Tin tức >> Tin cao su trong nước

Đủ kiểu ‘kích’ mủ cao su

01/03/2021

Do giá mủ tăng trở lại, nhằm tận thu tối đa sản lượng, một số hộ trồng cao su tiểu điền đã lạm dụng nhiều biện pháp ‘kích’ mủ cao su, bất chấp hậu quả.


Theo ghi nhận của Phóng viên (PV), do giá mủ tăng trở lại, một số hộ dân trồng cao su tiểu điền đã tận thu mủ bằng nhiều hình thức như: dùng máy khoan thân cây và lạm dụng bơm khí ethylene, bôi chất kích thích để tăng sản lượng mủ...

Thân cây chi chít lỗ và khí ethylene
Bà Trần Thị M. đang sử dụng máy để khoan và bơm khí ethylen vào thân cây. Ảnh: Trần Trung
Có mặt tại vườn cao su gần 10 ha của bà Trần Thị M. ở thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, Bình Phước, PV Nông nghiệp Việt Nam tận mắt chứng kiến cách khai thác mủ bằng phương pháp khoan và bơm khí ethylene vào thân cây. Theo đó, trên mỗi thân cây, bà M. đều cho gắn một túi nhựa có đường ống để bơm trực tiếp khí ethylene kích thích mủ. Thay vì mất hàng giờ đồng hồ để cạo, giờ đây, bà M. chỉ cần dùng một chiếc máy khoan loại nhỏ (có gắn pin để dễ di chuyển) như máy khoan tường thông thường, khoan một lỗ bằng chiếc đũa có chiều sâu khoảng 0,5 cm. Sau khi khoan xong chỉ cần gắn một ống nhựa rỗng ruột, dài khoảng 7 cm vào lỗ cao su vừa khoan. Cứ thế mủ nước cao su sẽ tự động chảy từ lỗ khoan xuống miệng chén.
Hàng loạt ống nhựa rỗng ruột, dài khoảng 7cm
được cắm vào lỗ vừa khoan. Cứ thế mủ nước sẽ
tự động chảy từ lỗ khoan xuống miệng chén.
Ảnh: Trần Trung
Bà M. cho biết, mỗi lần bơm khí chỉ lấy mủ được 3 lần, để duy trì lượng mủ, khoảng 12 ngày chủ vườn sẽ bơm khí ethylene vào thân cây một lần, mỗi bình khí ethylene nặng 8 kg có giá 2 triệu đồng/bình và được sử dụng liên tục trong 3 tháng. Trung bình 1 ha cao su, với phương pháp D4 (4 ngày khoan 1 lần) sẽ lấy được từ 100 đến 140 kg mủ/lần bơm. Bà M. cho rằng, phương pháp này tiện lợi hơn vì không phải thức khuya dậy sớm và thu được lượng mủ nhiều hơn so với cách khai thác truyền thống. Theo bà M., gia đình bà cũng chỉ mới áp dụng phương pháp cạo mủ mới này và không biết có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cây, cũng như khả năng cho ra mủ sau này hay không. “Tôi thấy nhiều cái lợi trước mắt nên mới áp dụng. Nhưng về lâu dài không biết sẽ ra sao nên tôi cũng mong cơ quan chức năng vào cuộc nghiên cứu để đưa ra khuyến cáo tốt nhất cho chúng tôi”, bà M. nói.
Thân cây cao su suy kiệt bên những lỗ khoan
chi chít để lấy mủ bằng phương pháp bơm khí ethylene. Ảnh: Trần Trung
Hầu hết các nhà vườn áp dụng phương pháp này đều tự tìm hiểu qua các trang mạng Internet. Họ cho rằng, những ưu điểm ban đầu của hình thức khai thác này là tiết kiệm nhân công, cho sản lượng cao, không mất quá nhiều thời gian, nhất là trong điều kiện giá mủ cao su đang lên, vì thế họ mạnh tay áp dụng.
Liên quan đến vần đề này, thạc sĩ Nguyễn Năng Trưởng phòng Nghiên cứu sinh lý khai thác cao su (Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam) cho biết: Phương pháp khai thác mủ cao su bằng khí chỉ áp dụng trên một số giống cũ, kém hiệu quả hoặc khi cây chuyển qua cạo úp, thanh lý. Việc bơm khí cần định lượng chính xác, bảo đảm vừa với sức cây để cây cho mủ ổn định và không ảnh hưởng tuổi thọ của cây. Yêu cầu của phương pháp này chỉ nên áp dụng với cây có tuổi cạo thứ 15 trở lên. Nhưng để tăng lượng mủ đồng nghĩa với việc phải tăng lượng phân bón lên gấp đôi, bón nhiều lần và trải đều trong năm. “Nguyên lý của việc kích thích bằng khí gas là phải giảm chiều dài miệng cạo hoặc giảm nhịp độ cạo. Phương pháp này chỉ hiệu quả trên một số giống. Tuy nhiên, qua khảo nghiệm thực tế, chỉ 4 5 tháng đầu phương pháp này cho năng suất tăng rất cao so với cạo truyền thống, nhưng sau đó lượng mủ giảm dần. Vì vậy, nông dân cần thận trọng và tính toán kỹ trước khi áp dụng”, thạc sĩ Năng khuyến cáo.
Lạm dụng chất kích thích
Cùng với sử dụng khí ethylene, một số nhà vườn còn lạm dụng thuốc kích thích quá mức để tăng sản lượng mủ nhằm tranh thủ giá bán đang lên. Theo chỉ dẫn người dân địa phương, chúng tôi đến thăm vườn cao su của ông Nguyễn Văn L. tại xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. Nhìn những chén mủ tràn trề trên những thân cây cao su già cỗi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về bí quyết khai thác mủ đem lại năng suất vượt trội của ông L.
