Tin tức >> Tin cao su trong nước

VRG bắt nhịp với đối tác Nhật Bản

08/01/2016

 CSVN – Với mục tiêu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, kêu gọi các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) và các dự án mới của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) trong tương lai, VRG đã có những động thái tích cực trong việc tìm hướng đi mới, hướng đến khách hàng tiềm năng trong năm 2015 vừa qua. Một trong những đối tác mới của VRG là Nhật Bản.


 Công ty CP Xuất khẩu VRG – Nhật Bản: Đã ký hợp đồng 7.000 tấn cao su thiên nhiên (cao su) năm 2016

Sự kiện thành lập Công ty CP Xuất khẩu VRG – Nhật Bản đánh dấu khởi nguồn hợp tác dài lâu giữa VRG và các đối tác Nhật Bản. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá: “Những nỗ lực trong việc tìm kiếm thị trường của VRG đã đi đúng hướng và tạo điều kiện cho mục tiêu nâng cao giá trị xuất khẩu các sản phẩm cao su của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, Công ty Xuất khẩu VRG – Nhật Bản sẽ có những chiến lược khả thi hướng tới việc ổn định thị trường, xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững thông qua các hoạt động đầu tư nghiên cứu để có những công nghệ, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giữ vững thị phần sản phẩm cao su Việt Nam trên trường quốc tế”.
Năm 2015, công ty đã xuất khẩu trực tiếp 2.200 tấn cao su sang các nhà sản xuất lớn như Sumitomo, Yokohama, Bridgestone và thị trường Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Với thị trường Nhật Bản, châu Âu, các mặt hàng luôn hướng đến sự bền vững, thân thiện với sức khỏe con người và môi trường nên yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng rất khắt khe. Nhờ đó, các nhà máy ở Việt Nam đã dần thay đổi quan điểm và có những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Võ Văn Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất khẩu VRG – Nhật Bản – cho biết: “Để sản phẩm cao su Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, vươn ra biển lớn ở các thị trường Nhật Bản, Châu Âu thì các sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Về phía bạn hàng, các nhà sản xuất sản phẩm mỗi tháng sẽ cử chuyên gia qua rà soát, xem xét các khâu sản xuất một lần. Từ đó đưa ra những đóng góp cho nhà máy điều chỉnh. Điều này rất có lợi cho các đơn vị. Năm 2015, công ty hoạt động rất tích cực, sau khi rà soát, các chuyên gia của Sumitomo đánh giá nhà máy của 5 đơn vị gồm Dầu Tiếng, Đồng Nai, Phước Hòa, Bình Long, Mang Yang đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và đã thực hiện giao dịch. Năm 2016, công ty đã ký được hợp đồng 7.000 tấn, sắp tới công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh sang thị trường Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, đây là hai thị trường rất tiềm năng”.
Mời gọi các DN Nhật đầu tư vào các KCN của VRG
Hiện VRG có 13 KCN ở khắp cả nước ở Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Chí Linh (Hải Dương)… với tổng diện tích 8.000 ha. Hiện KCN Nam Tân Uyên đã được lấp đầy 100%, các KCN khác còn 70 – 80% vẫn đang chờ các DN đầu tư vào. Trong chiến lược kinh doanh của các KCN thuộc VRG, VRG mong muốn và chào đón các DN, Tập đoàn đến từ Nhật Bản đầu tư hợp tác lâu dài vào các KCN của VRG.
Ông Võ Sỹ Lực – Chủ tịch HĐTV VRG – cho biết, trụ sở VRG hiện nay tại Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã được cấp phép xây dựng văn phòng cao ốc, diện tích khoảng 4.000 m2, chiều cao 50 m, với 2 tầng hầm… VRG mong muốn tập đoàn Sojitz hợp tác đầu tư. Sojitz là Tập đoàn thương mại đầu tư hàng đầu Nhật Bản, với mạng lưới 98 chi nhánh và gần 500 công ty con trên khắp thế giới, là một trong những công ty Nhật đầu tiên đầu tư vào Việt Nam. Ông Lực nhấn mạnh, trong thời gian tới, VRG sẽ lên các chương trình, kế hoạch như làm Catalogue, Brochure… về 13 KCN bằng tiếng Nhật để qua Nhật giới thiệu, quảng bá VRG cho các đối tác Nhật.
Minh Nhiên – Minh Tâm, nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/thi-truong-cao-su/thi-truong-the-gioi/vrg-bat-nhip-voi-doi-tac-nhat-ban.html, ngày 06/01/2016 (Thanh Danh trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>