Tin tức

Ưu tiên chuyển đổi số cho "trụ đỡ" của nền kinh tế trong thời kỳ mới

20/09/2021

Hơn 1.300 đại biểu Việt Nam và quốc tế từ hơn 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia "Diễn đàn Quốc tế Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021" là một tín hiệu rất tích cực cho thấy, nông nghiệp và quá trình chuyển đổi tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội...


Chiều 16/9/2021, Diễn đàn Quốc tế Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021: “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19” đã diễn ra phiên toàn thể. Đây là lần đầu tiên một diễn đàn Nông nghiệp với quy mô lớn tại Việt Nam áp dụng công nghệ thực tế ảo.  

Diễn đàn chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021 áp dụng công nghệ thực tế ảo
Chủ động ứng dụng các giải pháp số
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cho biết Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo… Để hiện thực hóa khát vọng phát triển của đất nước, thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam đến 2030 là nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao, Việt Nam phải chuyển đổi số thành công.
Nhằm chuẩn bị cho sự bứt phá của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hậu COVID-19, với tinh thần “ngoại giao phục vụ phát triển”, “lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ”, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp cận, tham gia các xu thế lớn của thế giới, nắm bắt thời cơ phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và chuyển đổi số.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Minh Hoan, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được xem như kỳ tích khi trở thành “trụ đỡ” mỗi khi kinh tế đất nước lâm vào khó khăn, trước bối cảnh khó lường của thế giới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thẳng thắng nhìn nhận năng suất, sản lượng nông nghiệp Việt Nam đã dần chạm ngưỡng do giới hạn về trình độ khoa học kỹ thuật, sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, dịch bệnh bất thường… Diện tích đất sản xuất nông nghiệp càng ngày càng thu hẹp. Việc phân bổ, cân đối hài hòa tương quan nguồn lực phát triển giữa ngành nông nghiệp với các ngành, khu vực khác cần lời giải thỏa đáng. Sản xuất nông nghiệp không còn chạy theo sản lượng như trước, mà phải chú trọng chất lượng.
Hiện nay, những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 khiến tỷ trọng khai thác và xuất khẩu nông sản của Việt Nam rơi vào khó khăn, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề khi hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều doanh nghiệp bị ngừng trệ, các nhà máy. Những năm qua, ngành nông nghiệp và nhiều địa phương đã quan tâm, chủ động ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất nông nghiệp và quản trị nông thôn. “Công nghệ nói chung, công nghệ số nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp thời kỳ mới, gắn liền với việc mở rộng thị trường và sản xuất, mở rộng nguồn khách hàng và mạng lưới đối tác, tạo hệ sinh thái công nghệ nông nghiệp đa dạng, thúc đẩy, thử nghiệm các mô hình mới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Khó khăn lớn nhất là chuyển đổi tư duy
Tại 2 phiên hội thảo chuyên đề: “Hoàn thiện hệ sinh thái cho chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam”; và "Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu số hóa Nông nghiệp Việt Nam" nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, đại diện chính quyền nhiều địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Nhân, đại diện Tập đoàn Tôm Việt Úc cho biết, chuyển đổi số là mục tiêu chiến lược của Tập đoàn. Không ít người cho rằng, khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là cần vốn lớn gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống.  Tuy nhiên, đối với Tôm Việt Úc, khó khăn không phải là nguồn vốn mà là tư duy, vì Tập đoàn không đầu tư một lần mà đầu tư dài hạn. "Chuyển đổi số cần phải bám theo chuỗi liên kết từ sản xuất tôm giống, sản xuất thức ăn cho tôm, nuôi tôm thịt, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ. Chúng tôi thu thập các thông tin trong sản xuất hàng ngày để xây dựng phác đồ dinh dưỡng cho ấu trùng con tôm giống. Nhờ số hóa, ngay lập tức giám sát được toàn bộ quá trình vận hành, xác định ấu trùng tôm trong ngày hôm đó cần lượng thức ăn là bao nhiêu? Có con ấu trùng nào bỏ ăn hay không?”, ông Nhân chia sẻ.
Theo ông Nhân, hiện trong đại dịch COVID-19, người nông dân nuôi tôm không được đi ra đường, nhưng họ vẫn giữ liên lạc tốt với công ty, để nhận tư vấn kịp thời trong hoạt động sản xuất bằng hệ thống số hóa. “Tôm Việt Úc tư duy chuyển đổi số đem lại lợi ích gì cho khách hàng, người tiêu dùng cuối cùng. Từ đó, thúc đẩy chính khách hàng và người dùng cũng chuyển đổi số để người tiêu dùng khi ăn một con tôm, họ sẽ được biết con tôm đó được nuôi trong ao nào, thời gian từ ngày nào đến ngày, có dịch bệnh gì không”, ông Nhân nói về hiệu quả của chuyển đối số.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông tỉnh Lạng Sơn cho biết Lạng Sơn phát triển chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn trong điều kiện tỉnh miền núi, cả doanh nghiệp, chính quyền và nông dân đều thiếu tiền để đầu tư. Vì vậy, tỉnh Lạng Sơn giúp nông dân phát triển các cửa hàng số trên các sàn thương mại điện tử. Lý do chọn hộ nông dân vì đó là đơn vị nhỏ nhất trong sản xuất nông nghiệp. Nếu như thời điểm tháng 5/2021 số cửa hàng số của nông dân Lạng Sơn là 1.000 thì đến tháng giữa tháng 9/2021 đã tăng lên tới 30.000 cửa hàng số. "Cửa hàng số là một khâu quan trọng trong hệ sinh thái số. Chúng tôi phát triển các cửa hàng theo nhóm. Mỗi nhóm bắt đầu từ trưởng thôn bản. Những người này được xây dựng cửa hàng số trước, sau đó hướng dẫn cho dân trong thôn bản đó xây dựng những cửa hàng của từng hộ gia đình”, ông Lịch chia sẻ kinh nghiệm.
Nói về chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay, ông Lịch nêu ra 2 khó khăn lớn. Thứ nhất là thay đổi hành vi, bởi trước đây, hàng ngày họ hái rau, đem ra chợ làng để bán. Nay họ giới thiệu sản phẩm của mình làm ra trên cửa hàng số, rồi nhận đặt hàng, tự thu hoạch, đóng gói sản phẩm rồi gửi hàng đi, tiền thì nhận trên tài khoản số. Thứ hai là nhận thức chuyển đổi số của cả hệ thống chính trị. Xác định được 2 khó khăn này, tỉnh Lạng Sơn đã có cách làm của riêng mình, đó là chọn người quyết định là người đứng đầu các cấp, từ Bí thư và Chủ tịch tỉnh, đến lãnh đạo chủ chốt huyện, xã rồi Trưởng thôn bản...Nhờ đó, chuyển đổi số của tỉnh thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>