Tin tức >> Tin cao su trong nước

Tổng công ty Cao su Đồng Nai: Đồng hành cùng địa phương và khu vực trong định hướng phát triển bền vững

02/12/2019

Là đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, một trong 5 tỉnh kinh tế phát triển lớn của cả nước, đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với Tổng công ty Cao su Đồng Nai (TCT) trong việc định hướng chiến lược phát triển.


Từ tình hình thực tế, TCT đã xác định rõ chỉ có con đường hướng đến sự bền vững – hội nhập quốc tế là con đường đúng đắn nhất.

Vườn cây Cao su Đồng Nai. Ảnh: Ng.Cường
Tập trung vào những ngành nghề mang lại giá trị kinh tế cao
Đứng trước yêu cầu của thời đại buộc các ngành nghề, các doanh nghiệp phải có những bước đột phá để đủ sức cạnh tranh, gia tăng giá trị và giữ vững, phát triển thương hiệu trên thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của TCT gắn liền với 3 yếu tố chính, đó là Hiệu quả doanh nghiệp – Bảo vệ môi trường – Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Trong bức tranh tổng thể, TCT vẫn đảm bảo đầu tư phát triển trong phạm vi những ngành nghề chính của Tập đoàn được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, TCT sẽ cân đối và tập trung vào những ngành nghề mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước và của tỉnh Đồng Nai.
TCT xây dựng một lộ trình tổng thể để nâng cao năng suất vườn cây, đầu tư thâm canh vườn cây, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt mục tiêu đến năm 2023, năng suất của vườn cây sẽ đạt bình quân 2 tấn/ha. Hiện nay các khâu chăm sóc, quản lý, khai thác… đều được thực hiện theo đúng bộ tiêu chuẩn của các tổ chức quản lý rừng bền vững.
Ông Đỗ Minh Tuấn – Tổng Giám đốc (TGĐ) TCT nhấn mạnh: “Nằm trên địa bàn tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế rất mạnh đòi hỏi TCT phải chuyển mình để phát triển. Trong tiến trình phát triển đó có sự hài hoà, cân đối, phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh được cho phép, đồng thời phù hợp với địa phương. Bên cạnh lĩnh vực trồng, khai thác và chế biến cao su, TCT sẽ tích cực đầu tư vào chế biến sâu, sản xuất những sản phẩm tinh chế, đầu tư khu công nghiệp (KCN) hạ tầng và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chính vì vậy, trong thời gian qua, TCT đã làm việc với các Sở, ban ngành của tỉnh Đồng Nai để trao đổi về quy hoạch sử dụng đất của TCT trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 phù hợp với tỉnh. Tất cả nhằm hướng đến một mục tiêu đó là nâng cao hiệu quả sử dụng đất một cách tối đa”.
TCT đã quy hoạch sử dụng đất giai đoạn từ 2020 – 2025 sẽ chuyển đổi 3.870 ha phát triển KCN, hạ tầng, dịch vụ có liên quan và 2.000 ha cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giai đoạn 2025 – 2030 chuyển đổi 755 ha đầu tư phát triển KCN, hạ tầng, dịch vụ có liên quan và 3.000 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cần sự chung tay của các cấp
Trong chiến lược phát triển, Ban điều hành TCT đã đề ra những giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn. Tuy nhiên, để thực hiện thành công cần có sự chung tay, hỗ trợ của các cấp. TCT đã có những kiến nghị với tỉnh Đồng Nai về những chính sách hỗ trợ công nhân từ nơi khác đến về nơi ăn, chốn ở, nhà trẻ và những dịch vụ liên quan.
Trong lĩnh vực phát triển ngành nghề chuyên sâu, sản xuất những sản phẩm mới phù hợp, mang lại giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, ông Đỗ Minh Tuấn cho biết: “Việc định hình và phát triển một sản phẩm mới là cả một quá trình, TCT cũng kiến nghị tỉnh Đồng Nai hỗ trợ tạo điều kiện không chỉ cho Cao su Đồng Nai mà còn nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về miễn giảm lãi suất vay vốn, miễn giảm thuế trong những năm đầu khi phát triển sản phẩm mới và thâm nhập thị trường. Đối với những diện tích chuyển đổi qua phát triển KCN trong giai đoạn 2020 – 2030, TCT đề nghị tỉnh có chính sách đặc thù cho TCT làm chủ đầu tư các KCN trên đất cao su để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của TCT”.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>