Tin tức

Những xu hướng chuyển đổi lớn đang tác động đến khu vực Đông Nam Á

01/03/2021

Khi Đông Nam Á thoát ra khỏi cái bóng của đại dịch COVID-19, khu vực này có cơ hội thực sự để biến những sự chuyển đổi này thành lợi thế.


Hiện nay, có 3 xu hướng chuyển đổi lớn đang tác động đến thế giới, đó là sự chuyển dịch sang châu Á, việc đẩy nhanh kỹ thuật số và nguy cơ gia tăng của tình trạng biến đổi khí hậu. Tất cả những yếu tố này đều đang thực sự tác động đến khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, mẫu số chung cho mọi vấn đề trong cuộc khủng hoảng COVID-19 là sự cần thiết phải nhanh chóng thích ứng và duy trì tính năng động. Khi Đông Nam Á thoát ra khỏi cái bóng của đại dịch COVID-19, khu vực này có cơ hội thực sự để biến những sự chuyển đổi này thành lợi thế. Tuy nhiên, để thành công, các quốc gia đòi hỏi phải có sức chống chịu, sự tái kết nối và hình dung trên quy mô toàn khu vực. Dưới đây là những lĩnh vực mà khu vực Đông Nam Á cần quan tâm chặt chẽ trong năm nay và xa hơn nữa.

 
Cơ hội “xoay trục” sang khu vực Đông Nam Á
Châu Á là động cơ tăng trưởng của thế giới, và khu vực Đông Nam Á nằm ở vị trí trung tâm của châu lục này trong nhiều năm. Tuy nhiên, xét về tăng trưởng được thúc đẩy bởi đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và cơ sở hạ tầng, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19 nặng nề hơn so với các khu vực còn lại của châu Á.
Do ảnh hưởng của COVID-19, Đông Nam Á vốn là một trung tâm chế tạo sản xuất sẽ trở nên ít phụ thuộc hơn vào các thị trường bên ngoài đối với tiêu dùng và đầu tư. Các thị trường tiêu dùng nội khu vực mới mà các nhà sản xuất đã phát triển khi nhu cầu ở châu Âu và Bắc Mỹ giảm sẽ vẫn được duy trì. Điều không may là sự bất trắc đang diễn ra đồng nghĩa với việc khó thiết lập các kế hoạch dài hạn. Nhưng các biện pháp cải cách chính sách của các chính phủ có thể góp phần “bôi trơn bánh xe” bằng việc đơn giản hóa các rào cản phi thuế quan.
Bên cạnh đó, việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Bởi RCEP giúp loại bỏ nhiều rào cản thuế quan và phi thuế quan, đồng thời mở cửa khu vực cho nhiều hoạt động thương mại hơn. Khu vực này cũng cần thu hút nhiều hơn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này có thể được thực hiện bằng việc sửa đổi những danh mục đầu tư tiêu cực, đưa ra khuyến khích về thuế đối với một số lĩnh vực và sửa đổi để đẩy nhanh tiến trình phê duyệt đầu tư.
Xu hướng đầu tư vào công nghệ của doanh nghiệp
Công nghệ đã góp phần “giải cứu” các doanh nghiệp trong năm 2020 vừa qua. Công nghệ tạo điều kiện duy trì tính liên tục, xác định lại kết nối giữa khách hàng và nhà cung cấp, và sẽ định hình tương lai của các doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Năm 2020, các doanh nghiệp đã “xoay trục” để đối phó với tình trạng phong tỏa. Họ đã triển khai các nền tảng mua bán trực tuyến và giao hàng nhanh hơn, theo dõi sản phẩm trực tuyến. Cuối cùng, các công ty đã sử dụng các kênh kỹ thuật số để thực hiện thanh toán trực tuyến, sử dụng các bảng điều khiển kỹ thuật số để quản lý thanh khoản và đưa các nhà cung cấp vào các nền tảng số.
 
