Tin tức >> Tin cao su trong nước

Tăng lương tối thiểu vùng: Doanh nghiệp cao su nặng gánh

15/03/2016

Cùng với tăng lương tối thiểu vùng, tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trong năm 2016 sẽ khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung, DN ngành cao su nói riêng, thực sự nặng gánh  


DN dễ đuối sức

Theo quy định của Luật BHXH, từ 01/01/2016 đến hết năm 2017, việc đóng BHXH sẽ dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Bắt đầu từ 2018, ngoài cơ sở là các khoản bổ sung khác để tính mức đóng thì người lao động (NLĐ) sẽ đóng 8% và doanh nghiệp (DN) đóng 18%, chiếm 26% lương hàng tháng. Theo BHXH VN, việc đóng BHXH theo phương thức mới buộc DN phải đóng đúng theo tiền lương NLĐ thực lĩnh.

Việc đóng BHXH dựa trên mức đóng và thời gian đóng, đóng càng cao thì hưởng lương hưu sau này càng nhiều. Dù thừa nhận tính hợp lý của sự thay đổi này, song rất nhiều DN bày tỏ lo ngại liên quan đến quyền lợi chính mình.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi doanh thu của DN không được bổ sung, tăng khoản này buộc DN phải cắt giảm khoản khác, làm ảnh hưởng đến thu nhập thực của NLĐ. Hơn nữa, những DN tuân thủ bảo hiểm sẽ đuối sức, còn các đơn vị thiếu nghiêm túc sẽ chây ì, tìm cách né trách hoặc trốn bảo hiểm. Điều này cũng tạo ra sự thiếu công bằng trong cạnh tranh giữa các DN.
 
DN ngành cao su chồng chất khó khăn
 
Chịu chung nỗi lo như DN các ngành khác, DN ngành cao su còn có những khó khăn riêng khi tăng lương tối thiểu vùng và tăng tiền đóng BHXH. Hiện nay, một DN cao su có quy mô trung bình cũng có trên 2.000 CBCNV-LĐ, đơn vị lớn thì có đến trên 10.000 người. Với một DN có trên dưới 2.000 nhân viên, nếu áp dụng quy định mới là đóng bảo hiểm cả phần phụ cấp ngoài lương thì chi phí phát sinh sẽ tăng thêm 50%. Điều này khiến cho giá thành sản phẩm đột ngột tăng cao, sức cạnh tranh kém, doanh thu, lợi nhuận sẽ lao dốc.
 
Lâu nay, lương DN trả cho NLĐ rất đa dạng và cách trả khác nhau. Cho nên, khi triển khai thực hiện BHXH mới, sẽ xảy ra hai trường hợp, một số DN làm ăn khó khăn sẽ chọn cách cắt giảm các khoản hỗ trợ thêm của NLĐ. Tuy nhiên, những DN có doanh thu ổn định sẽ chủ động tính toán cân đối các chi phí phát sinh để không cắt giảm các khoản trợ cấp thêm của NLĐ; vì lo nếu cắt giảm sẽ không giữ chân được NLĐ.
 
Trong khi đó, hiện nay, doanh thu, lợi nhuận của DN ngành cao su đang giảm mạnh do giá bán cao su giảm sâu. Ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã ban hành chủ trương đẩy mạnh tiết giảm chi phí tối đa nhằm giảm giá thành. DN ngành cao su còn chịu khó khăn kép, đó là do thu nhập giảm nên một bộ phận CN cao su đã xin nghỉ việc trước tuổi, khiến DN phải chi số tiền trợ cấp nghỉ việc khá lớn, có DN phải chi tới vài chục tỷ đồng.
 
Theo dự báo, giá cao su năm 2016 tiếp tục giảm. Điều này buộc các DN phải tiếp tục tiết giảm chi phí. Giá bán giảm, lợi nhuận giảm, phải giảm chi phí để hạ giá thành trong khi lương tối thiểu vùng và tiền đóng BHXH đều tăng có thể khiến DN ngành cao su không thể kháng cự nổi.
 
Trong năm 2015, dù tình hình rất khó khăn nhưng các DN ngành cao su vẫn luôn trả lương đầy đủ và kịp thời, đóng góp các khoản phúc lợi xã hội cao để NLĐ yên tâm làm việc, đồng hành cùng DN vượt qua giai đoạn gay go hiện nay. Mặt khác, việc tăng lương và mức đóng BHXH từ 01/01/2016 tạm thời không làm ảnh hưởng đến thưởng Tết vừa qua hay các khoản phụ cấp khác của NLĐ, bởi tiền thưởng Tết được trích lập dựa trên kết quả hoạt động SXKD trong năm 2015, chứ không phải ngân quỹ trả lương ngay từ đầu năm 2016.
 
Nhưng như đã đề cập ở trên, năm 2016, đa phần các DN sẽ lao đao bởi chi phí bỏ ra cao nhưng đơn giá vẫn giảm. Với tình hình căng thẳng như vậy, cũng như các DN ngành khác, Ban lãnh đạo VRG và các đơn vị thành viên đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, cần có lộ trình thực hiện BHXH và trả tiền trợ cấp nghỉ việc cho CNLĐ cụ thể, phù hợp với từng nhóm DN chứ không nên áp dụng cùng một lúc với đồng loạt DN. Tăng quyền lợi cho NLĐ nhưng cũng phải nhìn nhận từ góc độ người sử dụng lao động. Nếu DN phá sản thì NLĐ cũng mất việc và dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp.
 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>