Thông tin hội viên

Cao su Bình Long: Cải tiến xe đẩy mulo bán tự động nhằm giảm sức lao động công nhân

17/06/2024

Với việc tìm ra giải pháp đáp ứng nhu cầu thực tế, giảm sức lao động cho công nhân trong vận hành, vận chuyển mủ, đề tài nghiên cứu chế tạo xe đẩy mulo bán tự động của nhóm thực hiện thuộc Xí nghiệp chế biến Quản Lợi, Cao su Bình Long được vinh danh tại giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17.
 


Xe đẩy mulo sau cải tiến đem lại hiệu quả cao
Bất cập từ thực tiễn
Ông Lâm Tuấn Anh – Giám đốc Xí nghiệp chế biến (XNCB) Quản Lợi, Cao su Bình Long cho biết, vừa qua, nhóm cán bộ tại đơn vị đã thành công trong việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo dụng cụ giúp tự động hóa quá trình sản xuất kinh doanh (SXKD), cụ thể giúp quá trình vận chuyển mủ thuận lợi hơn. Sản phẩm nghiệm thu đạt hiệu quả tốt, kinh phí thấp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn tại đơn vị. Theo đó, đề tài “Thiết kế và chế tạo xe đẩy mulo bán tự động” do 4 thành viên gồm ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) phụ trách điều hành Cao su Bình Long, ông Lâm Tuấn Anh – Giám đốc XNCB Quản Lợi, ông Lê Văn Thụy và ông Trần Nguyễn Anh Tuấn thực hiện. Đề tài nghiên cứu trong 10 tháng, kinh phí 60 triệu đồng. Theo ông Lâm Tuấn Anh, xuất phát từ thực tế rằng tại XNCB Quản Lợi, đơn vị từ xưa nay dùng xe đẩy mulo để vận chuyển mulo mủ sau đánh đông đến vị trí máy cưa lạng, làm ra thành phẩm mủ tờ RSS. Song, qua thời gian sản xuất, đơn vị đánh giá ở chỉ ở công đoạn vận chuyển mulo từ sân đánh đông đến máy cưa lạng phải cần đến hai công nhân thực hiện. Ngoài ra, để vận chuyển hơn 100 mulo trong một ca làm việc 8 giờ, hai công nhân này phải mất rất nhiều sức.
Từ thực trạng đó, nhóm đề tài đã nghiên cứu, quyết định tái thiết kế, cải tiến xe đẩy mulo, đặt ra tiêu chí là chú trọng tự động hóa. Ông Tuấn Anh cho biết, để thực hiện công tác cải tiến xe đẩy bán tự động như mục tiêu ban đầu đề ra, sau khi hội ý kỹ thuật, nhóm tiến hành phác họa các bản vẽ sơ bộ về kết cấu cơ khí của xe mulo. “Để thực hiện hoàn thiện một chiếc máy đưa vào hoạt động như vậy, đội ngũ kỹ thuật ngoài những kiến thức chuyên môn phải trao đổi thông tin, cập nhật kiến thức mới ở các mảng cơ khí truyền động” – ông Tuấn Anh cho biết.
“Trái ngọt” từ quá trình không ngừng nghiên cứu
Đại diện nhóm đề tài cho biết, quá trình nghiên cứu, cải tiến xe mulo tốn nhiều thời gian, công sức. Theo đó, các thành viên tìm tòi, ứng dụng các phép tính phức tạp như động lực học trục khủy – thanh truyền, từ đó tìm ra các chỉ số phù hợp mới đưa vào thiết kế. Một thành phần cấu tạo không thể thiếu của phiên bản xe đẩy mulo cải tiến là bộ truyền xích. Theo đại diện nhóm nghiên cứu, nhận thấy bộ truyền xích thường dùng chưa tối ưu, vì vậy, khi đem cấu tạo này vào xe đẩy, đơn vị nghiên cứu thay đổi, tính toán lại thông số hình học của bộ truyền xích nhằm phù hợp với đặc thù tính chất của xe đẩy mủ.
Một trong 4 thành viên nhóm đề tài chia sẻ, trong quá trình tìm hiểu quy trình vận hành và thao tác thực hiện của người công nhân, cán bộ kỹ thuật cùng công nhân vận hành trao đổi, nhằm thực hiện hiệu quả nghiên cứu. Trước hết, trong cấu tạo xe, nhóm sử dụng cơ cấu truyền động bằng hộp số, bánh nhông và tải xích, đi kèm bánh lái, nhằm thử nghiệm phương án tự động hóa khâu lật mulo đổ mủ ra thùng tiếp liệu cưa lạng. Giảm được sức lao động của người công nhân tại vị trí vận hành là vấn đề được đưa ra thảo luận. Sau khi áp dụng thử nghiệm xe đẩy mulo mới, nhóm nhận được sự đồng tình của tất cả các công nhân tại công đoạn vận chuyển về tính tối ưu hóa.
Bước đầu khi áp dụng thử nghiệm chúng tôi thực hiện các cơ cấu bán thủ công. Sau khi rút ra được ưu, khuyết điểm của đề tài, nhóm đề xuất lãnh đạo cho đầu tư cải tiến tự động hóa bằng motor một chiều và cơ cấu điều khiển xe đẩy tiến lùi, cũng như cơ cấu lật mulo hoàn toàn bằng động cơ. Kết quả sau cải tiến, với xe lật mulo thế hệ mới, công nhân không phải dùng nhiều sức trong vận hành, đồng thời tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đánh giá về xe lật mulo sau cải tiến, ông Lâm Tuấn Anh cho biết thiết bị mới có chi phí đầu tư thấp, song mang lại hiệu quả sử dụng cao, tăng tính chuyên nghiệp trong sản xuất tại các nhà máy sơ chế cao su thiên nhiên. Nếu như trước khi, với 250 kg mủ, xe mulo cần hai công nhân, thì nay chỉ cần một người đã đáp ứng được công việc.
Với những ưu việt trong thiết kế, nhóm gửi đề tài dự thi Ngày hội sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần 17. Kết quả, nghiên cứu cải tiến xe lật mulo đạt giải khuyến khích tại hội thi. Ông Tuấn Anh cho biết, việc tham dự hội thi sáng tạo là cơ hội để lực lượng cán bộ, công nhân có điều kiện đóng góp và hiện thực hóa các ý tưởng cải tiến quá trình sản xuất, hướng đến mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo môi trường, giảm giá thành… Ngoài ra, việc không ngừng nghiên cứu sáng tạo góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Thông qua tham dự cuộc thi, lực lượng cán bộ, công nhân ngày càng nâng cao về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp cận các kiến thức kinh nghiệm khoa học kỹ thuật mới, từ đó trưởng thành, bản lĩnh hơn trong công việc. Đối với sản phẩm mới, ông Tuấn Anh kỳ vọng công tác nghiên cứu, sáng tạo trong sản xuất tại đơn vị sẽ được quan tâm, chú trọng. Ông đánh giá, ý tưởng, sản phẩm đạt giải hôm nay là chưa hoàn hảo nhất, do đó ban kỹ thuật của xí nghiệp xác định phải luôn tiếp tục nghiên cứu, học tập cải tiến, tìm tòi sáng tạo những sản phẩm mới, đóng góp thiết thực cho hoạt động SXKD, giảm cường độ lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, môi trường.

Hoàng Khải, nguồn: http://tapchicaosu.vn/2024/06/13/cai-tien-xe-day-mulo-ban-tu-dong-nham-giam-suc-lao-dong-cong-nhan/, ngày 13/6/2024 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>