Tin tức

WB và HSBC nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam

20/12/2021

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế Việt Nam đang cải thiện và phục hồi mạnh mẽ, trong khi Ngân hàng HSBC có trụ sở tại London (Anh) dự báo kinh tế Việt Nam có thể lấy lại đà tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 6,8% vào năm 2022.


 

Dây chuyền hàn khung xe ô tô tại Công ty ô tô Toyota Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12/2021, WB nhận định tình hình kinh tế Việt Nam đang cải thiện và chính phủ cần hỗ trợ về chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy nhu cầu từ khu vực tư nhân cũng như giúp hồi phục kinh tế. Theo WB, với sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng 11, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã vượt mức ghi nhận cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 11, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đạt mức 52,2 – tương đương mức của tháng 10 và cao hơn ngưỡng trung tính 50, cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện. 
Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam xuất siêu 1,46 tỷ USD. WB nhận định xuất khẩu đạt kết quả vững chắc có thể là do các hoạt động chế biến, chế tạo phục hồi, nhất là ở các ngành hàng công nghệ cao. Theo WB, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ cũng kéo theo vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký tăng 71,2% trong tháng 11, sau khi giảm trong tháng 10, nhờ đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo phục hồi (tăng 40,2%). Ở khía cạnh tích cực, giá lương thực, thực phẩm vẫn theo xu hướng giảm và giảm 0,2% so với tháng trước đó nhờ chuỗi cung ứng được duy trì ổn định. Về chính sách tài khóa, WB cho rằng trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ thúc đẩy nhu cầu từ khu vực tư nhân để giúp khôi phục kinh tế trong nước và đóng góp cho tăng trưởng. Hướng đi cần thiết để phục vụ mục tiêu này là hỗ trợ tài chính cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, ngân hàng HSBC dự báo kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% vào năm 2022. TGĐ HSBC Việt Nam Tim Evans cho rằng động lực tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất. Ông khẳng định: “Điều này sẽ thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam ký trong vòng hai năm qua bắt đầu mang lại trái ngọt”. Lĩnh vực tiêu dùng của Việt Nam sẽ chứng kiến sự thay đổi tích cực khi người Việt Nam ngày càng chi tiêu mạnh tay hơn cho giải trí và du lịch. Cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục tiếp thêm động lực cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tái tạo, năng lượng xanh sau khi Chính phủ Việt Nam đưa ra những tham vọng lớn sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Anh) vừa qua.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>