Tin tức

Niềm vui khai thác dòng nhựa cao su đầu tiên ở Nam Giang

15/05/2017

 Những ngày này, niềm vui của hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Nam như được nhân lên khi sau 9 năm chờ đợi, những dòng nhựa cao su đầu tiên được khai miệng và cũng là thời điểm giá mủ cao su phục hồi sau thời gian dài giảm giá. 


 Diện tích 500 ha cao su vừa chính thức được khai miệng cạo mủ ở thôn A Dinh, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang. Với bà con Cơ Tu thì đây thật sự là ngày hội, bởi sau 9 năm tham gia nhận khoán trồng cao su, giờ những dòng nhựa trắng mang theo giấc mơ đổi đời đã thật sự hiện hữu.

Anh Blúp Nghiêu, thôn A Dinh, xã Chà Vàl, cho biết: "Qua một năm, hai năm chăm sóc rất khó khăn, từ khi cây lên tán rồi việc chăm sóc giảm dần, đến khi cạo mủ bà con ở đây rất mừng, rất phấn khởi, nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn để bà con đổi đời dễ dàng".
Chị Tơ Ngol Thị Hiếu, Thôn A Dinh, cho biết: "Chăm sóc 9 năm rồi, vất vả, bữa ni được ra vườn cạo, em rất vui mừng, hôm nay được làm lễ ra quân mở miệng cạo, em có thêm động lực để ra vườn thường xuyên hơn, em quản lý 4 ha cao su."
Niềm vui của bà con Cơ Tu Nam Giang, cũng chính là sự phấn khởi của hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi như: Tây Giang, Phước Sơn và Bắc Trà My. Bởi, sau nhiều năm thăng trầm khi giá mủ cao su bấp bênh, họ vẫn quyết tâm bám trụ gần 11.000 ha cao su, tin tưởng và chờ đợi ngày khai miệng cạo mủ hôm nay. Để đồng bào dân tộc thiểu số thật sự tin vào cây cao su, cây làm giàu ở miền núi phía Tây, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều giải pháp căn cơ, bền vững.
Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Thu nhập như hiện nay là 2,68 triệu một tháng, có những người công nhân trên 6,5 triệu, như vậy có thể khẳng định trên 90% người đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm ổn định, được đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ như một công nhân viên chức, đồng thời việc đó là diện tích cao su tiểu điền của người dân phát triển tương đối mạnh mẽ".
Nông dân thành công nhân, lại hưởng đầy đủ các quyền lợi như một công chức nhà nước, đó chỉ là một chi tiết nhỏ trong câu chuyện đổi đời từ cây cao su của bà con dân tộc thiểu số Quảng Nam. Bởi, trong chiến lược phát triển vùng Tây, Quảng Nam đã đề ra 5 nhóm giải pháp, trong đó tiếp tục phát triển trồng dược liệu dưới tán cây cao su và xây dựng thêm nhà máy chế biến mủ cao su ở miền núi... được coi là cơ hội thật sự để giải quyết việc làm cho bà con dân tộc thiểu số và giúp họ làm giàu từ cây cao su.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>