Tin tức >> Tin cao su trong nước

Các đơn vị miền Trung phải chủ động tổ chức sản xuất linh hoạt phù hợp với thực tế

20/09/2021

Đó là chỉ đạo của ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) trong cuộc họp trực tuyến ngày 15/9/2021 về công tác phòng chống dịch    COVID-19 và hoạt động sản xuất kinh doanh 8 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2021 với các công ty khu vực Duyên hải miền Trung (DHMT).


 

Cuộc họp trực tuyến được tổ chức tại 13 điểm cầu
Sản lượng khai thác tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020
Tham dự cuộc họp trực tuyến có lãnh đạo VRG, các phòng ban chuyên môn VRG và lãnh đạo 12 đơn vị thành viên tại khu vực DHMT, trong đó có 9 công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; 1 công ty chế biến, tiêu thụ gỗ MDF; 2 công ty thủy điện.
Về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tính đến nay, tổng diện tích của 9 công ty khu vực DHMT là 34.941 ha, trong đó diện tích cao su khai thác có 15.570 ha. Theo kế hoạch năm 2021, tổng sản lượng khai thác của 9 đơn vị này là 15.770 tấn cao su quy khô. Tới ngày 13/9, tiến độ thực hiện sản lượng khu vực đạt 7.981 tấn đạt 50,61% so với kế hoạch năm,) so với cùng kỳ năm 2020 tăng 7%. Báo cáo về tiến độ thực hiện kế hoạch sản xuất tính đến ngày 13/9, phần lớn các đơn vị đều đã hoàn thành các chỉ tiêu của tháng, quý. Trong đó có các đơn vị đạt tỷ lệ khai thác cao so với kế hoạch như Cao su Hương Khê – Hà Tĩnh 745/900 tấn, đạt gần 83%; Cao su Quảng Trị thực hiện 830/1.100 tấn, đạt gần 76%; Cao su Thanh Hóa thực hiện 598/1.100 tấn, đạt 54,4% kế hoạch; Cao su Nghệ An thực hiện 481/950 tấn, đạt 50,6%; Cao su Quảng Nam thực hiện 1.233/2480, đạt gần 50%…
Trong lĩnh vực chế biến gỗ, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng chế biến của Công ty CP Gỗ MDF VRG – Quảng Trị trên 183.668 m3, đạt 87% kế hoạch; sản lượng tiêu thụ 148.106 m3, đạt 72%; tổng doanh thu 732 tỷ đồng, lợi nhuận trên 66,8 tỷ đồng, vượt 101% so với kế hoạch. Ông Cao Thanh Nam – TGĐ Công ty cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến công tác tiêu thụ của công ty do các đối tác phần lớn hiện nằm trong vùng đỏ. “Để khắc phục những khó khăn đó, chúng tôi đã và đang đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời tìm kiếm thị trường, khách hàng mới nhằm ổn định sản xuất kinh doanh trong 4 tháng cuối năm cũng như các năm tiếp theo”, ông Cao Thanh Nam nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực thủy điện, cũng trong 8 tháng đầu năm nay, sản lượng điện sản xuất của VRG – Phú Yên là 23,64 triệu kwh, đạt 40% kế hoạch; tổng doanh thu 41,7 tỷ đồng. Sản lượng sản xuất của Thủy điện Sông Côn là 76,18 triệu kwh, đạt 42,3% kế hoạnh; tổng doanh thu 80,5 tỷ đồng, đạt 49,4% kế hoạch.
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các ban chuyên môn cũng như Ban Tổng giám đốc VRG đã đánh giá cao kết quả hoạt động SXKD 8 tháng đầu năm của các đơn vị DHMT. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo các đơn vị triển khai thực hiện tốt kế hoạch 4 tháng cuối năm. Ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn CSVN cho rằng, khu vực DHMT đã bước vào mùa mưa bão nên cần tập trung xây dựng kế hoạch phòng chống, đồng thời yêu cầu lãnh đạo công đoàn các cấp cụ thể hóa nội dung hoạt động phong trào thi đua nước rút 4 tháng cuối năm mà Công đoàn CSVN đã phát động ngày 10/9. “Công đoàn các cấp cần tập trung tuyên truyền phong trào thi đua lao động sản xuất đến từng Tổ Công đoàn, từng đoàn viên và từng công nhân lao động. Từ đó kịp thời động viên, khen thưởng, tôn vinh những cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đươch giao”, ông Phan Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tổ chức sản xuất an toàn
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch HĐQT VRG Trần Ngọc Thuận đã biểu dương tinh thần vượt khó của 12 đơn vị trực thuộc VRG khu vực miền Trung, đồng thời yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng và thực hiện kịch bản sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2021 theo hướng chủ động và linh hoạt. Đặc biệt trong tình hình diễn biến rất phức tạp của đại dịch COVID-19 cũng như thiên tai lũ lụt. Đây là thời điểm các đơn vị miền Trung sẽ đối mặt với mùa mưa bão năm 2021. “Thực tế cho thấy, cơn bão số 5 vừa qua mặc dù không gây thiệt hại lớn đối với các đơn vị từ Thanh Hóa đến Quảng Nam. Tuy nhiên một số cơ sở hạ tầng và vườn cây đã bị ảnh hưởng nhẹ. Chính vì vậy, các đơn vị cần chủ động, quyết liệt hơn nữa về công tác phòng chống thiên tai nhằm giảm thiểu đối đa những thiệt hại mà bão lũ gây ra”, ông Trần Ngọc Thuận chỉ đạo.
Ông Trần Ngọc Thuận nhất mạnh: “Các đơn vị cần quyết liệt hơn nữa để làm việc với các đầu mối nhằm triển khai tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 cho NLĐ, đồng thời xây dựng phương án tổ chức sản xuất sao cho phù hợp với diễn biến từng thời điểm phòng chống dịch. Tiếp tục chấp hành và triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của các cấp. Nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của VRG. Thường xuyên cập nhật diễn biến của dịch bệnh tại đơn vị và địa phương báo cáo về Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 VRG để có hướng xử lý kịp thời…


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>