Tin tức >> Tin cao su trong nước

Cây cao su và những thăng trầm trên đất Hà Tĩnh

28/11/2022

Được ví là “vàng trắng” với đỉnh giá lên đến 100 triệu/tấn mủ, cây cao su từng được kỳ vọng trở thành mũi nhọn kinh tế ở vùng “chảo lửa túi mưa” Hà Tĩnh.


Ký ức giấc mơ “vàng trắng”

Năm 1998, cây cao su bắt đầu bén duyên với mảnh đất Hà Tĩnh. Lúc bấy giờ, UBND tỉnh Hà Tĩnh nhanh chóng quy hoạch phát triển cao su với quy mô khoảng 20.000 ha đứng, trên vùng quy hoạch 26.594 ha, quyết tâm đưa cây cao su trở thành mũi nhọn kinh tế. Các huyện đồng bằng: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và vùng miền núi phía Tây như: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn đều được khoanh vùng để phát triển cao su. Trong đó, huyện Hương Khê trở thành vùng trọng điểm với hàng chục ngàn ha đất được giao cho Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê quản lý.
Để thực hiện mục tiêu phát triển cây cao su, không chỉ diện tích đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp của các nông lâm trường quản lý mà cả những diện tích rừng phòng hộ cũng bị hoán đổi thành diện tích cao su. Đến đầu năm 2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định điều chỉnh bổ sung quy hoạch, mở rộng diện tích lên hơn 23.000 ha trên diện tích đất vùng quy hoạch 32.383 ha để thực hiện giấc mơ “vàng trắng” tại mảnh đất gió Lào này.
Chia sẻ với Báo Công Thương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh Nguyễn Khánh Toàn ngầm ngùi nhớ lại: Thời điểm đó, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc và bây giờ là Tổng Giám đốc. Cuộc đời ông đã 24 năm gắn liền với những thăng trầm của cây cao su. Trải qua thời kỳ hoàng kim, đến nay, cây cao su đang đối mặt với vô vàn khó khăn, cần những hướng đi đúng đắn, mang tầm vĩ mô. Theo ông Toàn, giai đoạn năm 2009 – 2013 là thời kỳ thịnh vuợng nhất của cây cao su tại Hà Tĩnh với giá bán đỉnh điểm lên đến 90 – 100 triệu đồng/tấn mủ, cho công ty lợi nhuận thu về mỗi năm 30 – 40 tỷ đồng. Đời sống hàng trăm cán bộ, công nhân công ty có thu nhập cao từ 15 – 20 triệu đồng/ tháng. Không ít người dân ở Hà Tĩnh thời bấy giờ mơ được trở thành công nhân cao su.
Đến đầu năm 2014, giá mủ cao su “rớt” dần, từ 90 triệu/tấn mủ xuống 60, 70 triệu/tấn mủ và đến nay giao động trên dưới 30 triệu/tấn mủ. Giá mủ xuống sâu và kéo dài suốt từ năm 2014 đến 2020 nên lợi nhuận của công ty cũng sụt giảm dẫn đến thua lỗ. Năm 2013, cơn bão số 10 xóa sổ hơn 2.500 ha cây cao su tại tỉnh này. Tiếp đó, trận bão lớn vào năm 2017 gần như quật ngã cả rừng cao su ở huyện Kỳ Anh: Kỳ Lạc, Kỳ Sơn, Kỳ Tây. Có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến “tắc hướng đi” cho cây cao su tại địa phương này. Ngoài giá mủ “lao dốc” thì khí hậu khắc nghiệt: nắng nóng, mưa bão triền miên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến diện tích cây cao su bị sụt giảm, cây phát triển kém, sản lượng mủ không cao… “Từ 2014, công ty đã bắt đầu triển khai trồng thí điểm các loại cây như: Sắn dây, mì, nghệ... để dần thay thế cây cao su nhưng cũng không thấy hiệu quả. Những năm qua, chúng tôi cũng đau đầu tìm phương án trồng cây khác để dần thay thế cây cao su nhưng tìm chưa ra. Phải thừa nhận, làm nông nghiệp ở miền Trung đúng thật rất khó", ông Toàn ngậm ngùi. Theo tìm hiểu, tính đến thời điểm này, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã rót vốn khoảng 600 tỷ đồng cho Công ty Cao su Hà Tĩnh. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính của công ty này, nhiều năm liên tiếp hoạch toán lỗ lên đến trăm tỷ đồng.
Phương pháp lấy mủ đông mới, tăng năng suất thua hoạch,
 giảm được một nửa chi phí nhân công, từ đó tăng lợi nhuận
Hướng đi nào cho cây cao su tại Hà Tĩnh?
Theo số liệu của sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh, định hướng phát triển cao su ở thời điểm cao nhất là 23.200 ha, đến nay định hướng chỉ còn 12.100 ha cao su đứng, giảm 11.100 ha (giảm 50% so với quy hoạch ban đầu). Để tiếp tục bảo vệ phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh Hà Tĩnh xác định, chỉ triển khai trồng mới cây cao su trên những vùng ít bị ảnh hưởng gió bão tại các huyện miền núi như: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ; không trồng mới tại các huyện dọc bờ biển như: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà. Tiến hành tập trung thâm canh, tái canh, sản xuất nông lâm kết hợp, trồng xen dưới tán cây cao su bằng các loài cây có giá trị như: Gừng, nghệ, hương bài... để tăng hiệu quả sử dụng đất trên đơn vị diện tích. Những diện tích cây cao su không hiệu quả sẽ tiến tới chuyển đổi đưa về địa phương quản lý, giao cho người dân phát triển kinh tế rừng.
Hệ thống chuồng trại nuôi gà dưới tán rừng cao su
Để “cứu mình” bằng cách tự tìm hướng đi mới, vừa qua, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đã liên kết với công ty Japha Comfeed Việt Nam tổ chức chăn nuôi gà gia công dưới tán cao su. Hiện, đã có 8 chuồng nuôi đưa vào hoạt động, bắt đầu thả nuôi lứa thứ 2 và thứ 3, bước đầu cho lợi nhuận khả quan. Bên cạnh đó, từ năm 2020 ngoài việc giao khoán vườn cây cho công nhân chăm sóc, khai thác, Công ty Cao su Hà Tĩnh đã đưa một số giống cao sản chịu được nắng, rét vào trồng. Bước đầu, cho thấy giống mới phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở Hà Tĩnh, nhất là vùng đất Hương Khê.
Là bạn hàng trung thành của Tập đoàn Sailun (Trung Quốc), bình quân mỗi năm Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh cung ứng cho doanh nghiệp này khoảng 3.000 tấn mủ. Ông Nguyễn Công Trường, Giám đốc Nhà máy chế biến cho hay, mấy năm gần đây, do dây chuyền cũ, máy móc hư hỏng liên tục, cộng với khoảng thời gian 2 tháng không có mủ nên kế hoạch hàng năm thường chỉ chế biến được khoảng 2.500 – 3.000 tấn mủ SVR10. Riêng năm 2022, nhờ năng suất mủ cao nên dự kiến đến cuối năm sẽ chế biến được khoảng 3.500 tấn, vượt kế hoạch Tập đoàn và công ty giao.
Diệu Linh, nguồn: https://congthuong.vn/cay-cao-su-va-nhung-thang-tram-tren-dat-ha-tinh-228445.html, ngày 24/11/2022 (HG trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>