Tin tức >> Tin cao su trong nước

Ngành gỗ trước nguy cơ gian lận thương mại

04/11/2019

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc đã tạo cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Song, theo đánh giá của các chuyên gia, sự tăng đột biến về giá trị xuất nhập khẩu của mặt hàng gỗ đã đặt doanh nghiệp (DN) gỗ trong nước vào nguy cơ làm “điểm trung chuyển”.


 

Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Tiến Hưng (Thị xã Thuận An). Ảnh: TIỂU MY
Chủ động phòng ngừa
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 9 tháng năm 2019 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2018. Không chỉ tăng mạnh về giá trị xuất nhập khẩu, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ 9 tháng năm 2019 tăng gần 1,2 lần so với năm 2018. Kết quả này cho thấy ngành gỗ đang hút mạnh vốn đầu tư.
Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung Quốc đang tạo ra những lợi thế nhất định đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu, cụ thể là thu hút đầu tư và đơn hàng xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao do các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tìm kiếm hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc.
Tuy vậy, các DN gỗ thành viên cũng tỏ ra lo lắng trước làn sóng đầu tư vào ngành gỗ từ các DN Trung Quốc, vì tạo ra sự cạnh tranh lớn trong ngành gỗ. Thêm vào đó, một số DN trong nước bắt tay với các DN nước ngoài để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam, làm ảnh hưởng đến uy tín của nguồn hàng và khả năng cạnh tranh của ngành gỗ trong nước.
Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã đưa ra danh sách 13 sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh thuế của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Canada, trong đó gỗ dán bị cảnh báo mức độ 4 mức độ cao nhất.
Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, sự gian lận này sẽ rất nguy hiểm, gây tổn hại lớn đến ngành gỗ nếu chính quyền Mỹ đánh giá việc gian lận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam là nghiêm trọng và từ đó có những chính sách trừng phạt ngành gỗ của Việt Nam, tương tự như ngành thép trong thời gian qua. Chính vì vậy, các DN ngành gỗ phải hết sức thận trọng trước những thách thức nói trên. Cần thực hiện các chính sách cho đúng, kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy, tránh việc gian lận thương mại. Đồng thời, DN cần kịp thời phát hiện và thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước để xử lý các hành vi gian lận thương mại.
Doanh nghiệp cần đặt lợi ích dài lâu
Một vấn đề cần lưu ý về nguyên liệu đối với các DN trong nước hiện nay là hàng trôi nổi theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam rất nhiều. Do vậy các DN cần kiểm tra kỹ chất lượng, mẫu mã nguồn hàng mua vào tránh làm ảnh hưởng đến sản phẩm và thương hiệu của mình.
Các DN ngành gỗ phải hết sức thận trọng trước sự nghi ngờ việc các công ty Trung Quốc lấy Việt Nam làm điểm “trung chuyển”, cần thực hiện các chính sách cho đúng, kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy, tránh việc gian lận thương mại.
Theo BIFA, làn sóng đầu tư vào ngành gỗ từ các dự án nước ngoài sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng các dự án này. Theo đó, Việt Nam có nguy cơ phải tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không bảo đảm các yêu cầu về môi trường, cũng như tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa để lợi dụng thuế nhập khẩu thấp hơn từ Việt Nam so với từ Trung Quốc sang Mỹ.
BIFA kiến nghị cơ quan quản lý cần đánh giá tổng thể những rủi ro trong các dự án đầu tư nước ngoài đối với những sản phẩm xuất khẩu, như việc mở rộng dự án, các dự án mua cổ phần, mua bán, sáp nhập DN… Nhà nước cũng cần đánh giá kỹ các dự án đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến gỗ. Bởi trên thực tế, có không ít DN nước ngoài chỉ lấy giấy phép đầu tư để thuê thiết bị, nhà xưởng và nhân công Việt Nam sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ đang chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu gỗ của cả nước.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA, khẳng định ngành chế biến gỗ của Việt Nam đang có cơ hội lớn để xuất khẩu. Điều cần thiết lúc này chính là các DN chế biến gỗ trong nước cần có sự liên kết chặt chẽ cùng chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh làn sóng đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ đang tăng nhanh, Nhà nước cần quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ nhằm né thuế và lẩn tránh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thay vì làm ăn đàng hoàng.
Tiểu My, nguồn: http://baobinhduong.vn/nganh-go-truoc-nguy-co-gian-lan-thuong-mai-a210877.html¸ngày 28/10/2019 (TH trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>