhãn hàng hóa cho các sản phẩm được cấp quyền sử dụng cùng với Logo của đơn vị kết hợp với những Logo chứng nhận khác như ISO 9001, tiêu chuẩn quốc gia TCVN…Hình ảnh logo “Cao su Việt Nam / Viet Nam Rubber”, “chất lượng & uy tín”, “quality & prestige” đang dần hình thành dấu hiệu nhận diện đến với khách hàng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đã tích cực giới thiệu quảng bá các đơn vị có sản phẩm đạt Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam tại các Hội nghị, diễn đàn, họp mặt giao thương... mà Hiệp hội tham gia và nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới.
Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm cũng luôn được Hiệp hội quan tâm và tích cực thực hiện. Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam / Viet Nam Rubber” đã đăng ký bảo hộ thành công tại thị trường Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc. Năm 2018, Hiệp hội đã triển khai đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận tại Lào và Campuchia nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất cao su thiên nhiên tại hai thị trường này trong thời gian tới.
Tại Lễ Tôn vinh Hội viên hoàn thành xuất sắc việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam trong khuôn khổ Họp mặt Doanh nhân Cao su Việt Nam năm 2018, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA đã nhận định: “Trong xu thế phát triển chung của thế giới và bối cảnh giá cao su luôn ở mức thấp kéo dài trong nhiều năm, các doanh nghiệp cao su thiên nhiên cần nỗ lực thay đổi theo hướng bền vững để duy trì thị phần lâu dài và ổn định. Việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, cũng như cải thiện được năng suất và giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”. Vì vậy, việc tham gia sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam của các doanh nghiệp trên các sản phẩm được thẩm định về chất lượng và uy tín sẽ góp phần gia tăng sự tin cậy và ưu tiên của khách hàng đối với nguyên liệu cao su thiên nhiên của Việt Nam.
Trong thời gian sắp tới, Hiệp hội tiếp tục xây dựng các kế hoạch thông tin, tuyên truyền về Nhãn hiệu nhằm tăng cường giới thiệu hình ảnh thương hiệu Cao su Việt Nam đến thị trường trong nước và quốc tế. Hiệp hội khuyến khích các Hội viên, doanh nghiệp tham gia đăng ký sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận và mở rộng hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ xây dựng Thương hiệu ngành Cao su Việt Nam từ những sản phẩm gắn với Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam / Viet Nam Rubber” trên tiêu chí đảm bảo chất lượng, uy tín về thương mại, trách nhiệm xã hội và môi trường theo xu hướng phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Tôn vinh 13 Hội viên hoàn thành xuất sắc việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam năm 2018.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Vân Quỳnh, Hồng Vân)