Hoạt động >> Quan hệ quốc tế

Tham dự Hội nghị Cao su ANRPC thường niên năm 2015 và họp các Ban của ANRPC tại Siem Riep, Campuchia từ ngày 19 – 23/10/2015

19/01/2016

 Theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT (7843/BNN-HTQT ngày 24/9/2015), Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự Hội nghị Cao su ANRPC thường niên năm 2015 kết hợp họp các Ban của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) tại Siem Riep, Campuchia từ ngày 19 – 23/10/2015.


 Hội nghị Cao su thường niên lần thứ 8 của ANRPC (8th ANRPC Annual Rubber Conference) được tổ chức vào ngày 19/10/2015 với chủ đề “Cao su thiên nhiên trong một nền kinh tế thế giới năng động”. Hội nghị là diễn đàn cho các chuyên gia, các nhà quản lý trong ngành cao su trao đổi ý tưởng, thông tin về các giải pháp ngắn và dài hạn nhằm ứng phó với những khó khan trong thời kỳ giá cao su ở mức thấp kéo dài. Tham dự Hội nghị có khoảng 300 đại biểu đến từ các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Sri Lanka, Philippines, Papua New Guinea, Myanmar, Cameroon và Campuchia.

Tại Hội nghị, ông Datuk M. Nagarajan – Chủ tịch ANRPC và Tiến sĩ Ouk Rabun – Bộ trưởng Bộ Nông lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia đã có bài phát biểu chào mừng và khai mạc Hội nghị. Hội nghị bao gồm 4 phiên và diễn dàn với 6 báo cáo và thảo luận về các chuyên đề thiết thực như cung cầu cao su thiên nhiên, thị trường cao su khu vực, gỗ cao su, phát triển bền vững ngành cao su…
Trong phiên mở đầu của Hội nghị với nội dung “Triển vọng về cung cầu cao su thế giới”, bà Mary Xu Wenying – Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Trung Quốc đã báo cáo về xu hướng và triển vọng nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng ngành cao su Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2015 cho thấy sự suy yếu so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, lợi nhuận của sản xuất sản phẩm cao su Trung Quốc như lốp xe, ống cao su, băng tải, giày dép cao su đều giảm so với cùng kỳ năm trước do nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, chính sách chống bán phá giá và trợ cấp của Hoa Kỳ đối với lốp xe xuất khẩu của Trung Quốc, ngành ô tô tăng trưởng yếu và sản lượng lốp xe dư thừa. Theo Bà Mary, nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên của Trung Quốc sẽ giảm trong ngắn hạn do Trung Quốc đang tập trung sản xuất lốp ô tô con, dòng lốp sử dụng ít cao su thiên nhiên hơn so với lốp xe tải và xe buýt. Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng tiêu thụ cao su tổng hợp vì giá thấp hơn cao su tự nhiên cũng như công suất trong nước vẫn đang dư thừa. Tuy nhiên, Bà cho rằng nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên của Trung Quốc có khả năng tăng trở lại trong dài hạn.
Về phía Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa – Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam – cho biết giá cao su giảm sâu trong thời gian dài đã khiến thu nhập của người trồng giảm, nhiều nông dân đã tiến hành tái canh cao su hoặc chuyển sang các loại cây trồng khác; số lượng các nhà xuất khẩu cao su tại Việt Nam đã giảm dần kể từ năm 2012 đến nay do lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu thành phẩm cao su của Việt Nam lại liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2010 – 2014. Để đối phó với tình hình khó khăn hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các giải pháp ứng phó như cung cấp thông tin về thị trường để người dân hạn chế hoặc ngừng trồng mới cao su, khuyến nghị chuyển sang các loại cây khác tại những vùng không phù hợp để trồng cao su, miễn thuế thu nhập cá nhân cho người trồng cao su, chương trình khuyến nông hỗ trợ nâng cao năng suất cây cao su…
Tại phiên họp thứ hai của Hội nghị với chủ đề “Các giải pháp dài hạn để phát triển bền vững ngành cao su thiên nhiên”, đại diện chính phủ của từng nước thành viên ANRPC tham dự tại Hội nghị đã báo cáo về tình hình ngành cao su thiên nhiên tại mỗi nước và cùng thảo luận về các giải pháp phát triển bền vững ngành cao su, tập trung đến các vấn đề liên quan như quản lý diện tích trồng cao su, chính sách thúc đẩy gia tăng tiêu thụ nội địa, quản lý chuỗi cung ứng từ thu hoạch đến sơ chế.
