Tin tức >> Tin cao su trong nước

Lai Châu: Cao su giảm sản lượng vì bệnh phấn trắng

15/06/2020

Từ cuối tháng 2/2020 đến nay, toàn bộ diện tích cây cao su của Công ty CP Cao su Lai Châu bị ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh phấn trắng gây hại. Do đó, đã làm giảm sản lượng mủ, thiệt hại lớn cho Công ty, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.


Có mặt tại Nông trường Cao su Phong Thổ, đến thời điểm này, nhiều diện tích cao su đang trong giai đoạn thai khác vẫn chưa được thu hoạch mủ. Trao đổi với anh Lưu Văn Phương – Giám đốc Nông trường Cao su Phong Thổ chúng tôi được biết, Nông trường đang quản lý 939,9 ha cây cao su, trong đó có 794 ha đến tuổi được khai thác nhưng vì bệnh phấn trắng đã làm số diện tích cao su trên không thể thu hoạch. Theo kế hoạch năm 2020, Nông trường được giao chỉ tiêu khai thác 1.023 tấn mủ quy khô. Trong nửa đầu tháng 1, Nông trường đã khai thác được 23,7 tấn mủ, còn lại từ nửa cuối tháng 1 đến hết tháng 2 vườn cây bị rụng lá sinh lý mùa đông, phải chờ cây cao su mọc lá non và quang hợp diệp lục thì mới có thể tiếp tục khai thác. Tuy nhiên, bệnh phấn trắng xuất hiện thành 2 đợt trên toàn bộ diện tích cây cao su, gây thất thu hàng tỷ đồng cho Nông trường cũng như thu nhập của người lao động.

Anh Phương cũng so sánh, nếu như năm 2019, vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5, thu nhập bình quân của công nhân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, thì năm nay công nhân lao động trực tiếp hầu như không có thu nhập. Trong thời gian cây cao su bị bệnh cùng với việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội do dịch Covid-19, Nông trường phải tạm hoãn hợp đồng lao động với 138 công nhân lao động trực tiếp trong tháng 4. Hiện nay, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã ổn định, cây cao su bị bệnh phấn trắng đang dần được phục hồi, để đảm bảo thu nhập cho người lao động, Nông trường đã huy động công nhân trở lại làm việc nhưng chủ yếu là trang bị vườn cây như: thiết kế mặt cạo, xả mặt cạo, làm mái che mưa, thiết kế kiềng bát đựng mủ... để chờ một số diện tích cây cao su phục hồi sẽ tiến hành khai thác.
 Cán bộ Nông trường Cao su Phong Thổ kiểm tra diện tích cao su bị bệnh phấn trắng    
Anh Hảng A Thành – Tổ trưởng Tổ sản xuất 03, Nông trường Cao su Phong Thổ tâm sự: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bệnh phấn trắng gây hại trên cây cao su nên vườn cây cao su của Nông trường không thể thu hoạch mủ, ảnh hưởng đến thu nhập, tâm lý của công nhân. Bây giờ chúng tôi chỉ mong cây cao su hết bệnh, phát triển ổn định được đưa vào khai thác để có thu nhập trang trải cuộc sống”.
Cũng giống như Nông trường Cao su Phong Thổ, Nông trường Cao su Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ) đang quản lý 1.235 ha cây cao su, nhưng cũng bị bệnh phấn trắng gây hại, làm cây cao su phát triển kém, không được khai thác mủ đã làm cho 62 công nhân lao động trực tiếp của Nông trường phải hoãn hợp đồng lao động, đến ngày 01/6 vừa qua mới khôi phục hợp đồng đi làm.
Hiện nay, Công ty CP Cao su Lai Châu đang quản lý 6.948 ha cây cao su, trong đó 4.580 ha đang trong giai đoạn khai thác đều bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh. Anh Lò Văn Thương – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Lai Châu cho biết: Đây không phải là lần đầu diện tích cây cao su của Công ty xuất hiện bệnh phấn trắng nhưng chưa năm nào lại lan rộng và phát triển mạnh trước năm nay. Đây là loại bệnh thường gặp ở cây cao su, nhất là giai đoạn cây ra lá sau chu trình rụng lá sinh lý hàng năm. Khác với một số bệnh thường gặp như lở cổ rễ chỉ liên quan đến phần gốc thì có thể chữa trị được, nhưng bệnh phấn trắng lại xuất hiện trên lá, đặc biệt là lá non làm cho lá biến dạng và rụng nhiều. Những lá không rụng cũng bị bào tử nấm phủ trên mặt và sinh ra một lớp bột trắng như phấn, làm cây sinh trưởng kém, ảnh hưởng đến chất lượng mủ.
Do thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh có sương mù về đêm và sáng sớm, trưa thì nắng nóng làm chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao dẫn đến bệnh phát mạnh và lan rộng, nên từ cuối tháng 2 đến ngày 20/5, Công ty không thể khai thác được mủ. Từ 20/5 trở đi, Công ty đã chỉ đạo các nông trường cho công nhân đi kiểm tra, rà soát những cây không còn bị bệnh thì tiếp tục khai thác. Đối với các vườn cây chưa ổn định, không được cạo mủ tránh ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của vườn cây.
Cũng theo anh Thương, hiện nay Công ty cũng chưa có biện pháp nào để điều trị bệnh phấn trắng. Vườn cây cao su chủ yếu là đồi núi dốc, bệnh lại ở trên lá, rất khó triển khai phun thuốc trị bệnh. Nếu có phun thuốc điều trị thì chi phí rất lớn, sản lượng mủ thu được không đủ để bù lỗ nên Công ty đành phải chờ diện tích cao su có lá bị bệnh phấn trắng tự rụng hết để chuyển sang một chu trình mọc lá mới. Khi lá non quang hợp diệp lục thành lá già trong thời gian từ 40 – 45 ngày mới có thể khai thác. Theo tính toán của anh Thương, bệnh phấn trắng đã làm cho Công ty thiệt hại gần 16,5 tỷ đồng, ngoài ra trong tháng 4 có 670 lao động bị hoãn hợp đồng và tháng 5 có 671 người bị hoãn hợp đồng lao động.
Để phòng bệnh phấn trắng trong thời gian tới, Công ty tăng cường chất dinh dưỡng cho cây cao su trong giai đoạn rụng lá sinh lý để tầng lá non sớm ổn định. Thường xuyên chỉ đạo các nông trường hướng dẫn công nhân phát dọn thực bì phòng cháy, chữa cháy.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>