Tin tức >> Tin cao su trong nước

Cao su Đồng Phú sẽ là ngoại lệ?

27/01/2016

Cao su Đồng Phú (DPR) đã có một năm 2015 "may mắn" hơn các doanh nghiệp cùng ngành khi kết quả kinh doanh hoàn thành vượt kế hoạch. Tuy nhiên, với diễn biến giá cao su trong thời gian gần đây, DPR có đủ sức tạo nên một trường hợp ngoại lệ?


Kinh doanh sụt giảm, cổ phiếu đứng giá

Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (Mã: DPR – HOSE) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 với kết quả kinh doanh đều giảm so với năm trước (2014).
Cụ thể, tổng doanh thu đạt 698,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 145,28 tỷ đồng, lần lượt giảm 28% và 34% so với kết quả thực hiện năm 2014.
Riêng lợi nhuận trước thuế (LNTT) của DPR năm 2015 đạt 180,55 tỷ đồng. Kết quả thực hiện này đã vượt so với kế hoạch năm 2015 (LNTT từ 120 – 155 tỷ đồng). Tuy nhiên, cần lưu ý kế hoạch năm 2015 cũng đã thấp hơn kết quả kinh doanh năm 2014 khoảng 100 tỷ đồng LNTT.
Trong 5 năm gần đây, kết quả kinh doanh của DPR cũng đã giảm dần theo từng năm. Cụ thể, doanh thu đã giảm tới 62% và lợi nhuận giảm tới 82%. Hệ số lợi nhuận/doanh thu năm 2015 chỉ còn ở mức 21% thay vì 44% như năm 2011.
Nguyên nhân được lý giải cho sự sụt giảm của DPR có thể dựa trên diễn biến giá cao su. Trong 5 năm trở lại đây, giá cao su thế giới xuống thấp do nguồn cung vượt quá cầu, sự quản lý lỏng lẻo về diện tích trồng cao su của các nước trên thế giới và sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 40% nhu cầu cao su toàn cầu.
Đi ngược lại xu thế giá dầu và diễn biến kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu DPR trong 1 năm qua "đứng giá" và trong 5 năm thì giao dịch trung bình ở mức 35.000 đồng/cổ phần - mức giá khá cao so với các doanh nghiệp cùng ngành, chỉ sau Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình (HRC). Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này từng phiên khá thấp.
Bước đi mới với sản phẩm chế biến sâu
Trong một báo cáo đầu tư ngành hồi đầu năm, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) không khuyến nghị đầu tư ngành cao su tự nhiên trong năm 2015. Với các nhà đầu tư yêu thích cổ tức và muốn chọn cổ phiếu cao su vào danh mục, VDSC khi ấy chỉ khuyến nghị duy nhất DPR.
Cao su Đồng Phú được đánh giá trên lợi thế vườn cây cao su trẻ có năng suất cao, vào khoảng 2,2 tấn/ha, chỉ sau năng suất của Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh – TRC (2,36 tấn/ha); diện tích khai thác vườn cây đừng thứ 2 (7.233 ha) chỉ sau Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa – PHR (hơn 10.000 ha).
Hàng năm, Cao su Đồng Phú cung cấp cho thị trường khoảng 20.000 tấn mủ sản phẩm các loại để chế biến và bán lại. Ngoài ra, Công ty còn có khoảng 130 ha diện tích khu công nghiệp cho thuê, có các sản phẩm chế biến sâu như nệm cao su Đồng Phú, gỗ Đồng Phú...
Doanh nghiệp này đã đầu tư vào dây chuyền sản xuất nệm và gối với công suất khá lớn, lên đến 300 nệm và 600 gối/ngày thông qua công ty con là Công ty Cổ phần Cao su Kỹ thuật Đồng Phú (Durofoam). Dự kiến, mảng kinh doanh mới này sẽ mang đến lợi nhuận khả quan trong năm nay.
