Tin tức

Việt Nam đứng trước cơ hội đón dòng tài chính xanh

01/08/2022

Thực hiện cam các kết quốc tế tại COP26, Việt Nam đang thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đón nhận dòng tài chính xanh.


Cơ hội thu hút vốn đầu tư xanh tại Việt Nam

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ năm 2050. Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, cam kết mạnh mẽ này của Chính phủ sẽ mở ra cơ hội “khổng lồ” cho đầu tư xanh và thúc đẩy thị trường tài chính xanh của Việt Nam phát triển. Vì muốn có được năng lượng sạch thì rất cần phải có nguồn tài chính xanh lớn để đầu tư. Ngày càng nhiều ngân hàng tại Việt Nam quan tâm tới tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Theo ông Hòe, hiện tổng dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam mới chiếm 4% – 5% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế song tốc độ tăng trưởng lên tới gần 30%.
Trước đó, ông Alock Shamma, Chủ tịch COP26 cùng các đối tác cam kết đầu tư 130 tỷ USD đến 2030 cho Việt Nam qua Quỹ khí hậu sạch (WB), ADB, Quỹ liên minh năng lượng toàn cầu. Báo cáo mà Climate Bonds Initiative và ngân hàng HSBC công bố hồi tháng 6/2022 cũng cho thấy, tại Việt Nam, tổng giá trị thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt ba năm liền.
Phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh ở Việt Nam trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore. Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và Bộ Tài chính cũng đã có bước đi tích cực trong tiến trình từng bước xanh hóa hệ thống ngân hàng, xanh hóa thị trường vốn. Bằng việc ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh (QĐ 1604/QĐ-NHNN), chỉ thị 03/CT của Thống đốc NHNN về tín dụng xanh, thống kê danh mục cho vay xanh của các tổ chức tín dụng (TCTD), Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng đã có thử nghiệm mô hình stress test để đưa ra kịch bản đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên danh mục cho vay của một số ngân hàng thương mại lớn…
Ngân hàng công là chủ lực phát triển tài chính xanh
Tuy cơ hội mở ra là rất lớn, song tài chính xanh ở Việt Nam vẫn còn gặp khá nhiều thách thức. Đặc biệt là đầu tư công cho hạ tầng chống biến đổi khí hậu còn hạn chế, ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị năng lượng tái tạo còn bất cập, Quỹ tài chính ngoài ngân sách đầu tư cho bảo vệ môi trường còn ít; chính sách hỗ trợ với doanh nghiệp bền vững còn thiếu; thói quen tiêu dùng xanh chưa cao… Trong bối cảnh này, theo ông Hòe, các ngân hàng thương mại đầu tư tín dụng xanh sẽ đón nhận nhiều cơ họi kinh danh mới, đa dạng hóa lựa chọn tài trợ, được xếp hạng và định giá cao hơn, cải thiện uy tín và thương hiệu… song cũng chịu các thách thức về nợ xấu, rủi ro thay đổi giá tài sản…
Chính vì vậy, để thúc đẩy tín dụng xanh, chuyên gia này cho rằng, Chính phủ nhanh chóng ban hành Danh mục phân loại xanh để có cơ sở định hướng, quản lý, khuyến khích, phát triển, báo cáo, thống kê Tài chính xanh cho năng lượng xanh, tái tạo. Bên cạnh đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính chỉ đạo các ngân hàng xây dựng Chương trình Tín dụng xanh, Trái phiếu xanh cho năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Các cơ quan Chính phủ hỗ trợ và hướng dẫn khu vực tư nhân tiếp cận, huy động, sử dụng nguồn tài chính xanh quốc tế, kể cả nguồn ưu đãi quốc tế. Các chính sách nhất quán và ổn định hỗ trợ phát triển năng lượng xanh sạch, bền vững. Trong công tác đấu thầu, mua sắm chi tiêu công xanh cũng cần được lồng ghép vào chính sách và thực thi ở các bộ ngành và địa phương.
Ngoài ra, NGHH và Bộ Tài chính cần sử dụng tốt các công cụ của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để thu hút dòng tài chính xanh cho tăng trưởng xanh: Thuế, phí, lãi suất, giá FiT (Giá FiT – Feed-in Tariffs hay Biểu giá điện hỗ trợ là công cụ chính sách được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, là giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp hoặc bán cho lưới điện), dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn, tái chiết khấu; dành ưu tiên về hạn mức vay nợ nước ngoài dành cho khu vực tư nhân để gia tăng nguồn vốn xanh từ nước ngoài đầu tư cho chuyển dịch năng lượng xanh…“Cần chỉ đạo yêu cầu các tập đoàn, doanh nghiệp, ngân hàng nhà nước và khuyến khích các tập đoàn, ngân hàng tư nhân cam kết chuyển đổi danh mục đầu tư/cho vay để đạt Net Zero vào năm 2050”, ông Hòe kiến nghị.
Trong khi đó, chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế, Giáo sư Ulrich Volz và Thomas Marois, Đại học Luân Đôn khuyến nghị, Việt Nam cần phát huy vai trò của ngân hàng phát triển công xanh trong việc huy động vốn tư nhân vào đầu tư xanh, phát triển bền vững. Hiện trên thế giới có hơn 900 ngân hàng công với tổng tài sản hơn 49.000 tỷ USD đang tiên phong về chuyển dịch xanh và công bằng chính sách. Đặc điểm của ngân hàng công này là thiết lập một số nền tảng xanh, coi trọng yếu tố môi trường và tính bền vững. Ông Luca De Lorenzo, Trưởng bộ phần Bền vững và trách nhiệm Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu (NIB) cho rằng: “Chúng ta không còn nhiều thời gian và thực sự cần tăng cường nỗ lực để giảm thiểu phát thải các-bon trong lĩnh vực năng lượng. Vì vậy quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: không tài trợ cho bất kỳ hoạt động sản xuất năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch nào”.
Mặc dù tài chính tư nhân đóng góp lớn cho quá trình phát triển kinh tế mỗi quốc gia song theo Giáo sư Ulrich Volz và Thomas Marois, tài chính tư nhân hoạt động độc lập có nhiều hạn chế như: thiếu nguồn vốn trung dài hạn, thiếu các khoản vay chi phí hợp lý dành cho các công ty đổi mới sáng tạo nhỏ mới thành lập; không sẵn sàng cung cấp tài chính cho các hoạt động mà lợi nhuận chưa chắc chắn… Do đó, ngân hàng công có thể tận dụng nguồn vốn tư nhân thông qua các đợt phát hành trái phiếu để tăng cường nguồn lực trong nước, giúp hiện thực hóa các mục tiêu về khí hậu, đồng thời tạo ra kết quả kinh tế, xã hội cũng như thúc đẩy các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và mục tiêu phát triển bên vững. Nói cách khác, các ngân hàng phát triển công với nhiệm vụ chính sách tập trung có thể hỗ trợ Việt Nam đạt dược quá trình chuyển dịch công bằng sang nền kinh tế phát thải các-bon thấp, chống chịu với biến đổi khí hậu.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>