Tạm nghỉ tay chốc lát, ông L. cho biết: “không có bí quyết gì, là do thuốc kích thích cả”. Theo ông L., loại hóa chất kích thích mủ được sử dụng có hoạt chất là ethrel. Khi mới sử dụng, cây cho mủ tăng từ 20% đến 30%, còn về lâu dài thì chưa rõ. “Thời gian gần đây giá mủ tăng nên tôi sử dụng thuốc kích thích để tăng sản lượng bù lại khoản thâm hụt thời mủ giá thấp. Nhờ bôi kích thuốc, từ 1 ha cây cao su, với phương pháp cạo D2 (2 ngày cạo 1 lần), mỗi ngày gia đình tôi thu được gần 70 kg mủ, đem lại thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày”, ông L. nói.
Vườn cây cao su của ông L. được gia tăng sử dụng chất kích thích để lấy mủ. Ảnh: Trần Trung
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài các hộ tiểu điền, khi giá mủ tăng cao, để đảm bảo đạt và vượt kế hoạch khai thác của công ty giao (bởi ngoài tiền lương sẽ nhận thêm một khoản tiền thưởng), một số công nhân đã lén bôi thuốc kích thích.
Anh N.V.T công nhân khai thác mủ tại một công ty cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước tiết lộ, hiện nay trên thị trường bày bán rất nhiều loại thuốc kích thích mủ, chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng có thể mua được vài chục ml, đem về pha loãng với nước là có thể bôi từ 1,5 ha đến 2 ha. Thời gian đầu cây cho mủ nhiều, nhưng càng về sau mủ ít đi, một số cây khô miệng cạo. Nếu không tiếp tục bôi thuốc cây không cho mủ, chính vì vậy, ai đã lỡ bôi rồi là không bỏ được. “Thấy nhiều người bôi thuốc nên tôi cũng bôi, nhờ có thuốc sản lượng mủ tăng lên nhiều, qua đó thu nhập cũng được cải thiện đáng kể”, anh T nói.
Việc sử dụng chất kích thích phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, nếu lạm dụng sẽ có tác hại lâu dài tới vườn cây cao su. Ảnh: Trần Trung
Theo các chuyên gia, việc sử dụng thuốc kích thích không phải không được phép sử dụng trong ngành cao su, tuy nhiên, phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, không nên lạm dụng. Không phải giống cây nào cũng bôi thuốc kích thích, nồng độ bôi cũng khác nhau tùy thuộc độ tuổi cây, vị trí miệng cạo và cường độ khai thác. Nếu vườn cây cao su được chăm sóc tốt, phân bón đầy đủ vẫn có thể cho thời gian khai thác từ 20 25 năm. Tuy nhiên, với kiểu khai thác vừa tăng chế độ cạo vừa lạm dụng chất kích thích như nhiều người thực hiện, thì chắc chắn tuổi thọ vườn cây sẽ giảm sút đáng kể.
Cần tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ bảo vệ thực vật về sử dụng chất kích thích và
bằng khí ethylene cho cây cao su. Ảnh: Trần Trung
Tiến sĩ nông học Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Bù Đốp cho biết: Theo nhiều tài liệu về cây cao su thì việc sử dụng thuốc kích thích cho vườn cây cần phải thực hiện đúng liều lượng. Nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài cây khô mặt cạo, khô mủ, chu kỳ khai thác rút ngắn lại. Không ít trường hợp vườn cây do sử dụng thuốc kích thích liên tục trong một thời gian dài đã ảnh hưởng đến sức đề kháng của cây dẫn đến nhiễm bệnh, làm ảnh hưởng đến tuổi thọ và năng suất vườn cây. Bên cạnh đó, việc mua thuốc là quá dễ dàng, chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng là có ngay lọ thuốc để bôi mà không nhận được sự hướng dẫn hay khuyến cáo nào là rất nguy hiểm. Vì vậy, cần tăng cường quản lý chặt các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật tại các địa bàn, nhất là ở vùng sâu vùng xa. “Với người trồng cao su cần tính toán đến những hậu quả lâu dài có thể xảy ra. Đừng vì lợi nhuận trước mắt mà phải bỏ công sức, tiền bạc trong một thời gian dài để khắc phục những hậu quả của việc lạm dụng thuốc kích thích mủ”, tiến sĩ Bắc nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, trước tình trạng nông dân trồng cao su tiểu điền áp dụng kỹ thuật kích thích cho mủ bằng khí ethylene, cũng như có biểu hiện lạm dụng thuốc kích thích, Sở đã gửi khuyến cáo đến các huyện, thành thị đề nghị chỉ đạo các phòng chuyên môn triển khai thông tin đầy đủ đến nông dân về các phương pháp này và tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ bảo vệ thực vật về sử dụng chất kích thích và bằng khí ethylene cho cây cao su. Đồng thời khuyến cáo nông dân tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trong sử dụng khí để kích thích mủ. Chỉ áp dụng với vườn cây có tuổi thọ từ 15 năm trở lên; vườn có tán lá tốt, không nhiễm bệnh; vườn cây đã hết vỏ cạo hoặc vùng huy động mủ kém; vườn đã áp dụng cạo hủy hoặc cạo không đúng kỹ thuật. Vườn cây đang cạo ở nhịp độ D2 thì tuyệt đối không sử dụng phương pháp này...”, bà Tuyết nhấn mạnh.

     Trần Trung, nguồn: https://nongnghiep.vn/du-kieu-kich-mu-cao-su-d284549.html, ngày 23/02/2021 (HG trích dẫn)

 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>