Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

Tham dự Tập huấn quốc tế về nghiên cứu và phân tích thị trường cao su của ANRPC

13/06/2017

 Từ ngày 17 – 21/4/2017, Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự chương trình Tập huấn quốc tế về nghiên cứu và phân tích thị trường cao su do Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) tổ chức tại Malaysia. 


 Ngoài Việt Nam còn có 19 đại diện đến từ các nước thành viên khác của ANRPC là Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Sri Lanka và Thái Lan. Chương trình tập huấn do ông Jom Jacob – Chuyên gia Kinh tế cao cấp của ANRPC – trực tiếp hướng dẫn và đào tạo, cùng với hai diễn giả khách mời là ông Dar Wong – Giám đốc Công ty Đầu tư Dektos (Singapore) và ông Ong Teck Chye – Trưởng phòng Hàng hóa nông sản Công ty R1 International.

TS. Nguyễn Ngọc Bích – Tổng Thư ký ANRPC – cho biết, mục đích của Chương trình nhằm tạo cơ hội trao đổi thông tin lẫn nhau giữa các nước sản xuất cao su thiên nhiên, nhận diện những yếu tố tác động đến giá cao su thiên nhiên (CSTN), dự báo tình hình cung cầu CSTN làm cơ sở để xây dựng các kế hoạch ứng phó trong ngắn và dài hạn. Thông qua Chương trình, các học viên sẽ nắm bắt những nguồn thông tin hữu ích và phương pháp để thực hiện một bài báo cáo đầy đủ và toàn diện về thị trường CSTN.
TS. Nguyễn Ngọc Bích, TS. Hj Suarni Sumormo – Phó Tổng Giám đốc MRB và ông Dar Wong chủ trì phần khai mạc Chương trình
Trong nội dung đầu tiên của Chương trình, ông Dar Wong đã giới thiệu những kiến thức tổng quan về thị trường hàng hóa, được chia thành 4 loại chính là năng lượng (dầu thô, dầu lửa, xăng, khí thiên nhiên…); kim loại; thịt động vật và nông sản (cao su, cà phê, gạo, gỗ…). Một số loại hàng hóa đã được đưa vào danh sách các công cụ giao dịch và đầu tư trên thị trường tài chính. Xu hướng trên thị trường hàng hóa phần lớn chịu tác động bởi hai phương diện là các yếu tố cơ bản và yếu tố kỹ thuật. Yếu tố cơ bản gồm những tác động từ môi trường và khí hậu; chính sách của chính phủ; tình hình tăng trưởng kinh tế. Yếu tố kỹ thuật gồm ảnh hưởng từ sự biến động của các loại hàng hóa khác; xu hướng liên quan đến tâm lý các nhà đầu tư. Tuy nhiên các yếu tố kỹ thuật chỉ xảy ra trong ngắn hạn, khi không có sự kiện tác động và các nhà đầu tư ngừng giao dịch.Ông Dar Wong cũng nhấn mạnh một số vấn đề như: giá CSTN biến động cùng chiều với kim loại (niken, than đá) trong khoảng 2 năm gần đây; năng lượng đóng vai trò quan trọng cho hoạt động của cả nền kinh tế nên giá hàng hóa sẽ biến động theo mặt hàng này; sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (SHFE) đang trở thành thị trường giao dịch cao su có tầm ảnh hưởng lớn với khối lượng giao dịch tăng mạnh. Ông cũng dự báo rằng giá cao su có thể sẽ tăng dần đến năm 2020 và sau đó giảm trở lại theo chu kỳ của thị trường.
Ông Dar Wong cung cấp những kiến thức cơ bản về thị trường hàng hóa
Tiếp nối Chương trình, ông Jom Jacob đã cung cấp những thông tin tổng quan về thị trường cao su thế giới. Theo thống kê của ANRPC năm 2016, hai nước Thái Lan và Indonesia chiếm 61% nguồn cung CSTN thế giới; nhóm 4 nước gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ chiếm 26%. Các hộ tiểu điền đóng góp đến 90% vào sản lượng CSTN thế giới. Hộ tiểu điền cũng là loại hình sản xuất chiếm đa số tại các nước sản xuất CSTN lớn, trừ Việt Nam và Trung Quốc. Về đặc điểm mùa vụ, nguồn cung cao su tại các nước ANRPC nhìn chung giảm thấp trong giai đoạn từ tháng 02 – 5 hàng năm và sau đó tăng dần trở lại cho đến tháng 01 năm sau. Chủng loại được sản xuất nhiều nhất trên thế giới là cao su định chuẩn kỹ thuật TSR (chiếm 71%), theo sau là RSS (17%), Latex (10%) và các loại khác (2%). Đối với tiêu thụ CSTN, Trung Quốc vẫn là nước dẫn đầu thế giới chiếm 39%, các nước tiêu thụ lớn khác lần lượt là Ấn Độ (8%), Hoa Kỳ (7%). Do đó, xu hướng cung cầu sẽ phụ thuộc đáng kể vào tình hình sản xuất cũng như tiêu thụ tại các nước đóng vai trò quan trọng ở từng phương diện. CSTN trong giao dịch quốc tế chủ yếu được thanh toán bằng đồng USD nên giá CSTN sẽ thay đổi theo tỷ giá giữa các đồng tiền khác so với USD và có khoảng 60 – 70% các giao dịch quốc tế được thực hiện dưới dạng hợp đồng dài hạn (từ 2 – 3 tháng), phần còn lại thực hiện dưới dạng giao ngay. Dựa trên số liệu tại thị trường Thượng Hải và Malaysia, giá cao su tương lai SHFE và giá cao su (SMR) giao hàng thật của Malaysia biến động tương đồng với nhau trong khoảng thời gian 3 tháng đầu năm 2017.
Ông Jom Jacob hướng dẫn phân tích ảnh hưởng cung – cầu và các yếu tố khác đối với thị trường CSTN
Về dự báo cung cầu, ông Jom Jacob cho biết sản lượng CSTN thế giới năm 2017 sẽ tăng 4,9% so với năm 2016 lên 12,695 triệu tấn; trong khi tiêu thụ sẽ tăng 1,7% lên 12,807 triệu tấn. Cầu vượt cung liên tiếp trong hai năm 2016 và 2017 sẽ góp phần giảm bớt lượng dư cung tích lũy của thế giới trong những năm gần đây.
Tình hình cung cầu CSTN 2013 – 2016 và dự báo 2017 (ngàn tấn)
 
