Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

Tổ chức Hội thảo “Quản lý chất lượng mủ cao su nguyên liệu”

11/07/2016

 Ngày 29/6/2016, tại TP.HCM, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Quản lý chất lượng mủ cao su nguyên liệu” nhằm trao đổi kinh nghiệm, thảo luận, tìm kiếm giải pháp quản lý chất lượng mủ cao su nguyên liệu đầu vào cung cấp cho các nhà máy sơ chế mủ cao su.


  Đây là sự kiện tiếp nối Hội nghị "Đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ cao su thiên nhiên" được tổ chức vào cuối năm 2015, trong chuỗi hoạt động của Hiệp hội để hướng đến mục tiêu quản lý và nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào, tạo điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra, xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam.

Ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội – phát biểu chào mừng tại Hội thảo
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội – nhận định: “Hiện nay, Việt Nam đã có tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm đầu ra đối với cao su khối (TCVN 3769 : 2004) và cao su ly tâm (TCVN 6314 : 2013) tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng chưa có tiêu chuẩn quốc gia cho mủ cao su nguyên liệu đầu vào để làm cơ sở kiểm tra, xử lý sai phạm. Hiện tượng pha trộn tạp chất vào mủ cao su để tăng tổng hàm lượng chất rắn TSC (Total Solid Content: TSC) đã xảy ra nhiều nơi từ năm 2011 và ngày càng tinh vi, khó phát hiện, đã làm một số nhà máy khó đảm bảo chất lượng sản phẩm cao su đầu ra”.
TS. Trần Thị Thúy Hoa – Trưởng Ban Tư vấn phát triển ngành cao su thuộc Hiệp hội – 
trình bày báo cáo tại Hội thảo
TS. Trần Thị Thúy Hoa – Trưởng Ban Tư vấn phát triển ngành cao su thuộc Hiệp hội – trình bày báo cáo: “Tình hình phát triển nhà máy sơ chế mủ cao su trong nước và một số giải pháp quản lý nguyên liệu đầu vào”. TS. Hoa đã tóm tắt một số thành tựu của ngành cao su Việt Nam thời gian gần đây: Năm 2015, diện tích cao su Việt Nam đạt 981.000 ha và sản lượng đạt 1.017.000 tấn; đứng thứ ba về sản lượng và xuất khẩu trên thế giới; năng suất cây cao su Việt Nam đạt khoảng 1,7 tấn/ha/năm từ năm 2009 đến 2015 và dẫn đầu so với các nước trong khu vực châu Á. Theo số liệu từ Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, trong năm 2014, số lượng nhà máy sơ chế mủ cao su là 161 với tổng công suất 1.218.100 tấn/năm. Nhằm đánh giá hiện trạng của ngành để có cơ sở đề xuất giải pháp quản lý chất lượng hiệu quả, TS. Hoa đã nêu ra những vấn đề hiện còn tồn tại trong ngành như: Hiện tượng pha thêm chất độn vào mủ cao su nguyên liệu nhằm làm tăng tổng hàm lượng chất rắn TSC, làm ảnh hưởng đến chất lượng cao su thiên nhiên đầu ra; Phương pháp xác định hàm lượng cao su khô DRC (Dry Rubber Content: DRC) thông qua hàm lượng chất rắn TSC có độ chính xác chưa cao nên cần phải nghiên cứu, khảo nghiệm thêm để đảm bảo tính công bằng trong mua bán mủ cao su; Sự cần thiết xây dựng tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy chuẩn quốc gia về nguyên liệu mủ cao su.
Ông Nguyễn Hoàng Thái – Phó Trưởng Ban Công nghiệp Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) – trình bày báo cáo tại Hội thảo
