Tin tức

Đầu tư vào chất bán dẫn toàn cầu giảm lần đầu tiên sau 4 năm

05/09/2023

Mức đầu tư của những gã khổng lồ chip dự kiến sẽ giảm 16% xuống còn 122 tỷ USD năm 2023. Nguyên nhân là do sự suy thoái nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu của người tiêu dùng giảm dẫn đến dư cung…
 


Đây là mức giảm đầu tiên kể từ năm tài chính 2019 và lớn nhất trong 10 năm qua. Đầu tư vào chip bộ nhớ, chủ yếu được sử dụng cho điện thoại thông minh và máy tính cá nhân, sẽ giảm 44% trong năm 2023, trong khi đầu tư vào bộ vi xử lý sẽ giảm 14%.
Đầu tư của các ông lớn bán dẫn giảm mạnh
Sáu công ty đang giảm đầu tư trong năm 2023 là Intel, GlobalFoundries, Micron Technology, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., SK Hynix, và các hoạt động chung của Western Digital và Kioxia Holdings. Sự sụt giảm này phần lớn là do việc mở rộng công suất nhanh chóng trong vài năm qua. Bên cạnh đó, căng thẳng Hoa Kỳ – Trung về công nghệ đã thúc đẩy các nước chi tiền để mở rộng sản xuất.
Ảnh minh họa
Akira Minamikawa của công ty nghiên cứu Omdia của Anh cho biết 10 công ty đã đầu tư kỷ lục 146,1 tỷ USD trong năm 2022. Tuy nhiên, tình trạng dư cung xảy ra ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như chip 10 – 14 nanomet. Bốn công ty khác có tên trong danh sách là Samsung Electronics, UMC Electronics, Infineon Technologies và STMicroelectronics. Hàng tồn kho tính đến cuối tháng 6 tại các công ty đã tăng 10% trong năm lên 88,9 tỷ USD – cao hơn khoảng 70% so với năm 2020, trước khi tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Micron có kế hoạch cắt giảm 30% sản lượng và 40% vốn đầu tư vào năm 2024 do lo ngại về hàng tồn kho dư thừa. SK Hynix sẽ tiếp tục cắt giảm sản xuất trong năm nay thêm 5% đến 10% và giảm hơn một nửa khoản đầu tư trong năm.
Nguyên nhân khiến thị trường chip thế giới suy giảm
“Khi những khó khăn kinh tế vẫn tiếp diễn, nhu cầu điện tử yếu kém trên thị trường lan rộng từ người tiêu dùng sang doanh nghiệp tạo ra một môi trường đầu tư không chắc chắn. Ngoài ra, tình trạng dư cung chip đang làm gia tăng hàng tồn kho và giảm giá chip. Tất cả những điều trên làm đẩy nhanh sự suy giảm của thị trường bán dẫn trong năm nay” Richard Gordon, Phó Chủ tịch Thực hành tại Gartner cho biết.
Nền kinh tế trì trệ ở Trung Quốc là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Giám đốc điều hành Intel, Pat Gelsinger cho biết trong báo cáo thu nhập tháng 7 rằng “Thị trường Trung Quốc đã không trở lại mạnh mẽ như mọi người mong đợi”. Các nhà phân tích dự đoán khoản đầu tư của công ty sẽ giảm lần đầu tiên sau ba năm. Ngoài ra, giá cả của chất bán dẫn đang chậm lại. Chip nhớ, vốn từng có nhu cầu cao do đại dịch, đã rơi vào tình trạng dư cung kể từ mùa hè năm ngoái. Giá bộ nhớ DRAM và NAND đều giảm hơn 40% trong tháng 8. Soichiro Tateishi thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản cho biết: “Việc cắt giảm sản lượng của các công ty là chưa đủ, điều này có thể dẫn đến áp lực giảm giá. Sự phục hồi giá của chất bán dẫn do nhu cầu gia tăng sẽ không xảy ra cho đến năm sau”.
Bên cạnh đó, việc gấp rút xây dựng nhà máy trong những năm gần đây đã dẫn đến tình trạng thiếu kỹ sư tài năng. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ dự kiến tình trạng thiếu kỹ sư bán dẫn, kỹ thuật viên và nhà khoa học máy tính trong ngành sẽ lên tới 67.000 nhân công vào năm 2030. Thiếu hụt kỹ sư là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc bắt đầu hoạt động tại nhà máy TSMC đang được xây dựng ở Arizona từ cuối năm 2024 đến năm 2025. Công ty dự kiến vốn đầu tư sẽ giảm lần đầu tiên sau 5 năm vào 2023.
Nhu cầu bán dẫn tăng trong tương lai
Bất chấp những yếu tố này, quan điểm của thị trường rằng nhu cầu bán dẫn sẽ tiếp tục tăng trong trung và dài hạn vẫn không thay đổi. Theo McKinsey & Co, thị trường toàn cầu dự kiến sẽ đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, tăng khoảng 70% so với khoảng 600 tỷ USD năm 2021. Động lực cho việc tăng trưởng này là nhu cầu tăng vọt về chip sử dụng trong xe điện và trí tuệ nhân tạo. Theo Omdia, các ứng dụng ô tô hiện chỉ chiếm khoảng 10% nhu cầu bán dẫn của thế giới. Tuy nhiên, việc sử dụng chip điều khiển các chức năng của xe và chất bán dẫn điện sẽ tăng lên đáng kể cùng với sự phổ biến của xe điện. Thị trường bán dẫn ô tô dự kiến sẽ đạt 83 tỷ USD vào năm 2025, tăng 50% so với năm 2022.
Theo Statista, nhu cầu về chất bán dẫn sử dụng trong lĩnh vực AI dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2025 và gấp 13 lần vào năm 2030. Yuichi Koshiba thuộc Tập đoàn tư vấn Boston cho biết, nhiều công ty bán dẫn lớn đã cắt giảm đầu tư, nhưng hiện vẫn đang xây dựng nhà máy và chuẩn bị bắt đầu sản xuất hàng loạt vào thời điểm tốt nhất có thể.

Nguyễn Hà, nguồn: https://vneconomy.vn/techconnect//dau-tu-vao-chat-ban-dan-toan-cau-giam-lan-dau-tien-sau-4-nam.htm, ngày 28/8/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>