Tin tức >> Tin cao su trong nước

Gỗ Thuận An tăng đơn hàng sản phẩm tinh chế

07/04/2016

 Chỉ mới đầu tháng 3/2016, Công ty CP Gỗ Thuận An (TAC) đã có nhiều đơn hàng tinh chế cho cả năm. Ngoài ra, Công ty đang xúc tiến thâm nhập thị trường nội địa tại nông thôn.


 Chú trọng quảng bá thương hiệu

Ông Trần Đức Thuận – Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) – đánh giá, chế biến gỗ là một trong 4 lĩnh vực hoạt động chính của VRG. Những năm gần đây, ngành chế biến gỗ đã phát huy được thế mạnh như sản xuất kinh doanh ván MDF, gỗ ghép tấm…
Riêng các sản phẩm gỗ tinh chế, TAC là đơn vị dẫn đầu toàn Tập đoàn trong việc tìm kiếm thị trường cũng như về doanh thu, lợi nhuận. Nếu như năm 2008, doanh thu của TAC chỉ đạt 163,59 tỷ đồng, thì đến năm 2015 tăng lên 485,358 tỷ đồng. Để đạt được kết quả trên, lãnh đạo Công ty đã thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường để sản xuất các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Song song đó, Công ty tăng cường quản lý kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động.
Hiện tại, TAC đã được chứng nhận hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn FSC-CoC. Ngay từ khi thành lập, TAC đã xác định thương hiệu Gỗ Thuận An là một tài sản quý giá đối với việc hình thành và phát triển Công ty. Do đó, hoạt động quảng bá thương hiệu được lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Công ty đã sử dụng các đơn vị marketing chuyên nghiệp hỗ trợ xây dựng các chương trình quảng bá và tổ chức các sự kiện để giới thiệu sản phẩm.
Nhờ vậy, Gỗ Thuận An không những giữ được khách hàng và thị trường đã có như châu Âu, Mỹ mà còn phát triển thêm khách hàng cũng như thị trường mới là Nhật Bản và các nước trong khu vực. Hiện sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Công ty đã cạnh tranh được về chất lượng với sản phẩm của các nước ASEAN. Ông Trần Văn Đá – Tổng Giám đốc Công ty – cho biết, hiện nay ngành gỗ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang cạnh tranh gay gắt về đơn hàng, giá bán, sản phẩm cũng như lao động có tay nghề cao.
“Chính vì vậy, chúng tôi đã có phương án như đầu tư máy móc thiết bị đồng bộ, tăng năng suất lao động, tìm kiếm thị trường mới nhằm mở rộng sản xuất. Trong đó, chúng tôi đã xúc tiến tìm kiếm thêm khách hàng ở thị trường mới là Nhật Bản và Trung Á”, ông cho biết.
Tiếp cận thị trường nông thôn
Cũng theo ông Trần Văn Đá, ngoài thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 với tổng sản lượng tiêu thụ là 43.200 m3; doanh thu tiêu thụ 469,9 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế 14,3 tỷ đồng, TAC đang tiếp cận thị trường nông thôn với các sản phẩm tinh chế bình dân làm từ gỗ cao su, đồng thời tự thiết kế, chế tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu cũng như túi tiền của khách hàng.
Ông Đá lý giải, hiện nay, tại các đô thị lớn, người dân thường sử dụng các sản phẩm gỗ tinh xảo cao cấp, do đó không phù hợp với thế mạnh của đơn vị. Chính vì vậy việc tiếp cận thị trường nội địa ở nông thôn là chủ trương, cũng là chiến lược để TAC phát triển bền vững. “Để làm được điều đó, không những phải tìm hiểu thị hiếu khách hàng, nâng cao năng lực mạng lưới tiếp thị mà chúng tôi còn đầu tư mạnh đội ngũ thiết kế để có nhiều sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng”, ông Đá nhấn mạnh.
Để cụ thể hóa điều đó, hiện nay TAC đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như: sắp xếp lại dây chuyền sản xuất theo chuyên môn hóa, đầu tư bổ sung máy móc thiết bị cho phù hợp với từng dòng sản phẩm mới và giảm lao động thủ công. Đồng thời duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của dự án SCORE và chương trình 5S – chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động tại doanh nghiệp.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>