Ông Nguyễn Hoàng Thái – Phó Trưởng Ban Công nghiệp Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) – trình bày “Định hướng phát triển nhà máy sơ chế mủ cao su đến 2020 và giải pháp quản lý nguyên liệu đầu vào của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam”. Tập đoàn là doanh nghiệp Nhà nước, đóng vai trò nòng cốt trong chiến lược phát triển cao su ở Việt Nam. Tổng diện tích cao su toàn Tập đoàn đến cuối năm 2015 là 415.502 ha, trải rộng từ khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc cho đến nước Lào và Campuchia (trong đó tại Lào: 28.016 ha, Campuchia: 90.500 ha). Trong năm 2015, toàn Tập đoàn khai thác được 264.088 tấn cao su thiên nhiên, đạt 105,97% kế hoạch với năng suất vườn cây đạt 1.737 kg/ha. Tập đoàn hiện có 45 nhà máy, xí nghiệp và xưởng chế biến mủ cao su với tổng công suất thiết kế 479.000 tấn/năm. Sản phẩm cao su của Tập đoàn đang được từng bước chuyển đổi cơ cấu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường với chất lượng ngày càng nâng cao và hiện đã có mặt ở 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với quy mô và lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, việc ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm cao su có vai trò rất quan trọng. Trong đó, giải pháp quản lý chất lượng nguyên liệu từ vườn cây đưa vào nhà máy đã có trong các tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) của Tập đoàn: TCCS 101, TCCS 102, TCCS 103 về quy trình chế biến cao su khối. Tập đoàn đang xây dựng TCCS 111 về nguyên liệu mủ đầu vào.
Ông Nguyễn Thành Được – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng – trình bày, chia sẻ kinh nghiệm từ Thái Lan qua báo cáo: “Mua bán mủ nước theo hàm lượng cao su khô (DRC) ở Thái Lan”. Đã từng có dịp tham quan, học tập một số nhà máy của Thái Lan, ông cho biết các nhà máy này thu mua mủ nước theo DRC từ các hộ tiểu điền và thương nhân trung gian. Cách xác định DRC của nhà máy Trang Latex (Thái Lan) cũng giống như cách xác định theo TCVN 4858 : 2007, tương đương với ISO 126 : 2005, chỉ khác ở chỗ miếng mủ đông được cán qua máy cán để có tờ mủ dày 1 mm và sấy trong tủ sấy ở nhiệt độ 1000C nhằm rút ngắn thời gian. Việc thu mua bằng DRC có ưu điểm giúp kiểm soát tạp chất pha trộn vào mủ nước, người mua sẽ mua được mủ nguyên liệu tốt, người bán cũng không có động cơ pha trộn tạp chất để thu lợi không chính đáng. Do vậy, Diễn giả kết luận, mua bán mủ nước theo DRC vừa là biện pháp quản lý chất lượng nguyên liệu vừa là cách bảo đảm giao dịch công bằng giữa người mua và người bán. Các nhà máy và nhà vườn ở Thái Lan cũng như ở Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và Sri Lanka đã có truyền thống mua bán mủ nước theo DRC từ lâu và phương pháp xác định DRC ngày càng được cải tiến để có kết quả nhanh và chính xác hơn.
Ông Nguyễn Thành Được – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng – trình bày báo cáo tại Hội thảo
Ông Cheah Tim Sang – Phó Giám đốc Nhà máy thuộc Công ty R1 International Pte Ltd – trình bày báo cáo tại Hội thảo
Ông Cheah Tim Sang – Phó Giám đốc Nhà máy thuộc Công ty R1 International Pte Ltd – trình bày về “Phương pháp thu mua cao su nguyên liệu”. Theo Diễn giả, trong khi Việt Nam vẫn áp dụng phương pháp đo TSC trong quá trình thu mua mủ nước thì Malaysia áp dụng phương pháp đo DRC. Ông cũng lưu ý, tại Malaysia để trở thành nhà thu mua cao su nguyên liệu, cá nhân đó phải được Tổng cục Cao su Malaysia (Malaysian Rubber Board: MRB) cấp giấy phép. Ông cũng nêu những khó khăn trong việc quản lý chất lượng cao su Việt Nam, những lô hàng không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được xuất khẩu, trong khi tại Malaysia, tất cả lô hàng cao su xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn và có giấy kiểm phẩm từ các phòng Kiểm nghiệm do MRB chứng nhận.