2013
2014
2015
2016
2017
Sản lượng
12.277
12.149
12.275
12.107
12.695
Tiêu thụ
11.606
12.243
12.165
12.596
12.807
Chênh lệch
671
-94
110
-489
-112
 Nguồn: ANRPC, R-MART 2017
Đối với đánh giá sự tăng trưởng tiêu thụ CSTN, cụ thể tại Trung Quốc, ông Jacob cho biết, dù nhận được hỗ trợ từ việc Hoa Kỳ rút lại quyết định chống bán phá giá đối với lốp xe cỡ lớn của Trung Quốc; tuy nhiên các yếu tố bất lợi khác lại có khả năng tác động lấn át hơn như GDP Trung Quốc năm 2017 dự báo giảm xuống 6,5% (so với 6,7% năm 2016), chính phủ giảm ưu đãi về thuế khi mua ô tô con, sự chuyển dịch các nhà máy sản xuất lốp xe sang các nước khác như Thái Lan, Indonesia. Do đó, tiêu thụ CSTN của Trung Quốc năm 2017 có thể chỉ tăng trưởng 1,3%, so với mức tăng trưởng 4,6% trong năm 2016.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của hai yếu tố cơ bản cung và cầu chưa thể phản ánh đầy đủ vào sự biến động của giá cao su. Những yếu tố khác có tác động lớn đến giá cao su được ông Jacob tập trung phân tích là: giá dầu thô; tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền và các quỹ đầu cơ. Mối quan hệ cùng chiều giữa giá dầu và giá cao su được thể hiện rõ ràng trong ba tháng đầu năm 2017, tuy nhiên đến nửa đầu tháng 4/2017 giá cao su tương lai Thượng Hải lại không biến động theo sự phục hồi của giá dầu Brent. Sự khác biệt này được lý giải là do sự bất ổn địa chính trị (những vấn đề tại Bắc Triều Tiên, Syria và vùng biển phía nam Trung Quốc) dẫn đến các nhà đầu tư rút khỏi các hoạt động giao dịch cao su tương lai tại Thượng Hải; nhưng bất ổn tại Syria lại đẩy giá dầu tăng lên do khả năng nguồn cung dầu gián đoạn có thể xảy ra. Tại các nước xuất khấu CSTN, khi đồng nội tệ suy yếu so với USD thì giá CSTN trên thị trường quốc tế có khuynh hướng giảm và ngược lại. Trong khi đó, tại sàn Giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) khi đồng Yên suy yếu so với USD thì giá cao su tương lai TOCOM  (tính theo đồng Yên) dự kiến sẽ tăng lên và ngược lại. Tuy nhiên, khi có tác động từ các yếu khác thì các mối quan hệ giữa giá cao su với tỷ giá hối đoái tại các nước xuất khẩu CSTN hay giá cao su với tỷ giá của đồng Yên (khi so với USD) tại sàn TOCOM sẽ không thể hiện rõ ràng. Đồng thời, các quỹ đầu cơ là một yếu tố quan trọng khác tác động đến giá CSTN. Danh mục đầu tư của các quỹ sẽ thay đổi tùy theo diễn biến của 4 loại tài sản là: hàng hóa, chứng khoán, đồng USD và vàng. Do tầm ảnh hưởng lớn của các quỹ lên chu kỳ hàng hóa đã làm giảm tầm quan trọng của hai yếu tố cơ bản cung – cầu trong việc xác định giá CSTN.
Trong phần cuối của Chương trình, ông Jacob đã giúp các học viên hệ thống lại các yếu tố chính có khả năng tác động đến giá cao su trong ngắn hạn và tóm lược các bước thực hiện một báo cáo về thị trường cao su hoàn chỉnh. Theo đó, cần xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố cơ bản và các yếu tố liên quan khác đến giá cho cao su, để từ đó đưa ra nhận định và dự báo về xu hướng giá cao su trong ngắn hạn cũng như những rủi ro có thể ảnh hưởng đến dự báo đã đưa ra. Tại buổi tập huấn, đại diện từ các nước tham dự đã có bài trình bày ngắn để đưa ra nhận định về các yếu tố tác động đến diễn biến của giá cao su trong năm 2017.
Phát biểu bế mạc Chương trình, TS. Nguyễn Ngọc Bích hy vọng rằng thông qua Chương trình tập huấn của ANRPC, các nước thành viên có thể thực hiện báo cáo phân tích và dự báo về tình hình thị trường CSTN, từ đó góp phần hỗ trợ chính phủ đưa ra những chính sách phù hợp để quản lý cung – cầu cũng như giá CSTN. Ông nhận định, dù có nhiều yếu tố khác nhau tác động trong ngắn hạn nhưng yếu tố cơ bản cung – cầu vẫn sẽ giữ vai trò quyết định trong dài hạn, do đó chính phủ các nước phải có những giải pháp lâu dài để hướng đến mục tiêu đảm bảo đời sống cho các hộ tiểu điền.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp (Thanh Danh)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>