Bên cạnh nệm và gối, Đồng Phú còn lên kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất găng tay y tế và găng tay dùng trong nông nghiệp, có quy mô vốn 80 tỉ đồng. Công ty cho biết vẫn đang trong quá trình đàm phán với đối tác và kỳ vọng nhà máy có thể hoạt động sớm nhất vào cuối năm 2016. Ở dự án này, tỉ lệ lợi nhuận trên vốn được Đồng Phú dự báo vào khoảng 15-20%.
Nhìn chung, chiến lược mở rộng ngành nghề kinh doanh của Đồng Phú theo chiều dọc có thể xem là hợp lý khi giúp tạo thêm doanh thu đầu ra cũng như cải thiện biên lợi nhuận. Nhưng rủi ro không phải không có, vì doanh nghiệp này vẫn là một tên tuổi mới mà phải cạnh tranh với các đối thủ lớn khác vốn đã sở hữu hệ thống phân phối rộng lớn trên thị trường nệm và gối.
Tuy nhiên, thị trường chăn-ga-gối-nệm nói chung đang trở nên ngày càng cạnh tranh hơn với các thương hiệu lớn như Kymdan, Vạn Thành, LienA và các sản phẩm thay thế như nệm bông đến từ Everpia, Edena, Sông Hồng. Vì thế, việc Đồng Phú chen chân vào thị trường này sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bức tranh tài chính đẹp
Tính đến thời điểm 31/12/2015, tổng tài sản của DPR đạt 2.364,32 tỷ đồng, giảm khoảng 30 tỷ đồng so với đầu năm. Hệ số nợ/tổng tài sản của DPR ở mức thấp, chỉ khoảng 10%. Tuy nhiên hệ số đòn bẩy tài chính hiện tại ở mức khá cao, khoảng 90%, tương đương hệ số năm 2014.
Đặc biệt, trong báo cáo nhận định của CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) về DPR, năm 2014 là năm cuối cùng doanh nghiệp này được xếp mảng cây cao su vào doanh thu thuần do ưu đãi từ cổ phần hóa.
Từ năm 2015 trở đi, DPR sẽ phải ghi nhận doanh thu và chi phí từ bán cây cao su và chi phí khác giống như các công ty khác trong ngành và chịu thuế suất 22% thay vì 15% như trước. Việc này sẽ làm giảm biên lợi nhuận gộp hàng năm mảng cây cao su (có biên lợi nhuận gộp khoảng 85%) đóng góp 35% vào tổng lợi nhuận gộp, đồng thời chi phí thuế TNDN cũng sẽ tăng lên.
Trong những tháng đầu năm 2016, giá cao su vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại. Tương lai giá cao su sẽ khó đoán trước, nhiều người chuẩn bị sẵn kịch bản cho một năm tiếp tục khó khăn cho giá cao su.
Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo Công ty, từ năm 2016, Công ty có kế hoạch thanh lý cây cao su từ 300 – 500 ha/năm, giá bán dự kiến khoảng 200 triệu đồng/ha. Như vậy, theo tính toán giả định trên giá bán trên, DPR có thể sẽ ghi lợi nhuận khoảng 90 tỷ đồng thanh lý vườn cây.
VCBC đánh giá trong dài hạn, dự án trồng cao su tại Campuchia hơn 6.300 ha sẽ là động lực tăng trưởng chính cho DPR từ 2018 trở đi. Theo ước tính, DPR sẽ có khoảng hơn 3.000 ha đi vào khai thác từ năm 2018 sẽ đóng góp khoảng 200 – 300 tỷ đồng doanh thu.
Liệu DPR với những lợi thế sẵn có có thể vượt qua được "vòng xoáy" giá cao su với kịch bản tiêu cực trong tương lai?
Trích nguồn: http://ndh.vn/cao-su-dong-phu-se-la-ngoai-le--20160122013846479p4c147.news, ngày 25/01/2016 (Ngọc Thúy trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>