Tin tức >> Tin cao su trong nước

Xây dựng mô hình trồng sả xen canh với cây cao su tại tỉnh Quảng Bình

15/11/2021

Trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2019, nhóm nghiên cứu tại Công ty CP Lệ Ninh do Kỹ sư Nguyễn Ngọc Sơn dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Xây dựng mô hình trồng sả xen canh với cây cao su, chưng cất thu tinh dầu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải sau chưng cất tại vùng miền núi tỉnh Quảng Bình”.


Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu: Chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật xây dựng thành công các mô hình trồng cây sả xen canh với cây cao su, sử dụng nguồn nguyên liệu từ cây sả để sản xuất tinh dầu sả; sản xuất đệm lót sinh học và phân bón hữu cơ vi sinh (HCVS) từ bã thải sau chưng cất tinh dầu tại Công ty CP Lệ Ninh góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn miền núi 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Một số kết quả nổi bật của đề tài trong triển khai thành công các quy trình chuyển giao công nghệ và các sản phẩm mô hình:
- Các quy trình công nghệ chuyển giao bao gồm: Quy trình trồng cây sả xen canh với cây cao su kiến thiết cơ bản (KTCB), Quy trình chưng cất tinh dầu sả, Quy trình sản xuất và sử dụng đệm lót sinh học từ bã thải sả trong các trang trại chăn nuôi tập trung và Quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải sả và hỗn hợp phân thải chăn nuôi – đệm lót.
- Sản phẩm mô hình gồm có: Mô hình trồng cây sả xen canh với cây cao su giai đoạn KTCB, Mô hình chưng cất tinh dầu sả, Mô hình sản xuất đệm lót sinh học từ bã thải sả sau chưng cất tinh dầu, Mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải sả và phân thải chăn nuôi – đệm lót, Mô hình máy móc thiết bị chưng cất tinh dầu sả, sản xuất đệm lót, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.
Công nghệ sản xuất đệm lót sinh học từ bã thải sả và sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi sẽ được duy trì, ứng dụng rộng rãi và phổ biến trong các trang trại chăn nuôi đặc biệt là các trang trại chăn nuôi công nghiệp trên địa bàn tỉnh giúp cải thiện môi trường, vật nuôi sinh trưởng phát triển nhanh, ít bị bệnh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Sau khi dự án được triển khai Công ty CP Lệ Ninh đã được tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật: Hệ thống thiết bị, nhà xưởng chưng cất tinh dầu và sản xuất đệm lót sinh học nhằm tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ vào trong đời sống, sản xuất. Sau khi kết thúc dự án, Công ty CP Lệ Ninh sẽ duy trì sản xuất với sản lượng tinh dầu sản xuất hàng năm đạt 10 tấn, 200 tấn đệm lót sinh học và 1.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh cho doanh thu hàng năm đạt trên 9 tỷ đồng và lợi nhuận đạt được gần 3 tỷ đồng.
Hiệu quả của mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ vi sinh trên cây sả và cây cao su giúp thay đổi nhận thức của người nông dân về xu hướng sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc sinh học, thay thế phân bón vô cơ góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững. Ngoài ra còn giúp người nông dân đẩy lùi được tình trạng sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang diễn ra phổ biến tại địa phương. Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16746/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>