Việc trồng cao su bước đầu thay đổi dần phương thức sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế – xã hội trên vùng đồi núi.
Bài 1: Dưới rừng cao su khép tán
Sau Tết Nguyên đán 2016, hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại ba tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đang hồi hộp đợi chờ ngày cạo mủ cây cao su với kỳ vọng kinh tế khá lên nhờ có cổ tức từ việc góp đất và con em đồng bào đã trở thành công nhân.
Trước ngày cạo mủ
Bắt đầu trồng 70 ha từ năm 2007, đến nay toàn tỉnh Sơn La có khoảng 7.000 hộ dân góp đất, trồng được 6.200 ha cao su. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Sơn La (viết tắt là CTCS Sơn La) – Võ Nhật Duy – cho biết, tính đến thời điểm này, chi phí đầu tư cho mỗi ha cao su ở Sơn La là 108 triệu đồng. Với giá cao su xuất khẩu đang giảm sâu như hiện nay và mức đầu tư như trên thì những năm khai thác đầu tiên, lợi nhuận thu được sẽ rất thấp. Nhưng cái được là trong gần mười năm qua, các hộ dân góp đất trồng cao su đã có thu nhập khá do góp công lao động. CTCS Sơn La đang sử dụng 4.300 lao động, trong đó 98% là con em các gia đình góp vốn.
Để tăng thêm thu nhập cho người dân, ngoài mức hỗ trợ của tỉnh, CTCS Sơn La đã có nhiều hình thức đầu tư như hỗ trợ 1.200 hộ dân vay hơn bảy tỷ đồng không lãi để nuôi bò. Đến nay, Công ty đã kết thúc chương trình này và thu hồi số tiền cho vay, giúp bà con có thêm 2.000 con bò và trồng được 400 ha cỏ làm thức ăn. Chương trình hỗ trợ người dân trồng xen ngô trên đất cao su những năm đầu với tổng diện tích được hỗ trợ hơn 14 nghìn ha cũng giúp người dân cải thiện đáng kể mức thu nhập.
Theo tính toán, trong tám năm qua, nếu chỉ trồng ngô, mỗi ha cho thu nhập gần 70 triệu đồng. Khi góp đất trồng cao su, bốn năm đầu trồng xen ngô trên 60% diện tích sẽ có thu nhập tổng cộng hơn 83 triệu đồng. Một số diện tích không thể trồng xen ngô thì mức thu nhập đạt khoảng 62 triệu đồng. Đó là chưa kể hiệu quả từ việc người dân được hưởng lợi từ đầu tư làm đường liên lô, liên bản, xây nhà trẻ, trường học, thành lập quỹ bệnh nhân nghèo. Khi bước vào khai thác mủ, với mức giá hiện nay và năng suất dự kiến, người dân góp đất trồng cao su sẽ có thêm thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/ha/năm. Cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã kiểm tra và xác nhận hầu hết diện tích cao su đều phát triển tốt, cây đều đã đạt chu vi 50 cm và năng suất mủ năm đầu khoảng 0,5 tấn/ha. Năm nay, toàn tỉnh sẽ đưa khoảng 400 ha vào khai thác và năm 2017 sẽ tăng lên 1.700 ha. Năm 2025, CTCS Sơn La sẽ khai thác toàn bộ diện tích với năng suất dự kiến gần 2 tấn/ha/năm.
Cũng theo ông Võ Nhật Duy, dự kiến 70 ha cao su trồng năm 2007 đã có thể cho cạo mủ từ năm 2015 nhưng sau khi cân nhắc, Công ty quyết định để đến năm 2016, một phần do giá mủ cao su đang giảm mạnh, một phần do chưa thống nhất được tỷ lệ chia giữa CTCS Sơn La với hộ dân góp đất.
