Thông tin hội viên

Cao su Tây Ninh: Giá bán mủ cao su ở mức cao, lãi tiếp tục tăng ấn tượng

22/07/2024

 Công ty CP Cao su Tây Ninh (HOSE: TRC) báo lãi ròng quý II năm 2024 đạt 12,8 tỷ đồng, tăng 144% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, lãi ròng đạt 28,1 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ.


Điểm nhấn quan trọng trong quý II đến từ giá vốn tăng rất ít, chỉ 11%; trong khi doanh thu tăng đến 31%, ghi nhận hơn 90 tỷ đồng. Lãi gộp qua đó gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 21,5 tỷ đồng, nhờ giá bán mủ cao su tăng cao. Bất chấp nguồn thu từ hoạt động tài chính không được như trước, giảm 22% còn 9,3 tỷ đồng; đồng thời các loại chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng; TRC vẫn lãi ròng 12,8 tỷ đồng, tăng 144%. Công ty thu gần 2,2 tỷ đồng từ lợi nhuận khác. Dù vậy, cả doanh thu và lợi nhuận còn đang ở mức thấp so với 2 quý liền trước.

Sau nửa năm, TRC ghi nhận 236 tỷ đồng doanh thu, tăng 35%. Lãi ròng hơn 28 tỷ đồng, tăng ấn tượng 262%. Kế hoạch tối thiểu năm 2024 là đạt 400 tỷ đồng tổng doanh thu và 70 tỷ đồng lãi sau thuế, đến nay Công ty thực hiện được lần lượt 63% và 40% Tổng tài sản cuối kỳ khoảng 2 ngàn tỷ đồng, không biến động so với cách đây 6 tháng. Tiền và các khoản tương đương tiền còn 73 tỷ đồng, giảm hơn 30 tỷ đồng. Công ty tăng mạnh khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn, từ 16 tỷ đồng lên 92 tỷ đồng, nhưng không được thuyết minh cụ thể. Các khoản nợ vay ngắn và dài hạn cũng đồng loạt giảm, tổng cộng khoảng 68 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

 

Kết quả này có lẽ không nằm ngoài dự đoán khi vào tháng 3, ông Trần Thanh Phụng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (HOSE: GVR) dự báo mức giá cao sẽ duy trì ít nhất đến tháng 5 hoặc 6 năm nay, là thời điểm mùa mủ mới dẫn đến nguồn cung tăng trở lại. Khi đó, GVR tiêu thụ cao su với giá bán bình quân 36,7 triệu đồng/tấn, cao hơn cùng kỳ 4,1 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá tốt nhưng bất thường, chịu tác động kép bởi đang trong mùa thấp điểm và giá dầu tăng cao quanh mức 85 – 86 USD/thùng. Mặt khác, do suy thoái kinh tế toàn cầu nên nhu cầu cao su không nhiều, trong khi nguồn cung giảm, do đó cán cân cung cầu tương đối cân bằng, thậm chí thiếu hụt chút đỉnh, qua đó duy trì mức giá tốt. “Mức giá bình quân năm 2024 vẫn sẽ cao hơn 2023 tầm 2 – 3 triệu đồng/tấn, tương ứng 34 – 35 triệu đồng/tấn”, ông dự báo.
Bên cạnh mục tiêu doanh thu và lợi nhuận, TRC lên kế hoạch khai thác 8,9 ngàn tấn, trong đó thu mua 600 tấn và tiêu thụ 9,5 ngàn tấn trong năm 2024. Tổng công suất chế biến mủ ước đạt trên 10,5 ngàn tấn. Tổng nhu cầu vốn đầu tư 332 tỷ đồng. Công ty dự kiến thanh lý vườn cây trồng mới tái canh với tổng diện tích 209 ha, ước tính mang về doanh thu trên 40 tỷ đồng. Trong tháng 5, TRC đã tổ chức đấu giá quyền khai thác mủ cao su tại nông trường cao su Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Đây là tài sản thuộc sở hữu của TRC, được nhượng quyền bán theo hình thức đấu giá công khai rộng rãi. Tổ chức đấu giá được chọn là Công ty Đấu giá Hợp danh Bắc Trung Nam. Công ty ra giá khởi điểm hơn 1,7 tỷ đồng và đặt cọc trước 172 triệu đồng. Đơn vị trúng đấu giá sẽ cạo hơn 34 ngàn cây trên tổng diện tích cạo khoảng 74 ha. Phần lớn trồng từ năm 2005. Thời gian khai thác đến cuối năm 2024.
Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) dự báo giá xuất khẩu ngành cao su Việt nam năm nay tăng khoảng 5,7% nhờ hưởng lợi từ kỳ vọng thiếu hụt nguồn cung cao su thế giới. Mặt khác, vẫn tồn tại rủi ro dư cung khi yếu tố thời tiết thuận lợi. Dự phóng giai đoạn 2024 – 2027, FPTS cho rằng nhu cầu cao su thiên nhiên tăng trưởng ở mức 2,1%/năm với giả định nhu cầu ngành săm lốp sẽ tăng trưởng ổn định. Trong khi đó, nguồn cung chỉ tăng 1,7%/năm do thiếu hụt lao động khai thác, diện tích đi vào khai thác tăng chậm khi diện tích trồng mới ở mức thấp. Do vậy, ngành cao su tự nhiên sẽ bước vào giai đoạn thiếu hụt và hỗ trợ cho xu hướng tăng mới của giá cao su tự nhiên trong dài hạn.

 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>