Tin tức >> Tin cao su trong nước

Mỹ tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với gỗ dán Việt Nam?

18/11/2019

Trên cơ sở nghi ngờ Mỹ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại bằng hình thức chuyển tải đối với các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu của Việt Nam.


 

Gỗ dán đứng TOP mặt hàng bị cảnh báo nguy hiểm cao nhất 
Danh sách theo dõi các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh thuế để cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lí nhà nước cập nhật mới nhất của Bộ Công Thương cho biết gỗ dán là mặt hàng bị cảnh báo cấp độ 4, cấp độ nguy hiểm cao nhất.
Hiện mức thuế nhập khẩu do thị trường Mỹ đang áp dụng với hàng này của Việt Nam từ miễn thuế đến 8%. 
Trong khi đó mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm Trung Quốc là 183,36%. Mức thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm Trung Quốc từ 22,98% – 194,90%. Áp thuế tạm thời từ tháng 6/2017 và áp thuế chính thức tháng 12/2017.
Đến tháng 9/2018, Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc có lớp veneer bên ngoài làm từ gỗ thông. 
Tháng 11/2018, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại bằng hình thức chuyển tải đối với các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở nghi ngờ Công ty Finewood Việt Nam có các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại
Kim ngạch nhập khẩu gỗ dán của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm 80,93% từ 414,56 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2017 xuống 79,1 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2018.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu gỗ dán của Mỹ từ Việt Nam đã tăng 516,37% từ 11,39 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2017 lên 70,23 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2018 .
Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam sang Mỹ đối với các mã HS bị điều tra đạt 10,5 triệu USD, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2018. 
Tuy nhiên, theo số liệu của Hải quan Việt Nam cung cấp, trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam sang Mỹ đối với các mã HS bị điều tra đạt 25,6 triệu USD. Như vậy đang có sự khác biệt lớn giữa số liệu hải quan Việt Nam và hải quan Mỹ. 
Có còn là nguy cơ?
Theo Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương Điền Quang Hiệp: "Trước đây Trung Quốc luôn là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam bây giờ với những khó khăn của họ thì vô tình hoặc chúng ta không muốn thì các nhà nhập khẩu Mỹ cũng buộc đi tìm các thị trường khác để thay thế nguồn cung từ Trung Quốc.
Chính vì vậy họ chọn Việt Nam là một trong những điểm đến ưu tiên, cho nên Việt Nam có thể khai thác sâu rộng thị trường lớn như Mỹ trong thời gian tới".
Tuy nhiên, ông Bùi Chính Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Phát triển lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết dù xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, tiềm ẩn nguy cơ gian lận trong xuất khẩu hàng hóa.
Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng lớn sẽ dẫn tới việc Chính phủ Mỹ áp đặt những chính sách bảo hộ ngành công nghiệp gỗ trong nước, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp rất có thể xảy ra. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy nguy cơ đang dần trở thành sự thât. Ông Lê Trần Anh Tú, Giám đốc Công ty Gỗ Ledecor cho hay: "Hiện giờ có một số doanh nghiệp sử dụng công đoạn đầu ở Trung Quốc. Do hiện giờ thuế từ Trung Quốc qua Mỹ cao quá cho nên một số doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc bắt tay nhau nhằm lẩn tránh thuế.
Ví dụ như với một sản phẩm thành phẩm thì trong đó 40 – 60% là làm tại Trung Quốc, sau đó nhập về hoàn thiện rồi xuất đi. Những trường hợp này nếu Mỹ biết được thì khả năng sẽ đánh thuế với đồ gỗ của Việt Nam".
Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương hiện Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đã tiến hành điều tra lẩn tránh thuế dưới hình thức chuyển tải đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam và đang áp dụng biện pháp sơ bộ.
Về nguyên tắc, trong vụ việc điều tra của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ chỉ liên quan đến các doanh nghiệp bị điều tra.
Tuy nhiên, để tránh nguy cơ công ty bị điều tra đầu tư, thành lập công ty khác để tiếp tục xuất khẩu, doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ số liệu về chủ đầu tư cũng như xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cảnh báo.
Hàng loạt mặt hàng Việt lọt vào danh sách bị cảnh báo
Không chỉ mặt hàng gỗ dán, cũng theo báo cáo từ Bộ Công Thương, đá nhân tạo bị đánh giá nguy hiểm ở cấp độ 3. Mỹ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 5/2018.
Thuế tạm thời được áp dụng từ tháng 9/2018, thuế chính thức được áp dụng từ tháng 5/2019.
Mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm Trung Quốc từ 265,81 – 336,69%. Mức thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm Trung Quốc từ 45,32 – 190,99%.
Thống kê cho thấy, nhập khẩu đá nhân tạo của Mỹ đối với Việt Nam đã tăng ở mức hơn 600% trong tháng 8/2019.
Ở mức độ cảnh báo 3 còn các sản phẩm như giá để đồ bằng sắt, đệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách, thép chống ăn mòn.
Nguyên nhân có sự gia tăng đột biến trong kim ngạch nhập khẩu của Mỹ đối với sản phẩm đệm từ Việt Nam, sản phẩm này có khả năng xảy ra nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá hoặc chống lẩn tránh thuế.
Các sản phẩm ở mức cảnh báo 2 là vành thép không gỉ, thép tấm cán nóng, sản phẩm đúc bằng gang, xơ sợi tổng hợp. Các sản phẩm ở mức cảnh báo 1 gồm thép chống ăn mòn, ruy băng trang trí...
Như Huỳnh (Theo Kinh tế & Tiêu dùng), nguồn: https://vietnambiz.vn/my-tien-hanh-dieu-tra-lan-tranh-thue-doi-voi-go-dan-viet-nam-20191108154517358.htm¸ngày 11/11/2019 (TH trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>