Tin tức >> Tin cao su trong nước

Bình Phước: Cây điều hay cao su?

12/04/2016

 Những năm qua, giá mủ cao su liên tục giảm. Nhiều hộ nông dân trước đây chạy đua trồng cao su thì nay đang “đau đầu” vì thu chẳng được bao nhiêu mà chi phí chăm sóc, thu hoạch lại cao nên lỗ nặng. 


 Trong khi đó, cây điều “dễ tính” hơn và giá hạt điều năm nay khá cao nên một số hộ dự định sẽ chặt bỏ cao su để trồng điều; một số khác lại tiếc của, tiếc công hoặc không đủ chi phí để trồng mới.

Anh Nguyễn Ngọc Dũng (sinh năm 1976), ngụ thôn 1, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) cho biết: “Năm nay, giá điều cao nên một số hộ dự định chặt bỏ cao su để trồng điều với hy vọng mới. Còn tôi lỡ trồng cao su nên chuyển về trồng điều thì rất phân vân”. Gia đình anh Dũng đã từng chặt bỏ cao su trồng điều, rồi lại chặt điều trồng cao su. Hiện vườn cao su 4 năm của gia đình anh đang lo nắng hạn và cũng có thể sẽ phải cưa để “chạy theo phong trào”. Bà Lê Thị Dung ở thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh có 6 ha cao su (6 ha này trước đây trồng điều). Điều đang có giá, bà tiếc và muốn chuyển sang trồng điều. Bà Dung cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chặt cao su trồng điều với hy vọng giá mủ cao như năm 2011. Tuy nhiên, khi cao su được cạo thì cũng là lúc giá mủ rớt thê thảm, hạt điều lại có giá khá cao”.
Bà Ngô Huệ Mai ở thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau (Bù Đăng) chia sẻ: “Sau hơn 4 năm phá 10 ha điều để trồng cao su, tôi đã phải trả giá quá đắt vì chi phí trồng mới rất cao, bây giờ giá mủ rớt thê thảm nên lỗ nặng”. Bà Mai cho biết, trong xã có nhiều hộ chuyển từ trồng điều sang cao su đang lao đao vì cao su mất giá, không có tiền trả nợ. Khi trồng 10 ha cao su, bà Mai phải vay ngân hàng và người thân, hiện gia đình bà lâm vào cảnh nợ nần. Hộ anh Điểu Đrông, ngụ ấp 2, xã Đồng Nơ (Hớn Quản) cũng lâm vào cảnh tương tự khi vay tiền trồng 3 ha cao su. “Hiện nay, 3 ha cao su của gia đình tôi chỉ cho thu bằng 1/3 ha điều. Giá mủ cao su xuống thấp, nếu thuê người cạo thì lỗ nặng. Vì vậy, hầu hết gia đình có cao su phải tự cạo để giảm chi phí nhân công”, anh Điểu Đrông nói.
Trước đây, điều được coi là “cây xóa đói giảm nghèo”, lại phù hợp với điều kiện khí hậu của Bình Phước. Thế nhưng, một số hộ trồng điều lại không có niềm tin vào loại cây này mà chuyển đổi sang trồng cao su, chi phí và công chăm sóc cao hơn. Khi hạt điều có giá, nhiều hộ lại chặt bỏ cao su để trồng điều. Điệp khúc “chặt – trồng, trồng – chặt” của nông dân nhiều năm qua đã xảy ra, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Đang vào mùa thu hoạch điều, giá mủ cao su thấp, nhiều hộ, nhất là những gia đình ít đất, ít vốn chỉ trông chờ vào vườn rẫy đang băn khoăn chuyển đổi sang trồng điều. Từ thực tế trên, nông dân đang cần sự định hướng sản xuất của các cấp chính quyền, nhất là ngành nông nghiệp. Nếu được định hướng tốt, chắc chắn mùa trồng mới năm nay sẽ giảm được tình trạng “chặt – trồng, trồng – chặt”, thúc đẩy sản xuất phát triển toàn diện. 
Kim Tiến, nguồn: http://baobinhphuoc.com.vn/Content/cay-dieu-hay-cao-su-58041, ngày 07/4/2016 (Thanh Danh trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>