Trong tương lai, các doanh nghiệp với quy mô khác nhau sẽ cần đầu tư vào việc phát triển năng lực kỹ thuật số của họ hơn nữa để đảm bảo khả năng đáp ứng với dân số thương mại điện tử ngày càng tăng trong tương lai. Theo báo cáo của Google, Bain và Temasek, chỉ riêng năm 2020, 40 triệu người ở Đông Nam Á lần đầu tiên đã vào mạng. Hiện nay có khoảng 400 triệu người dùng Internet trên toàn khu vực. Trong khi đó, khảo sát của ngân hàng HSBC cho biết, 80% doanh nghiệp ASEAN có kế hoạch duy trì hoặc gia tăng đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Điều có ý nghĩa then chốt là những bản kế hoạch này cần phải được triển khai trên thực tế.
Tuy nhiên, chuyển đổi kinh doanh sẽ không chỉ được thúc đẩy bởi một mình công nghệ, mà cần kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI), các công nghệ phân tích, mạng không dây thế hệ mới 5G… Doanh nghiệp không thể một mình làm được việc này. Họ cần sự hợp tác đầy đủ của tất cả các cơ quan có thẩm quyền, với việc thực hiện đầy đủ các khuôn khổ như Kế hoạch hành động khuôn khổ hợp nhất kỹ thuật số ASEAN và Khuôn khổ quản trị dữ liệu số ASEAN.
Động lực để thúc đẩy sự thịnh vượng
Công nghệ có thể tạo điều kiện và làm chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế, nhưng tạo ra nguy cơ loại bỏ những doanh nghiệp thiếu nguồn lực và sự đào tạo cần thiết để nắm bắt những cơ hội này. Việc nâng cao sự hiểu biết về kỹ thuật số cho lực lượng lao động khu vực sẽ là điều cấp thiết. Có 3 lợi ích rõ ràng, thứ nhất, một bộ phận người dân có trình độ học vấn và được trang bị những kỹ năng kỹ thuật số mới nhất sẽ có năng lực thích ứng khi các lĩnh vực kỹ thuật số phát triển. Thứ hai, công nghệ tài chính sẽ giúp nhiều phân khúc trong xã hội trở nên giàu có thông qua đầu tư. Và cuối cùng, các nền tảng số cho phép các khách hàng khám phá một loạt giải pháp đầu tư hiệu quả hơn. Khi có kinh nghiệm, các nhà đầu tư cá nhân học cách sử dụng vốn đầu tư, bảo hộ có mục tiêu và lập kế hoạch phù hợp. Đối với các nhà đầu tư sành sỏi hơn, công nghệ sẽ giúp họ tìm kiếm được những giải pháp có chọn lọc hơn. Do đó, cải thiện xã hội bằng việc làm cho công nghệ trở nên gắn kết với nhiều người dân hơn cần phải là ưu tiên của các chính phủ ASEAN trong năm nay và xa hơn nữa.
Xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu
Dịch bệnh đã cảnh báo mọi người về một mối đe dọa khác đang dần hiện ra, đó là rủi ro ngày càng tăng của tình trạng biến đổi khí hậu đối với các cộng đồng và sinh kế của người dân.
ASEAN là một trong những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất trước rủi ro của tình trạng biến đổi khí hậu, và nếu vấn đề này không được các quốc gia giải quyết đến năm 2030, thì khu vực sẽ bị sụt giảm 11% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2100. Do đó, cần nhanh chóng hành động trên tất cả các lĩnh vực như năng lượng, vận tải, xây dựng đô thị, công nghiệp và đất đai.
Thập kỷ tới có ý nghĩa then chốt. Khi tái thiết các nền kinh tế, các nước cần nhớ rằng sự phục hồi thiếu bền vững sẽ không phải là sự phục hồi thực sự. Trong khi đầu tư xanh đã đạt được những bước tiến lớn ở ASEAN, vẫn có một khoảng trống khi đề cập đến việc sử dụng nguồn tài chính bền vững chuyên biệt của các doanh nghiệp và xã hội. 
Một giải pháp để giải quyết sự thiếu kết nối này có thể là việc các chính phủ Đông Nam Á gắn các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong tương lai của họ với các nguyên tắc xanh và bền vững. Điều này sẽ thu hút nhiều đầu tư tư nhân hơn từ khắp nơi trên thế giới vào các dự án này. Sự phát triển thịnh vượng và tăng trưởng mà khu vực Đông Nam Á có được trong 2 thập kỷ qua đã được xây dựng trên tinh thần mở cửa và kết nối, và các quốc gia cần quay trở lại những gốc rễ này. Hậu quả của dịch bệnh cũng như của tình trạng biến đổi khí hậu, những tiến bộ về công nghệ đem lại cả rủi ro lẫn cơ hội.
Đây cũng là dịp để các quốc gia thiết lập lại mục tiêu và tham vọng của họ, cũng như xây dựng khả năng phục hồi và hình dung lại cách thức làm việc trong tương lai. Để có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, kết nối hơn và bao trùm hơn, khu vực Đông Nam Á cần cùng nhau hành động trong những thời khắc chuyển đổi này.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>