Trong phiên họp thứ ba với chủ đề “Thực trạng và triển vọng ngành cao su”, các diễn giả tiếp tục trình bày những báo cáo với nội dung chính như: sự cần thiết của thị trường cao su trong khu vực; vai trò của Ban chuyên gia về sản phẩm cao su thuộc Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN trong việc loại bỏ các rào cản kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi để giao thương mặt hàng cao su trong khu vực ASEAN; các yếu tố thúc đẩy và triển vọng của thị trường gỗ cao su.
Diễn đàn chính của Hội nghị với chủ đề “Cao su thiên nhiên trong một nền kinh tế thế giới năng động” đã thu hút sự tham gia thảo luận của các bên liên quan nhiều lĩnh vực trong ngành cao su: sản xuất, tiêu thụ, nghiên cứu phát triển và phát triển bền vững. Theo đó, giá cao su thiên nhiên đã giảm liên tiếp và được dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tiếp theo đã gây khó khăn đến đời sống của người trồng cao su và cần sự hỗ trợ từ phía chính phủ. Tính đến cuối năm 2015, tổng sản lượng cao su thiên nhiên của toàn ANRPC ước đạt 11,159 triệu tấn, tăng 1,9% so với năm 2014. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn ANRPC năm 2015 được dự đoán sẽ tăng khoảng 5,2% so với năm 2014, chủ yếu vẫn nhờ vào nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên tại Trung Quốc. Các bên liên quan trong toàn chuỗi giá trị đã cùng nhau thảo luận về các vấn đề xoay quanh nhu cầu cao su thiên nhiên tại Trung Quốc và Ấn Độ, các nghiên cứu nhằm tăng tiêu thụ cao su thiên nhiên, giải pháp tăng thu nhập cho người trồng cao su trong tình hình giá thấp hiện nay như mua bán tín chỉ cacbon, sự phát triển bền vững cao su thiên nhiên giúp ổn định giá cao su…
Vào sáng ngày 20/10/2015, ANRPC đã tiến hành tổ chức Diễn đàn hợp tác Công – Tư trong ngành cao su (ANRPC Public – Private Sector Meet 2015) trong khuôn khổ của Hội nghị. Diễn đàn nhằm giúp các bên liên quan trong ngành cao su thảo luận cùng cơ quan chính phủ tại các nước sản xuất cao su thiên nhiên với nội dung xoay quanh 3 chủ đề chính: sự tác động của giá cao su thiên nhiên đến hoạt động kinh doanh, những giải pháp đảm bảo sự ổn định của giá cao su trong dài hạn và vai trò của ANRPC đối với ngành cao su. Theo các đại biểu, các nước cần tăng cường công tác nghiên cứu để tăng lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên. Ngoài ra, các nhà sản xuất cao su thiên nhiên cần tìm hiểu nhiều đối tượng khách hàng khác ngoài Trung Quốc như Hoa Kỳ và khu vực châu Âu, đây là khu vực có yêu cầu kỹ thuật cao đối với cao su nguyên liệu. Trong thời gian tới, Ban Thư ký ANRPC sẽ tiến hành các hoạt động bao gồm nghiên cứu cơ chế định giá mới nhằm quản lý giá cao su thiên nhiên, tăng cường nghiên cứu và phát triển các sản phẩm cao su mới và tiến đến thương mại hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu cao su thiên nhiên đảm báo tính thân thiện với môi trường và tăng số lượng đại biểu đến từ lĩnh vực tiêu thụ cao su thiên nhiên trong Diễn đàn Công – Tư tiếp theo nhằm có thêm nhiều ý kiến thảo luận và mở rộng thị trường. 
Ngoài ra, vào các ngày 20, 21 và 22/10/2015,  ANRPC cũng đã tổ chức cuộc họp các Ban: Ban Các vấn đề ngành, Ban Thông tin và Thống kê, họp Đại hội đồng và Ban Chấp hành nhằm để đại diện chính phủ các nước thành viên thảo luận và giải quyết các vấn đề trong ngành. Nội dung được đưa ra thảo luận xoay quanh vấn đề về giá cao su thiên nhiên, thống kê về thị trường và cung cầu cao su thiên nhiên, chất lượng… Liên quan đến Nhóm chuyên gia về phân tích cung cầu, ANRPC quyết định sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo về mô hình dự báo cung cầu ít nhất mỗi năm một lần. Bên cạnh đó, ANRPC cũng sẽ thành lập Nhóm chuyên gia về giải pháp ổn định giá cao su để nghiên cứu các giải pháp ngắn và dài hạn nhằm ổn định giá cao su thiên nhiên. Cuộc họp Nhóm chuyên gia về phân tích cung cầu lần thứ 5 và cuộc họp Nhóm chuyên gia về giải pháp ổn định giá cao su lần đầu tiên dự kiến được tổ chức vào ngày 14 – 16/12/2015 tại Singapore.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Thanh Danh, Chí Dương) 


Quay về