Hoạt động >> Hoạt động khác

HỘI THẢO “THÁO GỠ KHÓ KHĂN, THÚC ĐẨY NGÀNH CAO SU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”

08/12/2022

Sáng ngày 08/11/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tổ chức Hội thảo “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững. 


Hội thảo với mục đích tạo ra một diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa cơ quan Bộ, ngành các cấp và doanh nghiệp (DN) liên quan đến những bất cập về cơ chế và chính sách nhằm tiếp tục gia tăng sự đóng góp của ngành cao su Việt Nam. Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm tham dự của đại diện Lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, địa phương, hiệp hội ngành hàng và hơn 100 Hội viên, DN ngành cao su.
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA cho biết cây cao su là cây đa mục đích, được sử dụng cho cả mục đích nông nghiệp và lâm nghiệp, cao su đã đóng góp không nhỏ trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, môi trường và quan hệ chính trị – ngoại giao. Bên cạnh những thuận lợi, ngành cao su Việt Nam còn gặp không ít khó khăn, do yếu tố nội tại về chính sách, gây hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành cao su và DN. Một số chính sách thuế, tài chính đối với đất đai, môi trường, phát triển thương hiệu vẫn còn gây vướng mắc và nhiều khó khăn cho DN cao su. Vì vậy, việc tăng cường đối thoại giữa các bên vì vậy trở nên vô cùng thiết yếu nhằm phản ánh thực tế về những khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh tại DN, hướng tới định hướng những kiến nghị phù hợp, hỗ trợ việc đảm bảo, nâng cao lợi thế cạnh tranh về giá thành, chất lượng sản phẩm, uy tín thương mại và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững ngày càng khắt khe của ngành cao su Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế.
Báo cáo thực trạng và khó khăn của ngành cao su, ông Võ Hoàng An – Phó Ban Tổ chức Thường trực Hội thảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VRA cho biết, bên cạnh những thuận lợi, ngành cao su Việt Nam còn gặp không ít khó khăn, thách thức từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách, gây hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành cao su và DN cao su Việt Nam. Vì vậy, Hiệp hội cũng đã có những kiến nghị về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN (TNDN), chính sách tài chính đối với đất đai, chính sách môi trường trong sản xuất chế biến cao su, chính sách về phát triển thương hiệu ngành cao su…
Tham luận về chính sách thuế, chính sách tài chính đối với đất đai, ông Nguyễn Viết Tượng – Phó Ban Tổ chức Hội thảo, Phó Chủ tịch VRA, Chủ tịch Công ty CP Cao su Đắk Lắk cho biết, Đối với chính sách thuế GTGT đề nghị Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định cho mặt hàng “Mủ cao su sơ chế” được áp dụng thuế GTGT với mức thuế suất là 0% nhằm mang lại nhiều lợi ích cho các DN cao su nói chung và sẽ giảm được thời gian chi phí hoàn thuế GTGT. Đồng thời, ủng hộ đề xuất xem thu nhập từ hoạt động thanh lý vườn cây cao su khi hết chu kỳ thu hoạch là thu nhập chính trong nông lâm nghiệp và được hưởng ưu đãi về chính sách thuế thu nhập DN như các cây trồng nông nghiệp khác. Đối với chính sách tài chính đối với đất đai, đề nghị VRA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản đối với diện tích đất trồng cây cao su tái canh từ năm 2021 trở đi; hoặc không thu thuế tiền thuê đất trong thời gian vườn cây kiến thiết cơ bản và phân bổ số tiền này vào thu trong thời gian kinh doanh vườn cây, nhằm giảm áp lực tài chính của các DN trong thời gian kiến thiết cơ bản.
Báo cáo tham luận Sản xuất cao su thiên nhiên tại Việt Nam trước thách thức phát triển bền vững, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích – Chuyên gia độc lập cho biết, hiện nay, các nước trong Hiệp hội các nước sản xuất Cao su thiên nhiên (ANRPC) cũng đã ghi nhận một số chính sách hỗ trợ ngành cao su như: hỗ trợ tổ chức/quản lý, hỗ trợ tài chính, chính sách môi trường (hầu hết các nước sản xuất cao su thiên nhiên trong ANRPC đều có quy chuẩn nước thải chế biến cao su vừa phù hợp với đặc trưng ngành nghề, trình độ kỹ thuật và năng lực tài chính của DN, vừa đạt mục tiêu bảo vệ môi trường nước).
Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các DN Hội viên đã có những phát biểu về vấn đề hoàn thuế GTGT, theo đó, các DN đề xuất Cục thuế nên thực hiện các thủ tục hoàn thuế phù hợp với luật thuế đã ban hành tránh việc hoàn thuế GTGT kéo dài với nhiều yêu cầu giấy tờ xác minh mất thời gian và khó khăn về tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Ngoài ra, một số DN cũng đề xuất về chính sách tài chính đối với đất đai như xem xét cho DN được miễn, giảm tiền thuê đất đối với diện tích nằm trong dự án quản lý không trồng được cao su, xem xét giải quyết các vướng mắc của chính sách tiền thuế đất đối với Công ty giai đoạn ổn định 05 năm từ năm 2021 đến năm 2025, đề nghị đơn vị cho thuê đất sớm xác định và đi đến thống nhất đơn giá thuê đất và phí sử dụng hạ tầng khu công nghiệp với mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã có ý kiến kết luận nhằm tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy phát triển ngành cao su bền vững trong thời gian tới.
Thứ nhất, đối với các kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách về thuế, môi trường, thương mại, các Bộ, ngành đã có ý kiến trả lời, hỗ trợ Hiệp hội; đề nghị Hiệp hội tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn theo kiến nghị của các DN.
Thứ hai, Giao Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp hội và các đơn vị có liên quan rà soát, báo cáo Bộ hướng hoàn thiện Đề án phát triển cao su bền vững giai đoạn 2023 – 2030 và tầm nhìn 2050 để có giải pháp tiếp tục triển khai sau khi Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 03/6/2009 về Phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 hết hiệu lực.
Thứ ba, VRA phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ như Cục Trồng trọt, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Chế biến và PTTTNS, Trung tâm khuyến nông quốc gia xây dựng Kế hoạch phối hợp để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm cao su, điều chỉnh cơ cấu các sản phẩm để gia tăng giá trị và mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư nâng cao năng lực chế biến các sản phẩm từ cao su.
Thứ tư, VRA phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Trung tâm khuyến nông quốc gia nghiên cứu xây dựng Đề án tổ chức lại sản xuất cao su tiểu điền theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu lớn, đạt chuẩn; hỗ trợ phát triển các hợp tác xã về cao su để tăng cường liên kết sản xuất, chế biến với DN theo chuỗi giá trị.
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA cho biết vai trò và vị thế của ngành cao su đã được sự công nhận của các Bộ ngành với sự đóng góp không nhỏ về kinh tế, môi trường và xã hội. VRA và các Hội viên ghi nhận tất cả những ý kiến trao đổi của đại diện của các cơ quan Bộ ngành đối với các vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến thuế, đất đai và môi trường. Một số nội dung trọng tâm cần phải tiếp tục theo dõi và thực hiện trong thời gian tới.

Văn phòng HHCSVN tổng hợp 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>