Tin tức

Rủi ro từ phòng vệ thương mại bủa vây, doanh nghiệp xuất khẩu cần hành trang để ứng phó

15/07/2024

Trong bối cảnh các quốc gia gia tăng áp dụng các biện pháp vệ phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước, doanh nghiệp Việt cần trang bị “bí kíp” để ứng phó.
 


Rủi ro kiện phòng vệ thương mại ngày càng lớn
Từ đầu năm đến nay, nhờ nỗ lực hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu của nước ta đang dần hồi phục và tăng trưởng, với mức tăng trưởng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thời gian qua, sau những biến cố, khó khăn đến từ bão dịch và khủng hoảng, doanh nghiệp Việt đã và đang mở rộng, phát triển ra nhiều thị trường mới. Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công thương) chia sẻ, 6 tháng đầu năm nay, hoạt động xúc tiến thương mại của nước ta không chỉ tập trung nhiều thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU mà chú trọng vào khai thác các thị trường mới ở Trung Đông, Châu Phi, Nam Hoa Kỳ... Việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với một số nước khác như Trung Quốc, Indonesia…, là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với các nước này.
Tuy nhiên, ông Phú cho rằng, kinh tế toàn cầu nửa cuối năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, trong khi đó, kinh tế Việt Nam lại có độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế. Hiện các quốc gia đều có xu hướng gia tăng áp dụng các biện pháp vệ phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước. “Trong đó, có nhiều thị trường lớn của nước ta tăng cường mạnh mẽ các biện pháp phòng vệ thương mại như Hoa Kỳ, EU...Đây thực sự là áp lực lớn đối với hàng Việt xuất khẩu thời gian tới”, ông Phú nhấn mạnh.
Về vấn đề này, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay, hiện hàng hóa Việt xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hoa Kỳ và tính đến nay, đây cũng là nước đã điều tra tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại như phá giá, trợ cấp, lẩn tránh thuế, tự vệ với hàng Việt Nam. Đa số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ lực với kim ngạch lớn của nước ta đều bị điều tra phòng vệ thương mại. Tính đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Ngoài ra, Cơ quan điều tra nước ngoài cũng thường xuyên rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại với quy trình và các yêu cầu điều tra có mức độ phức tạp tương tự các vụ việc điều tra mới.
Doanh nghiệp cần trang bị như thế nào?
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương Trịnh Anh Tuấn cho rằng, kể từ sau khi Việt Nam ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại (FTA), hàng hóa vào các thị trường nội khối được ưu đãi thuế quan, hàng xuất khẩu bị điều tra phòng vệ thương mại gia tăng mạnh. Đến nay, Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ đã triển khai công tác điều tra, rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại, cụ thể: tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 1 vụ việc mới; tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới. “Các thị trường lớn đều gia tăng điều tra, áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Thời gian tới, chúng ta tiếp tục tận dụng hiệu quả lợi thế từ các FTA để mở rộng và gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa thì việc đối diện với các vụ kiện phòng vệ dày đặc hơn là tất yếu. Và đây là sức ép, rủi ro lớn đối với doanh nghiệp Việt”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đến nay, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, đồng nghĩa với việc, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại mà nước đã và đang sử dụng với mục đích hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, có một thực tế không thể phủ nhận là nhận thức của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong lĩnh vực phòng vệ thương mại còn hạn chế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, để ứng phó với các vụ điều tra, kiện cáo tại thị trường xuất khẩu, bản thân doanh nghiệp cần trang bị kiến thức về vấn đề này, đầu tư cho nhân sự am hiểu về luật pháp...Đặc biệt, “về lâu dài, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nỗ lực nâng cao nguồn lực về tài chính, về thông tin, về nhân sự...tức là tăng cường nội lực cho mình”, Tiến sĩ Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp.
Cũng theo Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Bộ Công thương cần thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài. “Việc trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; hay tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, định hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp là vô cùng quan trọng”, ông Nam nhấn mạnh. Khi các doanh nghiệp trang bị hành trang và “vũ khí” cũng như được tiếp cận các thông tin phòng vệ thương mại một cách đầy đủ, kịp thời, việc ứng phó với các vụ kiện cáo, điều tra về phòng vệ thương mại sẽ đơn giản hơn, ít rủi ro hơn và đạt hiệu quả tốt hơn.

Kate Trần, nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/rui-ro-tu-phong-ve-thuong-mai-bua-vay-doanh-nghiep-xuat-khau-can-hanh-trang-de-ung-pho-2024070812373307.htm, ngày 09/7/2024 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>