Tin tức

Tính “đường dài” cho ngành cao su Đồng Nai

28/09/2020

Đối mặt với tình trạng giảm sút lao động, nhất là lao động trực tiếp trong khai thác, sơ chế mủ cao su, những năm vừa qua Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (Tổng công ty Cao su Đồng Nai) đã phải thực hiện nhiều giải pháp từ tuyển dụng bổ sung, sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc đến áp dụng máy móc vào khai thác...


Bên cạnh đó, ngành cao su đang trong lộ trình chuyển hướng phát triển, tập trung vào những lĩnh vực có thế mạnh, đã được cho phép thực hiện như dịch vụ hỗ trợ cho sản xuất, chế biến; hạ tầng khu công nghiệp, đô thị… nhằm tạo sức hút, giữ vị thế của đơn vị.


Công nhân chế biến mủ tại Nhà máy Xuân Lập
Khan hiếm lao động cạo mủ
Theo lãnh đạo Tổng công ty Cao su Đồng Nai, những năm qua, lực lượng lao động trong ngành ngày càng giảm sút. Một mặt, do diện tích, cơ cấu vườn cây khai thác thu hẹp, mặt khác là do sự phát triển nhanh chóng của các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nên sự cạnh tranh thu hút lao động tăng lên, nhất là đối với lực lượng công nhân làm công tác cạo mủ.Lao động của toàn tổng công ty bình quân hàng năm là 5.400 người, riêng đối với lao động khai thác mủ đến hết năm 2019 còn hơn 2,6 ngàn người, giảm hơn 1 ngàn người so với thời kỳ đông nhất. Năm 2020, theo kế hoạch kinh doanh, số lượng lao động cạo mủ cao su cần gần 2,8 ngàn người. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động cạo mủ cao su tiếp tục diễn ra. Hiện Tổng công ty đang phải tìm kiếm nguồn lao động cạo mủ cao su từ các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh và các tỉnh, thành khác để bù đắp vào số lượng lao động thiếu hụt. Riêng năm 2020 đã tuyển dụng bổ sung 250 lao động vào lực lượng thiếu hụt.
Theo lãnh đạo Tổng công ty, dự báo tình hình lao động của ngành sẽ còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có cạnh tranh thu hút lao động với các doanh nghiệp, nhà máy trong các khu công nghiệp.Để đối phó tình trạng thiếu lao động diễn ra ngày càng trầm trọng, ngoài việc tăng cường tuyển dụng lao động thuộc địa bàn các tỉnh vùng sâu, vùng xa thì Tổng công ty cao su Đồng Nai đang tiến hành thí điểm và nhân rộng mô hình cạo mủ cao su bằng máy. Hiện Tổng công ty đã kiến nghị với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho phép triển khai thí điểm mô hình cạo mủ cao su bằng máy trên những lô cao su nhỏ trong vườn cao su của doanh nghiệp.
Mở rộng phát triển đa ngành
Song song với tuyển dụng bổ sung, Tổng công ty Cao su Đồng Nai tiến hành cân đối lại nguồn lực lao động, sắp xếp lại các đơn vị, tổ chức, sáp nhập các công ty con, nông trường, đơn vị trực thuộc để nâng cao hiệu quả sản xuất. Thực hiện bộ máy quản lý 3 cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phấn đấu giảm lao động từ khối gián tiếp từ 14,5% xuống còn dưới 9% để sắp xếp, điều chuyển lượng lao động một cách phù hợp.
Dự báo những năm tới, diện tích khai thác cao su của đơn vị chắc chắn sẽ có sự sụt giảm mạnh. Do đó, thời gian qua Cao su Đồng Nai đang phấn đấu hướng tới đơn vị sản xuất đa ngành nghề. Theo đó, trong 5 ngành nghề chính sẽ giảm tỉ trọng đóng góp của khai thác, sơ chế mủ cao su chỉ còn khoảng 40 đến 50% tổng giá trị, cùng với đó là nâng dần tỷ lệ đóng góp của các lĩnh vực như: chế biến gỗ, dịch vụ bất động sản khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, hướng phát triển được chú trọng trong thời gian tới là dịch vụ hạ tầng khu công nghiệp. Từ năm 2020, Tổng công ty sẽ triển khai mở rộng 500 ha đối với Khu công nghiệp Long Khánh (TP. Long Khánh) và 70 ha đối với khu công nghiệp Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Dự kiến đến năm 2025, Cao su Đồng Nai sẽ chuyển đổi 2 ngàn ha đất cao su sang đầu tư khu công nghiệp, một lĩnh vực có doanh thu, lợi nhuận tốt.
Phan Anh, nguồn: https://www.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=171612&CatId=112, ngày 20/9/2020 (HA trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>