Tin tức >> Tin cao su trong nước

Nhiều điều khoản có lợi cho người lao động cao hơn luật

20/04/2020

 Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành cao su Việt Nam năm 2020 được ký kết giữa Tổng Giám đốc (TGĐ)Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam (CSVN) có nhiều điều khoản cao hơn luật có lợi cho người lao động (NLĐ). Phóng viên Tạp chí CSVN đã có buổi trao đổi với ông Võ Việt Ngân – Phó Chủ tịch Công đoàn CSVN về những điểm mới trong TƯLĐTT để NLĐ được hiểu rõ hơn vấn đề này.


 Lao động nữ được nghỉ vào dịp Quốc tế phụ nữ 8/3 là một trong những nội dung của TƯLĐTT

Lao động nữ được nghỉ vào dịp Quốc tế phụ nữ 8/3 là một trong những nội dung của TƯLĐTT

- Thưa ông, xin ông cho biết TƯLĐTT ngành được ký kết năm 2020 có những nội dung gì đáng lưu ý?
Ông Võ Việt Ngân: TƯLĐTT là thỏa thuận đạt được giữa người sử dụng lao động và đại diện NLĐ về những chính sách, quyền lợi có lợi hơn cho NLĐ.
TƯLĐTT ngành cao su năm 2020 được ký kết tại Hội nghị Tổng kết sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020. TƯLĐTT ngành gồm có 7 chương, 2 phụ lục, bao gồm 17 điều với 11 nội dung, trong đó có nhiều nội dung quy định về quyền lợi cho NLĐ cao hơn luật.
Thứ nhất, về tiền lương, người sử dụng lao động đảm bảo mức lương thấp nhất trả cho người làm công việc đơn giản nhất trong các doanh nghiệp theo từng địa bàn thuộc VRG cao hơn mức tiền lương tối thiểu theo vùng do Chính phủ ban hành trong từng thời kỳ là 5% khi hoàn thành nhiệm vụ được giao. Về tiền thưởng, hàng năm căn cứ vào kết quả SXKD và lợi nhuận được phân phối, người sử dụng lao động phấn đấu chi thưởng tối thiểu bằng 1 tháng lương thực trả nhân với hệ số bình xét A, B, C.
Thứ hai, về thời gian làm việc tối đa không quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần. Bên cạnh đó, nếu làm thêm, tăng ca thì NLĐ sẽ được trả thêm tiền lương ngoài giờ theo quy định của Bộ luật Lao động và theo thỏa thuận với người sử dụng lao động. Lao động nữ được nghỉ vào dịp Quốc tế phụ nữ 8/3, hưởng nguyên lương và dịp kỷ niệm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, được tính vào thời gian nghỉ phép hàng năm.
Thứ ba, căn cứ vào kết quả SXKD và kết quả lao động của CB.CNVC – LĐ trong doanh nghiệp, hàng năm, Ban chấp hành Công đoàn các doanh nghiệp phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức cho NLĐ được đi tham quan, du lịch, học tập trải nghiệm tối thiểu 3 ngày.
Thứ tư, đó là việc sử dụng quỹ phúc lợi. Đối với người đủ điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu hàng tháng thì doanh nghiệp căn cứ khả năng nguồn quỹ này để hỗ trợ thêm cho NLĐ nghỉ hưu 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Ngoài ra còn một số phúc lợi khác, đó là người sử dụng lao động phải có trách nhiệm tìm các giải pháp cắt giảm chi phí khác để có nguồn tổ chức ăn giữa ca cho NLĐ với mức 20.000 đồng. Hàng năm vào dịp Tết cổ truyền, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên NLĐ, cán bộ lão thành, gia đình chính sách. VRG và Công đoàn CSVN sẽ tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ tối thiểu 1 triệu đồng/trường hợp cho công nhân lao động (CNLĐ) đặc biệt khó khăn, công nhân bị tai nạn lao động, nhằm đảm bảo không có công nhân nào không có điều kiện đón Tết.
-Việc triển khai cho các doanh nghiệp trực thuộc VRG thực hiện hoặc ký kết TƯLĐTT 2020 cao hơn TƯLĐTT ngành được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Võ Việt Ngân: Theo điều 88, Bộ luật Lao động về quan hệ giữa TƯLĐ doanh nghiệp với TƯLĐTT ngành thì những nội dung của TƯLĐTT doanh nghiệp hoặc quy định của người sử dụng lao động về quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của NLĐ trong doanh nghiệp thấp hơn những nội dung được quy định tương ứng của TƯLĐTT ngành thì phải sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT doanh nghiệp trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày TƯLĐTT ngành có hiệu lực.
Theo TƯLĐTT ngành, tổ chức CĐ cam kết với người sử dụng lao động không để xảy ra tình trạng đình công trái luật. Điều này có nghĩa là tổ chức CĐ phải thực hiện tốt hơn nữa các vai trò, nhiệm vụ của mình, thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để kịp thời giải đáp những thắc mắc và có phương án giải quyết. Xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa NLĐ và người sử dụng lao động.
Hiện nay đã có 53 doanh nghiệp trực thuộc VRG đăng ký tham gia TƯLĐTT ngành, một số đơn vị xây dựng và ký kết TƯLĐTT có những điều khoản có lợi cho NLĐ hơn TƯLĐTT ngành. VRG và Công đoàn CSVN cũng khuyến khích như vậy. Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho NLĐ cần được doanh nghiệp, người sử dụng lao động quan tâm hơn nữa để NLĐ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
TƯLĐTT được triển khai sâu rộng trong toàn VRG, trong quá trình thực hiện TƯLĐTT ngành, CĐ ngành tiếp tục ghi nhận những phản hồi của doanh nghiệp và sẽ bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của ngành cao su. Đồng thời, CĐ ngành sẽ tổ chức kiểm tra định kỳ 2 lần/năm về việc thực hiện TƯLĐTT tại cơ sở và có đánh giá, xếp loại doanh nghiệp nhằm mục đích thỏa ước lao động phải được thực thi có hiệu quả tại cơ sở.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>