Tin tức

Thời điểm thuận lợi để cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

03/04/2017

 Dự kiến vào tháng 7/2017, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Đây là thời điểm được đánh giá là thuận lợi khi giá cao su đang phục hồi mạnh mẽ.


 Giá cao su phục hồi

Cho biết một số thông tin liên quan đến những kế hoạch, hoạt động của Tập đoàn trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG, cho biết hiện Tập đoàn đang xác định giá trị doanh nghiệp và lựa chọn những cổ đông chiến lược để hoạt động tốt hơn sau cổ phần hóa.
Theo ông Thuận, thời gian qua, những công ty có vốn Nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa thường chọn một vài cổ đông chiến lược. Thông thường, những công ty này không giới hạn đó là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài, miễn là có năng lực tài chính, có lợi nhuận ròng dương trong một số năm trở lại và phải chứng minh được nguồn vốn có giá trị tối thiểu bằng giá trị cổ phần đăng ký mua…
Tuy nhiên, với VRG lại có những đặc thù. Cụ thể, việc xác định giá trị doanh nghiệp không dễ dàng vì quỹ đất rất lớn, phân bố khắp mọi miền đất nước và ở cả nước ngoài (VRG đang quản lý 420.000 ha cao su, với 300.000 ha trong nước, 120.000 ha ở Lào và Campuchia). Vì vậy, việc xác định đúng giá trị vườn cây là một thách thức.
Mặc dù chưa xác định được mức giá IPO lần đầu, ông Thuận cho hay nhờ giá cao su đang phục hồi, nên giá cổ phiếu chắc chắn sẽ cao hơn so với thời điểm hai năm trước.
Việc giá cao su tăng liên tục trong nhiều tuần qua đã giúp cho giá cổ phiếu của những công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là những đơn vị liên quan đến cây cao su tăng mạnh. Ông Thuận dẫn chứng giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG) cũng đang ở mức trên 10.000 đồng/cổ phần, tăng gần 2 lần so với thời điểm đầu năm nay.
Vì thế, việc VRG chọn IPO trong tháng 7 được các chuyên gia cho là thuận lợi do được hậu thuẫn bởi giá cao su đang có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, ngoài lợi thế có thể bán được giá cao và được nhiều nhà đầu tư đang quan tâm, một số hoạt động liên quan đến VRG sẽ có những điều chỉnh nhất định. Cụ thể, sau khi cổ phần hóa, hoạt động của một số đơn vị trong Tập đoàn sẽ phải chuyển sang chủ động về tài chính, như Tạp chí Cao su Việt Nam, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, Trung tâm Y tế Cao su, Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su…
Sẽ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Cũng theo ông Thuận, Tập đoàn hiện đang hoạt động chủ yếu ở 4 lĩnh vực là trồng cao su, công nghiệp cao su, sản xuất gỗ cao su và đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, VRG sẽ tập trung làm nông nghiệp công nghệ cao, tận dụng quỹ đất rất lớn của Tập đoàn.
Giải thích cho quyết định chuyển hướng phát triển sang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ông Thuận cho rằng, đó là bởi sự khích lệ từ người đứng đầu Chính phủ. Cụ thể, vào cuối tháng 12/2016, dự Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định dành gói tín dụng khoảng 50.00060.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất. Tuy nhiên, Thủ tướng đã khẳng định cam kết này một cách mạnh mẽ hơn nữa, khi trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, nhấn nút khởi động một dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu nâng gói tín dụng này từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc VRG khẳng định, chọn đúng thời điểm IPO khi giá cao su đang tăng, sau đó đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao sẽ là một bước đi đúng và kịp thời của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trong thời gian tới.
Vũ Hạ, nguồn: http://baochinhphu.vn/Doanh-nghiep/Thoi-diem-thuan-loi-de-co-phan-hoa-Tap-doan-Cao-su/301649.vgp, ngày 25/3/2017 (CN trích dẫn) 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>