Tin tức >> Tin cao su trong nước

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) sẵn sàng tham gia REDD+

16/10/2017

 Theo Quyết định 419/QĐ-TTg ngày 05/4/2017 về Chương trình quốc gia giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng cacbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+), VRG đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia.


 Bên cạnh đó, VRG cũng sẽ là đơn vị đầu tàu kết nối khối cao su tiểu điền tham gia vào REDD+.

Công tác trồng xen đóng góp đáng kể cho chương trình REDD+. Ảnh: Văn Vĩnh
Hệ sinh thái cao su tương đương với rừng
Hiện nay, VRG đang quản lý 65 dự án của các đơn vị cao su trực thuộc với tổng diện tích cao su là 404.624 ha. Trong đó, trong nước là 90.328 ha (44 đơn vị) và nước ngoài là 114.296 ha (19 đơn vị và 2 dự án).
Theo mục tiêu của REDD+: “Góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng rự nhiên, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng trồng; gắn và lồng ghép với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh; thu hút sự hỗ trợ của quốc tế, tiến tới tiếp cận thị trường tín chỉ cacbon, nâng cao đời sống của người dân và phát triển bền vững đất nước”. Thực tế, trong quá trình đầu tư và phát triển cao su, VRG đã đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh. Về khả năng cố định cacbon của vườn cây cao su, theo tài liệu nghiên cứu và so sánh lượng cacbon lưu giữ ở các hệ sinh thái rừng khác nhau và cao su (tấn C/ha) (của TS. Jame Jacob (năm 2006) Carbon sequestration potential of natural rubber plantations. Kyoto protocol and the rubber industry. RRII: 165 – 176), cho thấy: lượng cacbon được cố định và lưu giữ bởi vườn cao su là đáng kể và có thể so sánh được với các hệ sinh thái rừng khác nhau. Đồng thời, với diện tích cao su VRG đang quản lý cho thấy phần đóng góp đáng kể trong chương trình REDD+. “Đó là chưa tính vườn cao su có trồng xen. Trong thời gian qua, VRG đã triển khai trồng xen trên vườn cao su với các kiểu thiết kế khác nhau, như: cây ngắn ngày + hàng đơn, cây ngắn ngày + hàng kép, cây dài ngày + hàng kép, cây chịu bóng + cao su với các thiết kế khác nhau… đã giúp tăng năng lực cố định cacbon của vườn cao su, bảo vệ đất và hiệu quả sử dụng đất, cũng như nâng cao thu nhập” – ông Phạm Văn Thành – Trưởng Ban Kế hoạch Đầu tư VRG, chia sẻ.
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện đời sống người lao động, tiết giảm chi phí đầu tư tại doanh nghiệp và nâng cao độ phủ xanh trong thời gian kiến thiết cơ bản, từ năm 2014, VRG đã triển khai trồng xen các loại cây ngắn ngày, dài ngày trong các lô cao su chủ yếu tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Kết quả đến nay như sau:
Cây lâu năm chủ yếu: keo lai (2.290 ha), cây cà phê (1.580 ha), cây dó bầu (712 ha); cây bời lời (147 ha); cao su hướng gỗ (49 ha), cây gáo vàng (56 ha)… Cây hàng năm chủ yếu: cây mía (1.630 ha), khoai lang (590 ha), cây dược liệu (280 ha)… Những diện tích trồng xen này đã tăng lượng cacbon trong vườn cao su theo tiêu chí tăng trưởng xanh.
Đẩy mạnh thực hiện tăng trưởng xanh, bền vững
Nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng, gắn và lồng ghép với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh, VRG đang hướng tới phát triển bền vững trong nông nghiệp cao su thông qua định hướng đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp trên vườn cao su ở các khu vực VRG đang quản lý.
VRG đã đưa ra các chính sách, biện pháp và lộ trình từ 2017 – 2020 để tham gia REDD+ theo quyết định 419/QĐ-TTg, mục tiêu của VRG là tăng tối đa lượng sinh khối/ha phù hợp với thực trạng vườn cây cao su và đặc điểm từng vùng sinh thái, cụ thể như sau: Đối với một số diện tích cao su đã trồng nhưng do tác động của bão, gió lốc, rét… làm mật độ hữu hiệu của cây cao su thấp, trồng chèn vào các khoảng đất trống các loại cây rừng, bao gồm cả cây gỗ lớn (diện tích khoảng 10.000 ha). Một số diện tích đất có giới hạn nhất định với cây cao su, việc sinh trưởng kém sẽ chuyển qua trồng cây rừng, điển hình là keo lai – một loại cây dễ trồng và phù hợp với các loại đất.
Hàng năm VRG thanh lý khoảng 10.000 ha, chủ yếu là khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, phương án đã và sẽ tiếp tục triển khai trồng xen theo hướng giãn hàng cây cao su, nhưng thu hẹp khoảng cách giữa các cây để đảm bảo mật độ cây cao su, giữa hai hàng sẽ trồng các loại cây rừng sản xuất, trong 3 năm đầu khi cây cao su và cây rừng chưa khép tán sẽ tận dụng để trồng các loại cây ngắn ngày và khi cây cao su khép tán sẽ trồng các loại cây thảm phủ chịu bóng râm. Phương án này vừa tăng giá trị sản phẩm trên vườn cao su, đồng thời tăng đáng kể sinh khối, làm giảm phát khí thải.
“Để quản lý tốt mật độ tăng trưởng của các vườn cây cao su, rừng trồng, việc giám sát thông qua hình ảnh vệ tinh là phương án hiệu quả. Bên cạnh đó, VRG sẽ tích cực phối hợp với các tổ chức liên quan để xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành cao su khi tham gia REDD+; triển khai các hội nghị, hội thảo, tập huấn, thông tin về REDD+; giám sát định kỳ diện tích, sản lượng, xuất nhập khẩu cao su để có cơ sở rà soát quy hoạch cao su phù hợp với mục tiêu quốc gia và thị trường. Tham gia khảo sát, đánh giá, phổ biến, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất cao su bền vững: tăng hấp thu cacbon, tăng sinh khối, chống xói mòn đất, giảm phát thải…” – TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận, khẳng định.
Ngọc Cẩm, nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-nganh/vrg-san-sang-tham-gia-redd.html, ngày 11/10/2017 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>