Tin tức >> Tin cao su ngoài nước

Malaysia quan tâm hợp tác kinh tế với Ấn Độ

29/03/2016

Malaysia đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư nước ngoài và Chính phủ nước này đã chỉ thị cho tất cả các bang trong cả nước nỗ lực thu hút vốn đầu tư, theo ông Eldeen Husaini Mohd Hashim – Tổng Lãnh sự quán của Malaysia tại Mumbai, Ấn Độ. Trong buổi phỏng vấn với Tạp chí Rubber Asia, ông cho biết thêm, Malaysia cũng mong muốn tận dụng cơ hội từ sáng kiến ‘‘Make in India” – “Sản xuất tại Ấn Độ” và có kế hoạch thực hiện một số dự án từ sáng kiến này. Trong đó,Lãnh sự quán và các tham tán thương mại là kênh kết nối các cơ quan, ban ngành, tổ chức liên quan, đồng thời hướng dẫn các nhà đầu tư những hướng đi an toàn trong kinh doanh, giao dịch ở nước ngoài.


Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh khối ASEAN và Đông Á vào tháng 11/2015 tại Malaysia, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, quan hệ thương mại, đầu tư giữa Malaysia và Ấn Độ đã được mở rộng về quy mô một cách đáng kể và Ấn Độ dự định khai thác toàn bộ tiềm năng từ các thỏa thuận song phương giữa hai nước. Vì thế, thương mại giữa Malaysia và Ấn Độ được kỳ vọng sẽ phát triển trong tương lai và vai trò của Lãnh sự quán Malaysia được đánh giá là rất quan trọng.
 
Ấn Độ và Malaysia có mối quan hệ thương mại từ rất lâu đời và trong bốn đến năm thập kỷ gần đây, Ấn Độ có mối liên quan chặt chẽ đối với sự chuyển đổi của Malaysia, từ một nước xuất khẩu hàng hóa cơ bản sang một nền kinh tế công nghiệp hóa và toàn diện.
 
Ông Eldeen phát biểu: “Từ khi hiệp định kinh tế giữa hai nước được ký kết vào năm 2010, thương mại song phương đã tăng thêm 60%. Trong năm 2010, chỉ có 8 đến 10 kế hoạch hoàn thành và hiện nay, con số này đã tăng lên đến 67 dự án, đạt giá trị 722 triệu USD”.
 
Trong khi các công ty của Malaysia đang mở rộng tìm kiếm những cơ hội đầu tư tại Ấn Độ, thì các đối tác Ấn Độ cũng đang tích cực khai thác các cơ hội kinh doanh tại thị trường Malaysia. Khoảng 120 công ty Ấn Độ đang hoạt động tại Malaysia, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, dệt may, thực phẩm & đồ uống, công nghệ thông tin & điện tử.
 
Sáng kiến ‘Make in India’ ‘Sản xuất tại Ấn Độ’
 
Malaysia mong muốn tận dụng các cơ hội từ sáng kiến ‘Make in India’ của chính phủ Ấn Độ và đang khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân hai nước thúc đẩy quan hệ kinh doanh. “Chúng tôi có kế hoạch thực hiện một số dự án theo sáng kiến ‘Make in India’. Ngoài ra, cả hai nước cũng sẽ tổ chức những buổi gặp mặt giao thương giữa các doanh nghiệp tư nhân,” Tổng Lãnh sự cho biết.
 
Trong suốt chuyến thăm đến Malaysia của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi từ ngày 21 – 23/11/2015, Chính phủ hai nước đã ký ba hiệp định, ngoài ra còn có một số hiệp định và bản ghi nhớ được ký giữa các doanh nghiệp tư nhân dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo hai nước. Thêm vào đó, những vấn đề được nêu ra trong buổi nói chuyện của Thủ tướng Ấn Độ Modi và Thủ tướng Malaysia ông Dato’ Seri Najib Tun Razak liên quan đến sự hợp tác trong ngành thương mại và đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, nông nghiệp, hàng hóa và quốc phòng.
 
Hiện tại, Malaysia đang tập trung vào ngành dược phẩm và mở rộng hợp tác với Ấn Độ nhằm vươn tới tầm cao hơn. “Malaysia hiện là nước sản xuất găng tay y tế hàng đầu thế giới và mong muốn mở rộng ra các danh mục sản phẩm y tế khác. Hiện tại, Malaysia đang nhập khẩu những dụng cụ y tế từ Trung Quốc và châu Âu với mức giá khá cao. Vì vậy, chúng tôi đang tìm cách tự sản xuất các vật dụng y tế và rất sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ” ông Eldeen cho biết.
 
Ngoài ngành dược phẩm, Malaysia cũng tập trung vào các ngành nghề khác như công nghệ thông tin, phát triển cơ sở hạ tầng và điện tử.
 