Những năm đầu, CTCS Sơn La và tỉnh Sơn La thống nhất phương án người dân góp đất được định giá thành tỷ lệ phần trăm góp vốn trong đầu tư cơ bản cho mỗi ha cao su. Hằng năm, người góp đất được chia cổ tức tương ứng lợi nhuận/tỷ lệ vốn góp. Tuy nhiên, do giá cao su giảm mạnh, đồng thời chi phí đầu tư xây dựng cơ bản cho mỗi ha cao su cao hơn dự kiến, cho nên với năng suất và giá thành như hiện nay, người góp vốn sẽ không thể có cổ tức. Chính vì vậy, CTCS Sơn La đã bàn và thống nhất với tỉnh phương án mới: Người góp đất được hưởng 10% giá trị sản phẩm thu hoạch. Làm theo phương án này, thu nhập của người dân sẽ ổn định và công bằng hơn. Việc chốt và ký hợp đồng với người dân sẽ được tiến hành trước thời điểm cạo mủ.
Thăm khu trồng cao su tại xã Ít Ong, huyện Mường La, chúng tôi đi xuyên qua những rừng cao su đã khép tán. Giữa trưa, ánh mặt trời chỉ còn le lói qua kẽ lá. Những cây cao su thẳng tắp đang chờ ngày cạo mủ. Rất ít công nhân trong rừng cao su. Từ vài tháng nay, CTCS Sơn La liên tục huy động công nhân từ các xã về tổ chức lớp học kỹ thuật cạo mủ. Anh Hoàng Liên Sơn – Đội trưởng Đội cao su Ít Ong – cho biết, toàn đội có 466 ha, đang sử dụng 1.731 lao động. Có 187 hộ ở hai bản Tìn và Nà Trang góp đất và hộ nào cũng có con, em làm công nhân. Anh Sơn nói: “Mấy năm gần đây, cao su khép tán, lại không thể trồng xen ngô nên công chăm sóc và thu nhập của công nhân giảm mạnh. Nhờ Công ty có chủ trương cho vay không lãi mua bò, trả vốn dần trong ba năm nên công nhân cũng có thêm việc làm. Toàn đội đã có 200 con bò và đã trả hết vốn, giờ đợi đến ngày cạo mủ”.
Công nhân giữa núi đồi
Tại Lai Châu, chỉ một vài tháng nữa, những vườn cây cao su chính thức cho cạo mủ thử. Nguồn “vàng trắng” đang hứa hẹn làm đổi đời người dân những nơi khó khăn vùng Tây Bắc cũng như tạo động lực để phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu – Lê Trọng Quảng – cho biết: “Sau một thời gian trồng cao su, phần lớn người dân trong vùng quy hoạch đã nhận thức được lợi ích việc phát triển cao su, vì vậy tích cực góp đất. Cũng từ đó góp phần thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, làm thay đổi tập quán sản xuất; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm. Đồng thời, khai thác và sử dụng có hiệu quả diện tích đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ đất, chống xói mòn, rửa trôi, góp phần tăng độ che phủ. Hiện nay, tổng diện tích cây cao su ở Lai Châu khoảng 13.075 ha, trong đó cao su tiểu điền là 528,6 ha, chiếm 4,0%; cao su đại điền là 12.546 ha, chiếm 96,0% tổng diện tích.
Từ năm 2008 đến nay, việc trồng cao su đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước ổn định và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người dân trong vùng dự án với khoảng 2.605 công nhân (trong đó, 2.134 công nhân có đóng bảo hiểm, 471 công nhân hợp đồng thời vụ không đóng bảo hiểm). Công nhân trồng cao su có mức lương bình quân từ 3 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng và hàng nghìn lượt lao động thời vụ (thu nhập bình quân 100.000 đến 150.000 đồng/người/ngày); góp phần ổn định cuộc sống cho nhân dân, nhất là người dân vùng tái định cư”. Qua thực tiễn, Lai Châu đã lựa chọn được các nhóm giống cao su phù hợp tiểu khí hậu từng vùng, bao gồm nhóm giống chủ lực, triển vọng cho năng suất cao; nhóm giống chịu lạnh. Trong đó, nhóm giống chủ lực, triển vọng cho năng suất cao là IAN 873, RRIV 1, RRIM 712, RIC, RRIV1,... và nhóm giống chịu lạnh như VNg 77-2, VNg 77-4, LH87/202...
