Tin tức >> Tin cao su trong nước

“Vàng trắng” đang khát lao động

06/06/2022

Dù đưa ra mức thu nhập và chế độ đãi ngộ tốt, nhưng các công ty cao su ngày càng khó tuyển dụng được lao động.


Thực trạng thiếu công nhân cao su

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận cho biết, giá cao su hiện đang rất tốt, điều này đã giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu lao động cho việc khai thác mủ cao su. ới cao su, cạo mủ ở chế độ D3 (3 ngày cạo một lần) là hiệu quả nhất về năng suất, nhưng do thiếu người nên công ty phải chuyển chế độ cạo sang D4, thậm chí D5.
Theo ông Nguyễn Minh Đoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cao su Bà Rịa, từ năm 2017 đến nay, số lượng công nhân khai thác trực tiếp ở vườn cây luôn thiếu hụt, ước tính mỗi năm thiếu từ 200 – 300 người. Công ty phải tiến hành chế độ cạo mủ D4 do thiếu người. Ngoài ra, các vườn cây đến tuổi khai thác sẽ được đấu thầu và khoán bên ngoài để bù đắp thiếu hụt lao động. “Thu nhập hiện nay của mỗi công nhân cao su trên 10 triệu đồng, cũng như được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định, nhưng chúng tôi thể tuyển đủ người. Nguyên nhân là do nhân lực cao su đang bị cạnh tranh với các nhà máy tại các khu công nghiệp trong khu vực. Giới trẻ thích làm trong các nhà máy sạch sẽ, hiện đại hơn là làm nông nghiệp vất vả dù thu nhập tương đương nhau” – ông Đoan nói.
Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đang quản lý diện tích 34.000 ha vườn cây cao su, đây là doanh nghiệp lớn nhất trong Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cũng đang chịu nhiều sức ép về việc thiếu lao động. Theo ông Nguyễn Thế Hựu, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, gần như rất khó tuyển lao động tại chỗ vì họ bị sức hút vào làm việc tại các khu công nghiệp. Thậm chí công ty từng mở rộng tuyển dụng người lao động tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, tuy nhiên hướng đi này cũng không thành công.
Do đó, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã quyết định tìm hướng đi khác. Đó là lên Hà Giang tuyển dụng lao động. Chương trình này đã mang lại nhiều thành công và đang được nhiều công ty cao su khác tìm đến học tập. “Bà con mới vào làm việc gần như tay trắng. Công ty bố trí chỗ ăn ở miễn phí để họ ổn định cuộc sống. Sau đó tập huấn vài tháng là mọi người làm việc rất tốt, nhờ vào việc họ đã quen làm nông nghiệp. Chỉ sau vài năm, mọi người đã có thu nhập rất tốt, có tiền gửi về cho gia đình xây nhà, mua đất, mua xe” – ông Hữu cho biết.
Theo ông Hữu, công ty đang có gần 1.000 người Hà Giang làm việc, lực lượng này đã giúp bù đắp việc thiếu hụt lao động. Để giữ chân người lao động làm việc lâu dài, mỗi năm đến Tết, công ty bố trí xe đưa bà con về đến tận nhà và sau Tết cho xe đón về công ty làm việc.Nhiều công nhân có kinh tế ổn định mua được xe gắn máy Exciter. Công ty bố trí thêm 2 xe tải để chở tổng cộng 80 xe Exciter về Hà Giang cho bà con đi chơi tết.
Thu nhập khá nhờ làm công nhân cao su
Tại khu nhà lưu trú thuộc Nông trường cao su Cẩm Đường, anh Sùng Seo Phán, dân tộc Mông, quê ở huyện miền núi Xín Mần (Hà Giang) kể, nhà có ruộng đất nhưng là ruộng bậc thang. Quanh năm anh trồng cấy chỉ đủ ăn. Vào Đồng Nai làm công nhân cao su, thu nhập bình quân của vợ chồng anh từ 8 – 12 triệu đồng/tháng/người. “Nếu chịu khó làm thì có nguồn thu ổn định. Vợ chồng tôi dùng 1 đầu lương để chi dùng, đầu lương còn lại thì để gửi về quê”, anh Phán nói. Anh Lý Seo Xẻng, cùng sống tại khu lưu trú dành cho công nhân cao su kể, vợ chồng anh từ Hà Giang vào Đồng Nai đã 2 năm. “Được Tổng Công ty hỗ trợ nhiều thứ, mình yên tâm làm việc. Năm ngoái, 2 vợ chồng tiết kiệm 160 triệu đồng”, anh Xẻng kể.
Khu nhà lưu trú cho bà con người Hà Giang
 làm việc tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai
Ảnh: Phương Minh
Hiện Tổng Công ty Cao su Đồng Nai có gần 1.000 công nhân là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông từ tỉnh Hà Giang vào làm việc. Ông Hựu cho biết, trong tổng số 10 nông trường của Tổng công ty Cao su Đồng Nai thì có 9 nông trường có người đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng Nông trường Cẩm Đường là nơi có nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang nhất, với con số lên đến 307/406 công nhân. “Hiện nay, vẫn còn rất nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang muốn đăng ký vào Đồng Nai làm công nhân cao su. Cách làm của Tổng Công ty không chỉ tự giải quyết nhu cầu lao động của mình mà còn hỗ trợ các công ty khác trong ngành cao su”, ông Hựu chia sẻ.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>