Tin tức

Quảng Nam: Đồng bào Cor trồng cao su kết hợp chăn nuôi

09/08/2021

Từ mảnh đất rừng trồng keo, hiệu quả thấp, ông Phong đầu tư cải tạo thành rừng cây cao su kết hợp chăn nuôi mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.


Xã Trà Nú (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) địa phương miền núi với đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tại đây, cuộc sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn khi kinh tế chỉ phụ thuộc vào trồng rừng, có rất ít nương rẫy để sản xuất nông nghiệp. Vượt lên những khó khăn đó, những năm qua, ông Huỳnh Đại Phương (58 tuổi, người đồng bào Cor) lại biết phát huy những lợi thế tiềm ẩn ở vùng đất này để xây dựng một mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Với những vật nuôi bản địa như heo đen, bò đã và đang giúp cho gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định hàng năm.

Vườn cây cao su của ông Phương đang bước vào
thời kỳ thu hoạch. Ảnh: M.P
Ông Phương cho biết, cách đây khoảng 5 năm, khi được sự hỗ trợ từ dự án phát triển cao su tiểu điền, ông đã quyết định dùng 1,5 ha đất rừng keo chuyển đổi qua loại cây này. Sau khi được cấp miễn phí 100% giống, ông Phương thuê máy móc để cải tạo lại mảnh đất, mua phân bón đồng thời tìm hiểu các kỹ thuật chăm sóc qua sách báo. Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương và bản tính cần cù, chịu khó, đến nay vườn cao su của ông đang phát triển xanh tốt, chuẩn bị bước vào thời kỳ thu hoạch. Không những vậy, trong thời gian chờ cây cao su cho mủ, ông Phương đầu tư thêm chuồng trại để chăn nuôi bò, heo đen bản địa với mục đích lấy ngắn nuôi dài. “Loài heo đen đã được bà con ở đây nuôi từ rất lâu rồi, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Giống heo này có sức đề kháng rất tốt, ít khi bị dịch bệnh và giá thành bán ra lại gấp đôi heo thịt bình thường nên nếu đầu tư bài bản thì thu nhập rất cao. Ngoài ra, thức ăn của heo cũng dễ kiếm, tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp từ đó chi phí chăn nuôi cũng thấp”, ông Phương chia sẻ.
Hiện nay, ông Phương đang duy trì thường xuyên 4 heo đen nái sinh sản. Mỗi năm 1 nái đẻ 2 lứa trung bình mỗi lứa từ 8 – 10 con. Thông thường, lứa heo đầu năm ông bán con giống cho những cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi có nhu cầu. Đến lứa sinh sản giữa năm, ông giữ lại nuôi để cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong các dịp Tết Nguyên đán. Theo ông nhẩm tính, sau khi trừ chi phí đàn heo của ông cho thu nhập hàng năm trên dưới 100 triệu đồng.
Ông Phương cho biết, giống heo đen bản địa có
sức đề kháng rất tốt, ít khi dịch bệnh và
chi phí đầu tư thấp. Ảnh: L.K
Một nguồn thu nhập khác không hề nhỏ từ mô hình của ông Phương nữa là chăn nuôi bò thịt. Để tăng hiệu quả chăn nuôi từ con vật này, những năm qua, ông liên tục cải tạo đàn giống để cho ra những con bò có vóc dáng, trọng lượng lớn hơn. “Hiện đàn bò nhà tôi đang có 15 con, trong đó có 7 con bò mẹ. Trung bình mỗi năm tôi xuất bán khoảng 7 con. Vì bò to lại được chăn thả tốt, đầy đủ thức ăn nên giá bán mỗi con cũng rất cao, từ 15 – 20 triệu đồng. Nhờ đàn bò này mà mỗi năm tôi cũng có thêm thu nhập khoảng 100 triệu nữa”, ông Phương bộc bạch.
Với nguồn thu nhập như vậy so với những hộ gia đình khác trong vùng thì có lẽ rất nhiều người đã cảm thấy hài lòng. Tuy nhiên riêng ông Phương thì khác. Ông cho rằng, đây mới chỉ là bắt đầu khi khoảng 1 năm nay, ông mới thực sự tập trung vào mô hình. Bởi trước đó, do còn công tác tại UBND xã Trà Nú nên ông không có nhiều thời gian để đầu tư, phát triển kinh tế. “Trong thời gian tới, tôi dự định mở rộng quy mô chăn nuôi, đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi khoảng 10 con heo nái sinh sản. Bên cạnh đó, tôi cũng cải tạo một phần diện tích vườn để trồng chuối làm thức ăn cho heo. Dự định nữa mà tôi đang muốn thực hiện là phát triển một vườn cây ăn quả để tăng thêm thu nhập”, ông Phương nói.
Lê Khánh – Mai Phương, nguồn: https://nongnghiep.vn/dong-bao-cor-trong-cao-su-ket-hop-chan-nuoi-d298507.html, ngày 05/8/2021 (HG trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>