Thúc đẩy ngành cao su phát triển
 
Malaysia đang thúc đẩy các sản phẩm công nghiệp, cọ dầu và cao su. Tuy nhiên, giá cao su trên thị trường quốc tế gần đây sụt giảm mạnh, làm giảm niềm tin của những người trồng cao su trên thế giới. Tuy nhiên, Malaysia đang khuyến khích, hỗ trợ những người trồng cao su bằng một số biện pháp. Ngành sản phẩm cao su tăng trưởng tương đối tốt trong nửa đầu năm 2015, với tổng doanh thu đạt 8,7 tỷ RM (2,4 tỷ USD, theo tỷ giá năm 2015) so với 7,33 tỷ RM (2,05 tỷ USD) của cùng kỳ năm 2014.
 
Cao su là một trong những mặt hàng thế mạnh của Malaysia, đã đóng góp tích cực cho nền kinh tế Malaysia trong nhiều năm qua và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Trong ngân sách năm 2014, Thủ tướng Malaysia đã chi thêm 100 triệu RM (tương đương 27 triệu USD, theo tỷ giá năm 2015) nhằm hỗ trợ cho người trồng cao su. Điều này cho thấy, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cọ dầu, Malaysia cũng không quên đầu tư vào ngành cao su.
 
Ông Eldeen cho biết thêm: “Trong lĩnh vực cao su, chúng tôi đang có những hoạt động quảng bá rất tốt. Chúng tôi có văn phòng Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu cao su Malaysia (MREPC) tại Mumbai, cho thấy chúng tôi thật sự nghiêm túc trong việc hợp tác sản xuất cao su với Ấn Độ”.
 
Đối với những nông hộ cao su tiểu điền, ngoài việc khuyến khích, Chính phủ cũng cung cấp những thiết bị máy móc tiên tiến và hỗ trợ về kỹ thuật nhằm cải tiến chất lượng mủ tốt hơn. Chính phủ cũng đặc biệt khuyến khích thế hệ trẻ quan tâm đến ngành cao su. “Ngày nay, thế hệ trẻ không còn chú trọng vào nghề trồng cao su. Để khuyến khích, chúng tôi hợp tác với các trường đại học nông lâm nhằm giúp những sinh viên trẻ hiểu rõ hơn về công nghệ sản xuất mới cũng như quá trình kinh doanh và học tập trồng cao su”.
 
Nhìn nhận về vấn đề toàn cầu hóa và sự cần thiết nâng cao nhận thức cho người trồng cao su, Hội đồng MREPC đã đưa ra một số sáng kiến. “Chúng tôi tập hợp những người trồng, doanh nghiệp nhỏ và cấp ngân sách để họ có thể tham gia nhiều hội chợ triển lãm, giới thiệu các sản phẩm và tích lũy những thông tin hữu ích về thị trường cao su thế giới”, ông Eldeen cho biết. MREPC cũng tổ chức những hội nghị, hội thảo dành cho các công ty cao su Malaysia, nhằm giới thiệu về các cơ hội đổi mới trong nước và ngoài nước. Gần đây, MREPC đã tổ chức cuộc họp giới thiệu với các nhà sản xuất sản phẩm cao su về Chương trình hợp tác trong ngành đường sắt quốc gia.
 
Cân bằng công nông nghiệp
 
Malaysia từng là nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới. Mặc dù thứ hạng đã bị giảm xuống, Malaysia vẫn là một trong 5 nước sản xuất cao su dẫn đầu. Giải thích cho việc giảm sản lượng, Tổng lãnh sự nước này cho biết: “Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã chuyển trọng tâm từ nông nghiệp sang công nghiệp. Vì không thể chỉ phụ thuộc vào một lĩnh vực nhất định như ngành nông nghiệp hoặc công nghiệp. Chúng tôi cần giữ cân bằng nông – công nghiệp, nhưng vẫn muốn giành lại vị trí đứng đầu trong ngành sản xuất cao su. Đó là lý do tại sao chúng tôi đưa ra và áp dụng nhiều sáng kiến trong ngành cao su”.
 
Tuy nhiên, những nhà xuất khẩu cao su đến Ấn Độ đã gặp một số bất lợi từ chính sách thuế đối với cao su của Ấn Độ. Hiện tại, thuế nhập khẩu cao su nguyên liệu vào Ấn Độ từ 5% đến 70%, trong khi đó thuế nhập khẩu đối với cao su thành phẩm được áp dưới 10%. Khi đặt câu hỏi Malaysia sẽ ứng phó như thế nào khi chọn Ấn Độ là một trong những thị trường lớn nhất để hợp tác trong ngành cao su, ông Eldeen cho biết: “Chúng tôi hiểu rõ việc bảo vệ môi trường kinh doanh và sản phẩm nội địa là ưu tiên hàng đầu của tất cả các nước. Việc các đối tác Ấn Độ đang nỗ lực tăng cường quan hệ thương mại song phương được xem là một động thái tích cực. Ngoài ra, chúng tôi cũng kết nối, hợp tác với những hiệp hội ngành nghề, các cơ quan nhà nước để có thể trao đổi, thảo luận về cơ hội và thách thức trong thương mại”.
 
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam lược dịch (Công Nhựt, Công Danh, Ngọc Thúy), từ nguồn: “Malaysia keen on business in India”, Tạp chí Rubber Asia, 01 02/2016: 48 51.

 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>