Tin tức

Ngành sản xuất cải thiện giúp phục hồi tiềm năng xuất khẩu

27/03/2023

 Sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng trở lại khi đơn hàng mới tăng lên, còn việc làm và hoạt động mua hàng đã vượt ngưỡng trung bình.


 “Sức khỏe” ngành sản xuất cải thiện sau 3 tháng suy giảm

Theo báo cáo cập nhật của các tổ chức quốc tế, niềm tin kinh doanh tại Việt Nam đang cải thiện rõ rệt kể từ cuối tháng 2 đến nay. Điều này có được là nhờ sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng trở lại khi đơn hàng mới tăng lên, còn việc làm và hoạt động mua hàng đã vượt ngưỡng trung bình. Theo Tổng cục thống kê, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 51,2 điểm trong tháng 2, tăng so với mức mức 47,4 điểm của tháng 1 đã cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau thời kỳ suy giảm kéo dài 3 tháng.
Các hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như: EuroCham, KorCham đều cho rằng, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đã tăng trở lại cùng với thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn tháng thứ hai liên tiếp. Đây là những tín hiệu khả quan về tăng trưởng cho quý đầu năm nay. “Từ cuối năm ngoái EuroCham nhận định sẽ có nhiều khó khăn trong đầu năm nay, nhưng đến nay niềm tin các nhà đầu tư châu Âu tăng lên khi các đối tác lâu năm, truyền thống vẫn giữ đơn hàng và coi Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết. “Tiềm lực kinh tế của Việt Nam trong khu vực vẫn khả quan nhờ sức bật tăng trưởng năm ngoái, trong đó sức hút đầu tư của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, song hành với việc giữ chân được thị trường xuất khẩu. Đây cũng là cơ sở cho tăng trưởng các tháng tiếp theo”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia Kinh tế Phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, nhận định.
Phục hồi xuất khẩu sang thị trường truyền thống
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tính đến giữa tháng 3 đạt gần 123 tỷ USD, xuất siêu gần 3 tỷ USD. Trong đó, riêng nửa đầu tháng 3, giá trị này tăng hơn 17% so với nửa cuối tháng 2. Đây là những tín hiệu tích cực sau khi hàng loạt thị trường truyền thống như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã hồi phục, giúp các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam tăng tốc. Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 3, có 4 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD là máy vi tính, điện thoại và linh kiện, máy móc và dệt may. Nhiều mặt hàng thế mạnh nông sản đã tận dụng hiệu quả của các thị trường truyền thống như Trung Quốc, ASEAN để tăng xuất khẩu. Trong quan hệ thương mại với khu vực châu Á, Việt Nam có lợi thế về khoảng cách địa lý, sự tương đồng về thị hiếu, văn hóa... Ngoài ra, các nước ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… đều đã có Hiệp định thương mại tự do hay thoả thuận song phương với Việt Nam, giúp tạo thuận lợi cho thương mại.
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu những tháng tới đòi hỏi các doanh nghiệp phải nắm bắt tốt tín hiệu thị trường và chủ động kịch bản thích ứng để tận dụng tốt hơn các cơ hội vào những thị trường truyền thống và chủ chốt. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội từ các chính sách thương mại thuận lợi trong 15 hiệp định thương mại tự do đang thực thi tại 60 thị trường lớn trên thế giới. Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường có FTA mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của các trường này. Trong đó, hơn 1/3 lượng hàng hóa mới tận dụng được ưu đãi hưởng thuế và xuất xứ hàng hóa. Do vậy, còn nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao hàm lượng giá trị sang các thị trường tiềm năng.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>