Tin tức >> Tin cao su trong nước

300 ngàn ha rừng có chứng chỉ vào năm 2020

09/12/2019

Diện tích và nguồn nguyên liệu gỗ có chứng chỉ bền vững ở Việt Nam hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu chế biến xuất khẩu gỗ.


 

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang thực hiện Chứng chỉ rừng Việt Nam trên nhiều diện tích cao su
Vì vậy, Tổng cục Lâm nghiệp đang đẩy mạnh cấp Chứng chỉ rừng Việt Nam trong thời gian tới.  
Còn thiếu so với nhu cầu
Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Sản xuất Lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) lâm sản là ngành hàng xuất khẩu quan trọng, hiện đứng thứ 6 của Việt Nam và liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm trong giai đoạn 2010 – 2018.
Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đạt trên 9,3 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017. Trong 11 tháng đầu năm 2019, ước đạt 10,19 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: sản phẩm gỗ các loại đạt 9,59 tỷ USD, tăng 19,1%; gỗ nguyên liệu đạt 2,64 tỷ USD, tăng 10,3%; lâm sản ngoài gỗ 599,7 triệu USD, tăng 36,6%.
Nguồn nguyên liệu phục vụ ngành chế biến gỗ, sản phẩm gỗ chủ yếu khai thác từ rừng trồng trong nước và nhập khẩu. Năm 2018, tổng sản lượng gỗ phục vụ cho chế biến gỗ, sản phẩm gỗ là 35,9 triệu m3. Trong đó, khai thác trong nước đạt 27,5 triệu m3; gỗ nhập khẩu 8,4 triệu m3 quy tròn.
Dù gỗ trong nước đã chiếm tới trên 75% nhu cầu chế biến xuất khẩu, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như chất lượng gỗ rừng trồng, nguyên liệu của chế biến chưa thực sự được bảo đảm; việc hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu với người trồng rừng, đặc biệt là các hộ trồng rừng nhỏ để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng còn hạn chế; gỗ rừng trồng chủ yếu nhỏ, khai thác sớm, chất lượng thấp, quản lý rừng chưa hướng đến bền vững để đạt chứng chỉ... Riêng về diện tích rừng trồng, nguồn nguyên liệu có chứng chỉ, thì hiện không đủ để cung cấp cho thị trường.
Chính vì vậy, việc xây dựng Hệ thống Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS) được công nhận bởi Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng (PEFC), sẽ thúc đẩy việc quản lý rừng bền vững và khắc phục những khó khăn hiện tại, cùng với Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), đã có hiệu lực từ ngày 01/6/2019, sẽ mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.  
300 ngàn ha có chứng chỉ vào 2020
Theo ông Lê Văn Bình (Văn phòng Chứng chỉ rừng Việt Nam), việc hình thành Hệ thống Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS) khẳng định cam kết của Chính phủ trong thực thi quản lý bảo vệ rừng và chứng chỉ rừng, có thêm lựa chọn cho các chủ rừng, doanh nghiệp; giảm chi phí, tiết kiệm thời gian; hướng tới xây dựng thương hiệu của quốc gia, thương hiệu của doanh nghiệp.
Có 2 loại chứng chỉ của VFCS. Thứ nhất là Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FM) cấp cho các chủ rừng, gồm tổ chức (quy mô vừa); hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư (quy mô nhỏ). Mục tiêu là đến 2020 cấp được 300 ngàn ha rừng, đến 2030 cấp được khoảng 1 triệu ha. Chứng chỉ thứ hai là quản lý chuỗi hành trình sản phẩm (CoC).
Vào ngày 31/5/2019, VFCS đã trở thành thành viên thứ 51 của PEFC, đồng nghĩa với việc VFCS được chứng nhận bởi PEFC.
Ông Richard Laity, đại diện PEFC quốc tế, cho biết, PEFC được thành lập bởi các hộ gia đình và chủ rừng nhỏ từ châu Âu vào năm 1999. PEFC là hệ thống thích hợp nhất cho các chủ rừng nhỏ và hộ gia đình.
PEFC là Liên minh các hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, làm việc theo cơ chế tự nguyện thúc đẩy quản lý rừng bền vững, cung cấp chứng nhận độc lập từ bên thứ ba.
PEFC phát triển các tiêu chuẩn quốc tế; đánh giá và chứng thực các hệ thống chứng nhận quốc gia; thúc đẩy sự tiếp cận và công nhận trên thị trường thế giới; hợp tác với các dự án có tầm ảnh hưởng để thúc đẩy lâm nghiệp và sinh kế bền vững.
Chứng nhận rừng PEFC minh chứng rừng được quản lý tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn xã hội, kinh tế và môi trường. Chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC minh chứng tính hợp pháp, nguồn gốc sản phẩm là từ rừng được quản lý tốt, truy xuất nguồn gốc…
Hiện nay, trên toàn cầu mới có khoảng 11% diện tích rừng có chứng chỉ rừng bền vững. Trong đó, diện tích có chứng chỉ PEFC là 325,4 triệu ha, diện tích có chứng chỉ FSC là 201 triệu ha.
Như vậy, Liên minh PEFC có khu vực rừng được chứng nhận lớn nhất thế giới. Các nhân tố thúc đẩy chứng chỉ PEFC gồm luật pháp, mua sắm công (17 quốc gia trong EU), cam kết riêng, mua sắm tư, tài chính và người tiêu dùng.
Ở Việt Nam, đã có những doanh nghiệp quan tâm và bắt tay vào thực hiện Chứng chỉ rừng Việt Nam (PEFC/VFCS), tiêu biểu như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).
Theo ông Diệp Xuân Trường, Phó Trưởng Ban Công nghiệp của VRG, tháng 5/2019, VRG đã ký kết với Tổng cục Lâm nghiệp về thực hiện chứng chỉ rừng bền vững. Mục tiêu là được cấp chứng chỉ VFCS cho 13.000 ha cao su của 3 công ty (Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng và Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng) và 6 nhà máy chế biến mủ. Dự kiến đến cuối năm 2019, VRG sẽ hoàn thành việc được cấp chứng chỉ cho 3 công ty nói trên. Việc đánh giá cấp chứng chỉ PEFC/CoC cho các nhà máy chế biến mủ cao su sẽ thực hiện trong tháng 12 tới.
Thanh Sơn, nguồn: https://nongnghiep.vn/300-ngan-hecta-rung-co-chung-chi-vao-2020-post254081.html, ngày 03/12/2019 (TH trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>