Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su toàn cầu và tiềm năng phát triển quỹ đất khu công nghiệp khiến các nhà phân tích tin tưởng rằng VRG có thể hoàn thành các mục tiêu kinh doanh đã đề ra.
Lợi nhuận mảng cao su duy trì mức cao tới năm 2028
Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cũng đã điều chỉnh dự báo nhu cầu cao su toàn cầu lên 15,7 triệu tấn vào năm 2024, trong khi nguồn cung dự kiến thiếu hụt 1,2 triệu tấn trong năm nay. Khả năng thiếu hụt nguồn cung cao su toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2028, với mức thiếu hụt trung bình từ 600.000 đến 800.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi đất cao su sẽ hỗ trợ tích cực cho giá cao su khi các quốc gia có nguồn cung cao su lớn đã có chính sách hạn chế sản lượng. Theo công ty chứng khoán MBS, giá cao su bình quân của VRG được dự báo tăng 14% lên 36,8 triệu đồng/tấn, với sản lượng tiêu thụ đạt 500.000 tấn. Doanh thu từ mảng cao su của VRG năm nay ước tính đạt 18.347 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, với biên lợi nhuận gộp ở mức 29%.
Doanh thu mảng cao su của VRG được dự báo tăng trong cả ngắn và trung hạn.
Ảnh: MBS
Thái Lan – chiếm 33% sản lượng cao su thế giới sẽ cắt giảm diện tích đất trồng cao su trong 20 năm tới. Indonesia – đứng thứ 2 về xuất khẩu cao su trên thế giới có xu hướng chuyển đổi đất trồng cao su sang trồng dầu cọ và các loại nông sản khác có giá trị kinh tế cao hơn. Việt Nam cũng đẩy mạnh chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp do cho thuê đất khu công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cao su. Công ty CP Cao su Phước Hoà cũng định hướng chuyển đổi gần 11.000 ha đất và Công ty CP Cao su Đồng Phú chuyển đổi 1.620 ha đất.
Tham vọng làm khu công nghiệp
Ngoài mảng cao su cốt lõi, việc chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp với tổng diện tích là gần 23.500 ha được MBS kỳ vọng sẽ giúp VRG có lợi nhuận đột biến trong bối cảnh thị trường phía Nam đang thiếu hụt nguồn cung đất, trong khi tỷ lệ lấp đầy ở mức cao. Trong giai đoạn 2021 – 2030, nguồn cung đất khu công nghiệp phía Nam sẽ đến từ việc chuyển đổi đất cao su và việc chuyển đổi có nhiều lợi thế do diện tích đất thửa lớn, giải phóng mặt bằng nhanh và chi phí thấp. Ngoài gần 3.000 ha đất khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư, VRG tiếp tục làm việc với các địa phương và bộ ngành để làm tiền đề cho việc triển khai triển khai phát triển thêm 16.592 ha. Trong đó, VRG làm chủ đầu tư 10.977 ha tại tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu, các đơn vị thành viên đầu tư 5.615 ha, theo báo cáo thường niên 2023 của VRG.
Một số khu công nghiệp đang chờ hoàn thiện thủ tục pháp lý gồm có dự án khu công nghiệp Minh Hưng III giai đoạn 2, khu công nghiệp Bắc Đồng Phú mở rộng, khu công nghiệp Nam Đồng Phú mở rộng, khu công nghiệp Tân Lập, khu công nghiệp Rạch Bắp giai đoạn 2 và khu công nghiệp Bàu Xéo II. Hiện tại, các công ty thành viên của VRG đang vận hành 16 khu công nghiệp tại Việt Nam với tổng diện tích đất hơn 6.500 ha, diện tích đất thương phẩm hơn 4.700 ha. Tính tới cuối năm 2023, diện tích đất thương phẩm còn lại là hơn 1.260 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 73%. Các dự án khu công nghiệp mới như Hiệp Thạnh và Nam Tân Uyên 3 cũng đang được triển khai và dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm từ năm 2024 trở đi.
MBS nhận định rằng VRG có khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra cho năm 2024, với tổng doanh thu dự kiến đạt gần 25.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.100 tỷ đồng, tương đương với năm 2023. Sau nửa đầu năm 2024, VRG đã ghi nhận doanh thu thuần 9.207 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.644 tỷ đồng, tương ứng với 36,8% mục tiêu doanh thu và 47,8% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Dũng Phạm, nguồn: https://theleader.vn/vrg-huong-loi-tu-thieu-hut-cao-su-va-dat-khu-cong-nghiep-d37055.html, ngày 18/9/2024 (TN trích dẫn)