Tại Hội thảo, nhiều giải pháp thực tiễn, đề xuất kiến nghị đã được chia sẻ, thảo luận sôi nổi. Đại diện Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối – ông Nguyễn Đức Thuyên – cho biết do chưa xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về cơ sở chế biến mủ cao su nên không thể bắt buộc các đơn vị tuân thủ từ nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, quản lý lao động, chất lượng, tiêu chuẩn. Ông Cao Việt Hà – đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – tán thành việc đề xuất xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho nguyên liệu đầu vào để làm căn cứ kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, cũng cần thực hiện kiểm tra cơ sở và quy trình hoạt động thông qua quy định tiêu chuẩn cho cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu.
Trước những ý kiến đề xuất về chuyển đổi phương pháp đo hàm lượng cao su khô khi thu mua mủ nước, ông Nguyễn Hoàng Thái cho biết do đặc thù ngành cao su Việt Nam trước đây là đại điền nên thuận lợi áp dụng phương pháp đo DRC thông qua TSC. Hiện nay, với việc thu mua mủ cao su cho các diện tích tiểu điền nhỏ lẻ, nên tùy điều kiện thực tế mà chọn lựa phương pháp phù hợp. Đại diện Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam – TS. Nguyễn Ngọc Bích – cho biết Bảng quy đổi từ TSC sang DRC do Viện Nghiên cứu Cao su Đông Dương ban hành từ những năm 1960. Gần đây, với sự phát triển đa dạng, phong phú các giống cao su và nhiều vùng trồng khác nhau nên Bảng quy đổi xuất hiện những hạn chế. Trước thực trạng chất lượng cao su Việt Nam không đồng đều, TS. Bích đề xuất xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho nguyên liệu đầu vào và ban hành quy trình kiểm soát đảm bảo công tác thu hoạch, bảo quản và vận chuyển nguyên liệu.
Ông Nguyễn Bá Tòng – đại diện Công ty TNHH Sản xuất Cao su Liên Anh – chia sẻ kinh nghiệm khuyến khích nông dân chuyển dần sang mua bán theo DRC nhờ cộng thêm tiền thưởng. Trong năm 2016, Công ty Liên Anh vẫn sẽ tiếp tục áp dụng và mong muốn các đơn vị khác cùng tham gia thu mua theo DRC để hạn chế tình trạng pha trộn tạp chất. Ông Tào Mạnh Cương – đại diện Công ty CP Cao su Phước Hòa – cho biết mặc dù thu mua theo DRC có nhiều ưu điểm và đang là xu thế chung của các nước nhưng cần đầu tư máy móc thiết bị nhiều hơn so với thu mua theo kiểu truyền thống TSC và ông tán thành việc ban hành tiêu chuẩn quốc gia, tiến tới xây dựng quy chuẩn quốc gia đối với cao su nguyên liệu.
Ông Lê Xuân Hòe – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam –
phát biểu tại Hội thảo
Ông Lê Xuân Hòe – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – đã phát biểu và ghi nhận những nỗ lực, thành tựu mà ngành cao su Việt Nam đạt được trong thời gian qua về sản lượng, năng suất, xuất khẩu. Ông đánh giá cao chuỗi hoạt động và các hội thảo của Hiệp hội Cao su Việt Nam về chuyên đề chất lượng cao su và xây dựng thương hiệu Cao su Việt Nam nhằm giúp nâng cao vị thế và tăng năng lực cạnh tranh của ngành cao su Việt Nam. Ông cho rằng mô hình thu mua nguyên liệu theo DRC của Công ty Liên Anh là một hướng đi mang tính tiên phong và ngành cần xây dựng lộ trình phù hợp để chuyển đổi từ mua bán căn cứ theo TSC sang theo DRC. Tập đoàn đã xây dựng Bảng quy đổi mới từ TSC sang DRC và đang thực hiện thử nghiệm tại một số công ty thành viên trước khi áp dụng đại trà. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường việc kiểm soát chất lượng cao su thiên nhiên Việt Nam để mặt hàng này đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam
 
 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>