Tin tức

“Vàng trắng” vẫn chảy

05/01/2016

 CSVN – Khi nói về cây cao su, người ta thường liên tưởng đến “dòng vàng trắng”. Từ rất nhiều năm qua, dù vẫn có những lúc thăng lúc trầm, thế nhưng “dòng vàng trắng” luôn góp phần công sức lớn để mang lại cuộc sống cho vô số các hộ gia đình…


 Nghề không phụ người

Dịp cuối năm, khi những cơn gió se lạnh bắt đầu tràn về cũng là lúc chúng tôi rong ruổi trên những con đường quê rợp bóng cây cao su để đến với bà con cao su tiểu điền và người công nhân (CN) tại các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum… Vào mùa này, cây cao su bắt đầu thời kỳ rụng lá nên những cánh rừng su trông có vẻ bớt xanh hơn.
Nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm là gia đình anh Nguyễn Văn Phong thuộc Nông trường (NT) Bình Sơn, Long Thành (tỉnh Đồng Nai) vốn có hơn chục năm “thâm niên” làm nghề cạo mủ. Lúc này anh Phong và người em trai đang trút những thùng mủ sau cùng chuẩn bị mang lại điểm tập kết.
Anh Phong vừa lấy tay quệt mồ hôi trán, vừa vui vẻ nói: “Nghề cạo mủ cao su thật ra cũng vất vả lắm. Nhớ thời điểm năm 2011, giá mủ cao su còn cao thì dịp Tết đến CN cạo mủ tụi này được thưởng Tết khoảng 30 – 40 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi tháng vượt sản lượng còn được thưởng thêm tiền. Lương hai anh em bình quân gần 20 triệu đồng/tháng. Nhưng gần đây giá mủ xuống thấp quá, ảnh hưởng đến đồng lương. Thu nhập của 2 anh em chỉ còn phân nửa. Nói chung là đủ ăn, cận Tết cũng không phải đi vay mượn ai cũng là tốt lắm rồi!”.
Riêng đối với những phụ nữ làm thợ cạo mủ cao su, bên cạnh công việc nhọc nhằn còn có gánh nặng gia đình, con cái, cơm nước. Quanh năm suốt tháng như thế, đời sống của họ hầu như luôn gắn liền với lô cao su. Họ bắt đầu làm từ tháng 4 năm trước đến tháng giêng năm sau. Chỉ đến khi cao su rụng lá như lúc này thì họ mới được nghỉ ngơi. Tuy nói là nghỉ ngơi nhưng đây cũng là thời gian phải tập trung chăm sóc, làm vệ sinh và “dưỡng” cây.
Nói về chuyện nghề, chị Nguyễn Thanh Hiếu, CN cũng ở NT Bình Sơn tâm sự: “Mình yêu thích công việc này lắm nên dù có khó khăn, vất vả đến mấy cũng cố vượt qua. Hơn nữa cây cao su đã gắn bó với gia đình mình từ nhiều đời nay và đã giúp mình thay đổi cuộc sống. Chỉ có người phụ nghề, chứ nghề chẳng bao giờ biết phụ người đâu”.
Tại tỉnh Bình Phước, chúng tôi tìm đến NT Nha Bích ở huyện Chơn Thành. Anh Lâm Minh Trí – CN tại đây cho biết, hiện CN nhà máy nhận lương theo sản lượng, dao động trong khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, trong khi năm 2012 trở về trước, cả tiền lương và thưởng họ nhận được bình quân trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Thắng – CN một nhà máy cao su tại huyện Bù Gia Mập – cho biết: “Năm nay giá cao su rớt thê thảm, cộng với việc cây bị bệnh nên năng suất mủ kém, sản lượng thấp dẫn đến lương thấp, có tháng chỉ kiếm được 1,5 đến 2 triệu đồng là tối đa!”.
Tăng cường hỗ trợ công nhân giữ vững thu nhập
Nói về vấn đề này, lãnh đạo một nông trường ở Đồng Nai cho biết, thời gian gần đây mức thu nhập giảm nhiều khiến nhiều CN dao động. Những người gắn bó với nghề nhiều năm rồi thì họ vẫn cố gắng vượt qua. Còn một số người khác, do thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên họ tính chuyện nghỉ việc để xin vào làm ở các nhà máy, xí nghiệp khác, nhất là các bạn trẻ tuổi.
Ðể hỗ trợ cho CN thời buổi khó khăn, Công đoàn NT đã tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần, phát động phong trào thi đua vượt sản lượng để tăng thu nhập cho mọi người.
Trong khi đó, dù chỉ là chủ nông trại cao su tổng diện tích chừng 20 ha tại huyện Bù Gia Mập, với vài chục CN nhưng ông Nguyễn Hữu Năm vẫn tuyên bố không giảm lương.
Ông Năm cho biết, cuộc sống CN đã rất khổ cực, nếu giảm lương họ sẽ không thể bám trụ với nghề. Để giải bài toán này, một mặt ông Năm chấp nhận giảm lợi nhuận, mặt khác đẩy mạnh chăm sóc để có sản lượng cao su tốt nhất, qua đó đảm bảo đời sống ổn định cho CN.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn – nguyên Bí thư Đảng ủy Công ty CP Cao su Đồng Phú – khi đứng trước tình trạng giá cao su giảm, CN liên tục làm đơn xin nghỉ việc gần đây, đã nhắn nhủ thế này: “Người làm cao su chúng ta đã được hưởng lợi từ cao su trước đây thì nay có khó khăn cũng đừng nên quay lưng lại mà hãy gắn bó hơn nữa, chung tay góp sức hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Cây cao su vốn là cây công nghiệp dài ngày, tôi tin rằng chẳng bao lâu nữa giá cao su cũng sẽ chuyển hướng tăng trở lại. Tương lai chúng ta vẫn đang ở phía trước”.
…Mùa Xuân đang về, sắc Xuân như càng lóng lánh hơn trên những vườn cây cao su dưới ánh nắng sớm. Những vườn cây cao su này đã và đang tạo nên những mùa Xuân ấm áp cho người ươm trồng, vun xới, người khai thác mủ…
“Dòng vàng trắng” từ cây cao su, dù trong thời điểm thế nào chăng nữa – vẫn tạo nên “dòng chảy cuộc đời” khá tốt đẹp cho những người quyết lòng, thật tâm sống cùng với chúng!
Nguyễn Sinh, nguồn: http://tapchicaosu.vn/phong-su/vang-trang-van-chay.html, ngày 04/01/2016 (Thanh Danh trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>