Tin tức >> Tin cao su trong nước

Quảng Nam: Cao su rớt giá, đồng bào miền núi khó khăn

13/01/2016

 Chưa bao giờ giá mủ cao su lại rơi xuống thấp như hiện nay, khiến người trồng rơi vào cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi.


 Nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam khi tham gia nhận khoán trồng cao su, đang rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan khi giá cao su bình quân chỉ 25 triệu đồng/tấn. Nếu bám trụ với cây cao su thì sẽ đối diện với nguy cơ tái nghèo, còn nếu không bám trụ thì công chăm sóc, nguồn lợi từ cây cao su trên đất sẽ có nguy cơ mất trắng.

Tại buổi lễ khai miệng cạo mủ đầu tiên của hơn 43 ha cao su trên tổng số gần 1.400 ha cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang (diễn ra vào đầu tháng 7/2015), lẽ ra hộ dân được nhận khoán sẽ vui mừng, phấn khởi vì chứng kiến thành quả sau bao ngày vất vả chăm sóc, thế nhưng nhiều người lại thở dài. Nhiều công nhân và hộ nhận khoán trồng cao su tâm sự họ đang rơi vào cảnh bế tắc vì giá cao su lao dốc. Anh Hoàng Văn Ru từng là một hộ nhận khoán của Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang, anh cho biết giờ đây phải chuyển sang những công việc mưu sinh khác để trang trải cuộc sống gia đình. “Ngoài giờ rảnh thì tôi đi làm keo, làm thuê kiếm tiền nuôi con chứ dựa vào tiền bán mủ cao su không thì một tháng chỉ thu được 1 triệu thôi. Số tiền này không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày” - anh Hoàng Văn Ru tâm sự.
Không thể kiếm việc làm khác như anh Ru nên hơn 6 tháng nay, 38 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Đồng Râm (thị trấn Thành Mỹ, huyện Nam Giang) vẫn phải cố gắng bám trụ cạo mủ, tìm kế mưu sinh bên những lô cao su. Bà Trần Thị Nguyệt (thôn Đồng Râm) chia sẻ: “Từ 3 giờ sáng trở đi cạo mủ cho đến 11 giờ tối mới về đến nhà, tính bình quân chỉ được 50 nghìn đồng mỗi người. Hiện những diện tích đất của gia đình đều trồng cây cao su hết rồi, bây giờ không có đất làm hoa màu nữa. Giá cao su thấp thì cũng phải làm cao su thôi, nếu không làm thì công ty sẽ cử người khác vào cạo mủ, rẻ họ vẫn cạo”.
Câu chuyện của 38 hộ dân thôn Đồng Râm cũng là thực trạng chung của rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang tham gia nhận khoán trồng cao su ở các huyện miền núi Quảng Nam. Trao đổi với chúng tôi, ông ALăng Mai – Chủ tịch UBND huyện Nam Giang – cho biết: “Khi vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây truyền thống sang cây hiệu quả kinh tế đã là khó khăn rồi. Bây giờ xảy ra cái việc giá cả bấp bênh, đầu ra không có thì ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của đồng bào. Nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời thì rất khó động viên bà con làm và rất khó bảo vệ cây cao su trên địa bàn của huyện”.
Thiết nghĩ, trong khi chờ đợi giá cao su ổn định, việc trước mắt là các công ty cao su cần thực hiện đầy đủ những cam kết với đồng bào. Đồng thời thống nhất cơ chế chia sẻ lợi nhuận cũng như hỗ trợ kịp thời về mặt tài chính để đồng bào ổn định cuộc sống, không xâm hại vào rừng. Có như vậy cây cao su mới khẳng định được vị trí là cây thoát nghèo ở miền núi Quảng Nam.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>