Chủ tịch UBND xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) – Lò Văn Dán – cho biết, hiện trên toàn xã có khoảng 2.030 ha trồng cao su với 636 hộ tham gia góp đất trồng, đạt 100% số hộ. Ông Lường Văn Kính, bản Nầm Cay, xã Chăn Nưa cho biết: “Gia đình tôi có bốn người, trong đó cả hai vợ chồng đều được nhận vào làm việc tại Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu 2 từ năm 2010. Hiện nay, trồng cao su đang có nhiều việc nên thu nhập của gia đình tôi cũng tương đối cao, khoảng 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Hy vọng thời gian tới, khi cao su bước vào kỳ khai thác mủ, ngoài tiền lương công nhân, gia đình tôi sẽ có thêm khoản tiền mà Công ty chia theo như ký kết”.
Ông Nguyễn Ngọc Huệ – Phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Điện Biên – cho biết, tỉnh Điện Biên bắt đầu đưa vào trồng cây cao su từ năm 2008 (lúc đó chưa có quy hoạch), trong đó trồng thử ở hai xã Thanh Nưa và Mường Pồn (huyện Điện Biên) với hơn 700 ha. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.900 ha cao su đại điền, hơn 200 ha tiểu điền. Thời gian đầu, tỉnh quy hoạch 72.900 ha đất và dự kiến đến năm 2020 trồng 20 nghìn ha. Sau đó, tỉnh điều chỉnh quy hoạch xuống hơn 38 nghìn ha trồng cao su và mục tiêu vẫn trồng 20 nghìn ha, chọn đất phù hợp, độ dốc bằng và tập trung hơn. Cây cao su xuất hiện ở sáu huyện, thành phố, chủ yếu ở các huyện Tuần Giáo, Mường Chà và Mường Nhé. Sở tham mưu UBND tỉnh ký với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho người dân lấy 10% sản phẩm khi cao su cho mủ (khai thác được một tấn, người dân sẽ được một tạ), giá lên, giá xuống người dân vẫn có tiền. Ngoài ra, 27 năm sau khi cây cao su không còn cho khai thác mủ, người dân được hưởng 10% tiền gỗ khai thác. Hiện nay, những diện tích trồng đợt đầu đã được Tập đoàn tập huấn cạo mủ. Theo dự tính, năng suất cao su của tỉnh đạt 8,5 tạ/ha/năm đầu tiên.
Trong khi diện tích cao su trồng ở các tỉnh Tây Bắc đã tỏ ra phù hợp điều kiện sinh thái, sinh trưởng tốt và kết quả cạo mủ thăm dò khả quan thì ở các tỉnh Đông Bắc, người trồng và các công ty cao su đang hồi hộp đợi kết quả thử nghiệm. Sau thời gian đầu ồ ạt trồng, đến nay theo chỉ đạo của Chính phủ, các tỉnh Đông Bắc đã tạm dừng trồng mới cao su, tập trung chăm sóc diện tích đã trồng. Mới đây, VRG đã thành lập đoàn công tác kiểm tra thực tế cây cao su tại ba tỉnh Lai Châu, Hà Giang và Yên Bái. Tại tỉnh Hà Giang, đến hết năm 2015 đã trồng được hơn 1.500 ha cao su với các giống chủ yếu là IAN 873, VNg 77-4, VNg 77-2.
Trồng đúng thời vụ, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cơ cấu, chất lượng giống bảo đảm đúng quy định của VRG nên vườn cây sinh trưởng tốt. Mặt khác, công ty còn thử nghiệm trồng thành công mô hình cây dược liệu dưới tán cao su. Tại Yên Bái, sau 5 năm triển khai, toàn tỉnh đã trồng 2.266 ha, tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động, thu nhập bình quân 3,1 triệu đồng/người/tháng. Cây cao su đã phát triển mạnh về diện tích, sinh trưởng tốt, được người dân đồng tình ủng hộ, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2016 sẽ trồng được 3.000 ha cao su và tạm ổn định ở diện tích này.